Chính những cải tiến trong thi tốt nghiệp THPT đã giúp các học sinh và thầy cô giáo thêm thoải mái, tự tin khi chuẩn bị cho kỳ thi sắp diễn ra.
Không chỉ giúp giảm đáng kể áp lực về tâm lý, những đổi mới của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay còn mang nhiều ý nghĩa ưu việt khi nó tiến tới phản ảnh những giá trị thật của một trong hai kỳ thi vốn được coi là quan trọng nhất với cuộc đời của mỗi học sinh nhưng lại vẫn luôn tồn tại những ý kiến trái chiều và đầy nghi hoặc.
Với việc giảm tải từ 6 xuống còn 4 môn thi, trong đó có 2 môn tự chọn (trong số 6 môn là: Vật lý, Hóa học, Sinh vật, Ngoại ngữ, Địa lý, Lịch sử) và 2 môn bắt buộc (Văn, Toán).
Như vậy mỗi thí sinh dự thi có thể được thi đầy đủ cả 3 môn trong khối thi đại học của mình và chỉ còn phải học thêm 1 môn để thi tốt nghiệp.
Ngay những em cả môn lựa chọn với môn bắt buộc cũng chỉ chiếm 2 trong số 3 môn thi đại học, thì với lợi thế được lựa chọn môn thi các em cũng sẽ chọn môn mà mình có sở trường nhất để thử sức trong kỳ thi tốt nghiệp sắp tới.
Được lựa chọn môn thi thực sự là một điều kiện rất ưu việt mang lại nhiều lợi thế cho học sinh và khiến kỳ thi nặng nề bỗng trở nên “vừa sức” với các em hơn, nên hầu hết các thí sinh đều tỏ ra khá thoải mái trước kỳ thi.
“Em thi đại học khối A nên cùng với môn Toán bắt buộc em chọn 2 môn thi tốt nghiệp là Lý và Hóa. Môn Văn thì chúng em bắt đầu ôn từ đầu học kỳ II rồi nên em rất thoải mái và tự tin với kỳ thi tốt nghiệp năm nay”.
Nguyễn Anh Tuấn - học sinh lớp 12A Trường THPT Việt Trì phấn khởi cho chúng tôi biết trong ngày bế giảng của năm học.
Cô giáo Nguyễn Thị Việt Lâm - Phó hiệu trưởng Trường THPT Việt Trì - cũng khẳng định: Học 6 môn thì khó nói trước, chứ với 4 môn mà theo xu thế hầu hết các em đều chọn tới 3 môn thuộc sở trường (là những môn thi thuộc khối thi đại học), thì kỳ thi tốt nghiệp năm nay sẽ phản ánh một cách chính xác nhất trình độ của mỗi học sinh.
Như vậy, dù kết quả thi có như thế nào thì cộng với việc xét kết quả của cả năm học lớp 12 làm căn cứ tốt nghiệp cho học sinh, rõ ràng kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay sẽ cho một kết quả thật nhất để phản ánh chất lượng giáo dục trong mỗi nhà trường.
Góp phần phản ánh thực chất chất lượng nên những cải tiến của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014 cũng đã giúp bộc lộ những hạn chế của công tác giáo dục nói chung.
Thông qua việc lựa chọn môn thi tốt nghiệp đã cho thấy sự mất cân đối nghiêm trọng giữa các môn học trong nhà trường hiện nay. Trong số 6 môn thi thuộc diện lựa chọn, ngoài hai môn Hóa và Lý được lựa chọn nhiều bởi ưu thế vượt trội của số thí sinh tham gia thi vào các ngành thuộc khối A (thi Toán, Lý, Hóa) thì 2 môn Địa và Sinh cũng có tỷ lệ chọn rất cao bởi lý do là dễ học.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT và GDTX năm 2014 có tổng số 13.127 thí sinh tham gia dự thi, trong đó số thí sinh đăng ký thi môn Địa chiếm tỷ lệ cao nhất với 55,8% thí sinh, tiếp theo là môn Hóa với 52,8% thí sinh; môn Lý có 35,7% thí sinh lựa chọn; môn Sinh có 31,3%; môn Sử 12,3% và môn Ngoại ngữ 12%.
Tưởng như trong xu hướng phát triển của thời đại khoa học công nghệ hiện nay sự chiếm ưu thế của các môn khoa học tự nhiên cũng là điều dễ hiểu.
Nhưng điều đó sẽ khó để đảm bảo chất lượng giáo dục khi học sinh lựa chọn môn học, khối học không dựa trên trình độ, năng lực hay sở trường của mình mà lại dựa vào xu hướng phát triển của xã hội.
Trên thực tế không phải học sinh nào cũng phù hợp để theo đuổi các môn học tự nhiên vốn đòi hỏi kỹ năng tư duy logic và hệ thống cao.
Kỳ thi đại học, cao đẳng năm nay Trường THPT Công nghiệp Việt Trì chỉ với 274 học sinh nhưng có đến 500 bộ hồ sơ thi Đại học. Đáng nói là trong đó chỉ có 23 hồ sơ đăng ký thi các trường thuộc khối C (thi Văn, Sử, Địa).
Về vấn đề này, thầy giáo Hiệu trưởng Bạch Văn Phong cũng phải thừa nhận: Trường chưa thực sự làm tốt công tác định hướng, tư vấn môn học, khối học cho học sinh ngay từ khi các em bước vào trường dẫn đến nhiều em lựa chọn các ngành học chưa phù hợp với trình độ và khả năng của bản thân, gây lãng phí công sức và tiền của của chính bản thân các em và gia đình, xã hội.
Cũng thông qua những cải tiến của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014 này, những thế mạnh cũng như điểm yếu của các trường dường như đã được bộc lộ rất rõ rệt.
Theo thầy Ngô Tùng Lâm - Phó hiệu trưởng Trường THPT Thanh Sơn - thì hoạt động trên địa bàn huyện miền núi nên Trường Thanh Sơn có ưu thế giáo dục mũi nhọn ở các môn được đánh giá là dễ học như Sinh, Sử, Địa khi các môn này thường chiếm tới trên 59% tổng số giải từ các kỳ thi học sinh giỏi của nhà trường.
Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay ở THPT Thanh Sơn với 395 thí sinh dự thi, đã có tới 217 em chọn môn Địa, 216 em chọn thi Sinh và 62 em thi Sử.
Cùng ở Việt Trì, trong khi trường Công nghiệp Việt Trì chỉ có 77/274 em đăng ký thi Ngoại ngữ, Trường Nguyễn Tất Thành thậm chí không có học sinh nào đăng ký thi, nhưng với Trường THPT Việt Trì - nơi luôn dẫn đầu toàn tỉnh về kết quả thi học sinh giỏi môn tiếng Anh, lại có đến 204/440 học sinh đăng ký Ngoại ngữ là môn tự chọn.
Nhưng xét trên tổng thể, kết quả chỉ có 12% thí sinh trong toàn tỉnh đăng ký thi môn tiếng Anh – một trong những môn học chính, được bắt đầu từ chương trình THCS, đã phần nào phản ánh thực tế đào tạo Ngoại ngữ chưa bao giờ là thế mạnh của một tỉnh miền núi như Phú Thọ.
Bao lâu nay, những kỳ thi tốt nghiệp có tỷ lệ đỗ gần như tuyệt đối đã khiến nhiều người nghĩ rằng: Nếu cứ thi là đỗ thì kỳ thi tốt nghiệp THPT không thật sự cần thiết nữa và nên chăng bỏ kỳ thi này cũng như các kỳ thi tốt nghiệp TH và THCS đã bỏ trước đó để tiết kiệm chi phí thi cử.
Hy vọng những cải tiến về thi tốt nghiệp THPT được áp dụng cho kỳ thi 2014 này tuy chưa tác động nhiều đến chất lượng, nhưng ít nhất nó cũng phản ánh được những giá trị thật của kỳ thi cũng như kết quả công tác giáo dục nói chung.