Đổi mới kỳ thi THPT quốc gia: Hỗ trợ cho việc hướng nghiệp sớm và giảm tải

GD&TĐ - Kết quả của kỳ thi THPT quốc gia 2015 đã có tác động rất lớn đến việc dạy - học của các trường THPT trong năm học 2015 - 2016 này.

Đổi mới kỳ thi THPT quốc gia: Hỗ trợ cho việc hướng nghiệp sớm và giảm tải

Kết quả của kỳ thi THPT quốc gia 2015 đã có tác động rất lớn đến việc dạy - học của các trường THPT trong năm học 2015 - 2016 này.

Trên cơ sở phân tích kết quả của kỳ thi THPT quốc gia 2015, các trường THPT đã triển khai nhiều biện pháp nâng cao chất lượng dạy học, trong đó chú trọng điều chỉnh nội dung, phương pháp dạy học theo hướng phân hóa đối tượng.

Công tác tư vấn, hướng nghiệp cho HS cũng được triển khai ngay từ đầu năm học. Đặc biệt, các trường THPT đã đẩy mạnh tuyên truyền những đổi mới trong thi cử, tuyển sinh… đến phụ huynh HS. 

Khởi động… sớm

Là trường có đầu vào thấp, Trường THPT Nguyễn Hiền (Đà Nẵng) đã “khởi động” ôn thi ngay từ đầu năm học, sau khi đã tuyên truyền cho PH nắm được những nét mới trong công tác tuyển sinh của Bộ GD&ĐT.

“Với 3 môn thi bắt buộc là Toán, Văn, Anh văn, chúng tôi tổ chức ôn thi cho HS mỗi tuần 4 tiết/môn và học trái buổi. Các lớp học ôn được chia thành 3 mức độ, căn cứ trên khảo sát chất lượng đầu năm của HS.

Danh sách của các lớp học phụ đạo sẽ không ổn định mà cứ sau mỗi đợt học khoảng 1,5 tháng, nhà trường sẽ tổ chức kiểm tra đánh giá để điều chỉnh lớp cho phù hợp với khả năng tiếp nhận của HS” - Cô Lê Thị Tuyết Hồng, Hiệu trưởng, cho biết.

Đề cương ôn tập của từng môn học cùng với hệ thống câu hỏi, bài tập đi kèm sẽ được tổ bộ môn xây dựng ở 3 mức độ khác nhau phù hợp với mức độ, khả năng tiếp nhận của HS.

“Cứ “xới đi xới lại” như thế, chúng tôi tin HS sẽ nắm vững kiến thức, tự tin bước vào kỳ thi. Chuẩn bị kỹ càng cả về mặt tâm lý, kiến thức, hy vọng là các em sẽ có được kết quả tốt hơn kỳ thi THPT quốc gia vừa rồi” - Cô Tuyết Hồng cho biết.

Theo như cô Lê Thị Tuyết Hồng chia sẻ thì: “Quan trọng nhất là BGH và GVCN, GV bộ môn phải hình thành được động cơ học tập cho HS.

Qua phân tích kết quả của kỳ thi THPT quốc gia ở từng môn một, đối chiếu với điểm trung bình của HS cũng như vị trí thi đua của lớp đó trong năm học, chúng tôi nhận thấy rằng kết quả thi phản ảnh đúng thực chất chất lượng học tập của HS.

Tỉ lệ thí sinh đỗ tốt nghiệp cao rơi vào các lớp có kết quả thi đua tốt trong năm học. Ở môn Toán, trường chúng tôi có 31 HS bị điểm liệt, các môn Văn, Sử, Địa, mỗi môn đều có 1 em.

Dù môn Sử và Địa là 2 môn tự chọn, HS thường có tâm lý chọn những môn học mình có thế mạng, nhưng HS vẫn bị điểm liệt. BGH nhà trường không bình luận, không quy kết mà để tự các “số liệu” nói lên tất cả, và đã có tác động lập tức đến các giáo viên. Đây cũng là cơ sở để nhà trường chia lớp học phụ đạo theo 3 mức độ chứ không ôn đại trà như trước đây”.

Thầy Nguyễn Thành Lễ - Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Trãi (Đà Nẵng) - nhận xét: “Kết quả thi THPT quốc gia 2015 là dữ liệu đáng tin cậy để Hội đồng sư phạm nhà trường đánh giá, định hướng cũng như điều chỉnh phương pháp dạy học”.

Nhà trường đã triển khai tổ chức phụ đạo 3 môn Toán, Văn, Anh văn từ đầu năm học theo hướng bám sát. “Hết học kỳ I, nhà trường sẽ kiểm tra chất lượng toàn diện khối 12, trên cơ sở đó sẽ định hướng, tư vấn cho HS chọn môn thi, khối thi. 

Việc tư vấn sẽ do giáo viên bộ môn, giáo viên chủ nhiệm đảm nhận trên cơ sở phân tích năng lực học tập cùng với nguyện vọng của HS; HS cũng được lựa chọn giáo viên để học ôn.

Từ giai đoạn này trở đi, nhà trường sẽ tăng cường tổ chức bồi dưỡng thêm cho những HS có học lực trung bình - yếu, giúp củng cố, hệ thống lại kiến thức cho HS để các em nắm được những kiến thức, kỹ năng cơ bản theo yêu cầu của kỳ thi” - Thầy Lễ cho biết. “Việc sắp xếp lớp ôn tập sẽ theo mục đích đăng ký thi của các em để có thể rèn luyện kỹ năng vận dụng cho những HS xét tuyển ĐH, CĐ”.

Dự kiến, các trường THPT sẽ tổ chức khảo sát sớm việc đăng ký môn tự chọn của HS để GV bộ môn có những lưu ý trong khi tổ chức dạy - học. “GV khối 12 của trường chúng tôi có đề xuất triển khai sớm việc đăng ký môn tự chọn cho HS.

Tất nhiên từ giờ cho đến thời điểm nộp danh sách đăng ký về Sở GD&ĐT, HS có toàn quyền thay đổi, nhưng đây sẽ là dữ liệu để ngay trong HK I này, các GV sẽ nắm danh sách HS chọn môn tự chọn mà mình đang dạy để có phương pháp kiểm tra, đánh giá phù hợp” – Cô Tuyết Hồng cho biết.

Tư vấn kỹ cho phụ huynh

Đầu năm học, BGH các trường THPT ở Đà Nẵng đều tổ chức họp riêng phụ huynh khối 12 để phổ biến kỹ những đổi mới quy chế thi THPT quốc gia cũng như quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ. BGH Trường THPT Nguyễn Trãi đã tổ chức cho tập thể giáo viên quán triệt các thông tư có liên quan của Bộ GD&ĐT để có thể giải thích cặn kẽ với phụ huynh “mới cái gì, không mới cái gì”, phân tích cho phụ huynh thấy hết được những thuận lợi trong đổi mới tuyển sinh…

CBQL của các trường THPT đều có nhận xét chung rằng, rất nhiều phụ huynh thắc mắc về phương thức xét tuyển của các trường ĐH, CĐ, nhất là việc rút, nộp hồ sơ cũng như điều chỉnh nguyện vọng.

Thầy Nguyễn Thành Lễ kể: “Để giúp phụ huynh có đầy đủ thông tin và thông tin phải đủ sức thuyết phục, chúng tôi phân tích những tình huống cụ thể trên những câu chuyện mà chính phụ huynh đưa ra làm dẫn chứng.

Một khi có đầy đủ thông tin, không bị mơ hồ thì phụ huynh và HS sẽ hết hoang mang, lo lắng. Như đợt xét tuyển ĐH, CĐ vừa rồi, nhà trường có 2 em nộp hồ sơ xét tuyển tại trường ĐH ở Hà Nội, các em đến điều chỉnh nguyện vọng ngay tại trường, không di chuyển tốn kém mà vẫn rất hiệu quả”.

“Một trong 4 nguyên nhân dẫn đến kết quả kỳ thi THPT quốc gia 2015 của nhà trường thấp là do HS còn có tâm lý chủ quan. Các em vẫn hy vọng vào yếu tố may mắn cho dù trước đó đã được phổ biến rất kỹ quy chế thi, các em cũng đã được tập dượt bằng cách tổ chức kiểm tra một tiết, kiểm tra học kỳ theo đề thi chung cho toàn khối và ngồi theo phòng thi như thi tốt nghiệp và cũng chấm điểm theo phòng thi.

Chính vì vậy, ngay từ đầu năm học, ngoài phổ biến kỹ quy chế thi cho HS khối 12, lấy dẫn chứng từ các trường hợp vi phạm quy chế thi bị xử lý tại cụm thi Đà Nẵng, nhà trường cũng phân tích kết quả thi cho các em biết” – Cô Tuyết Hồng chia sẻ cách làm của trường THPT Nguyễn Hiền.

“Chúng tôi làm việc này không phải để “hù” HS, mà giúp cho các em có một tâm thế và động cơ học tập đúng”. Sau khai giảng khoảng 1 tháng, đã có hai HS của Trường THPT Nguyễn Hiền xin rút hồ sơ để chuyển sang học nghề.

Phụ huynh của một trong hai em này giải thích: “Con về nhà xin nghỉ học nhưng gia đình cứ ép cháu học để lấy cái bằng tốt nghiệp THPT, nhưng xu hướng thi cử thực chất ri, con tui khó có khả năng thi đậu nên xin cho cháu học nghề, đúng với sở thích và năng lực của cháu. Cháu cũng vui vẻ vì từ trước giờ cháu phụ với trong nhà, thấy cũng có năng khiếu lắm”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hệ thống THAAD của Mỹ.

Kích hoạt vụ phóng Oreshnik mới

GD&TĐ - Theo Reuters, lực lượng tên lửa Nga có thể phóng tiếp tên lửa Oreshnik vào Ukraine, sau khi bị Kiev tập kích lãnh thổ bằng ATACMS.

Minh họa/INT.

Truyện ngắn: Hồi ức khó quên

GD&TĐ - Tôi từng nghĩ rằng mình có thể hóa thành một chiếc ô, chỉ dựa vào sức lực và ý chí của bản thân để che chở cho cả gia đình trước những cơn giông bão của cuộc đời.

Minh họa/INT.

Nhạc kịch Việt tự tin 'cất cánh'

GD&TĐ - Nhạc kịch 'Giấc mơ Chí Phèo' của Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long đang được khởi động bán vé cho suất công diễn cuối tháng 12.