(GD&TĐ) -Như chúng tôi đã đưa tin, vừa qua, Bộ GD-ĐT tổ chức hội thảo về vấn đề này đối với các môn Văn, Sử, Địa, Giáo dục công dân (GDCD). Hội thảo đã tập trung thảo luận về vấn đề đồng bộ trong chỉ đạo ĐMPPDH và đổi mới kiểm tra đánh giá (ĐMKTĐG). Chúng tôi đã phỏng vấn Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển xung quanh vấn đề mà hội thảo đặt ra.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT TS. Nguyễn Vinh Hiển |
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Có nhiều thành tố quyết định chất lượng quá trình dạy học. Trước hết là mục tiêu, nội dung, phương pháp dạy học, thiết bị và CSVC, tổ chức quản lý và hình thức dạy học, thi-kiểm tra đánh giá (KTĐG). Trong quá trình đổi mới CT-SGK, chúng ta đã xác định rõ mục tiêu, trong đó nhấn mạnh là dạy học phải góp phần đào tạo ra những con người có lý tưởng, có phẩm chất đạo đức, năng động, sáng tạo, có năng lực tự học và thiết tha với học tập suốt đời. ĐMPPDH phải góp phần thực hiện mục tiêu đó, bên cạnh việc cố gắng trong cách viết CT-SGK theo hướng vừa trình bày kiến thức vừa gợi ý PPDH, tăng cường thiết bị dạy học, bồi dưỡng CBQLGD, GV.
Tuy nhiên, so với yêu cầu, mục tiêu thì việc ĐMPPDH vẫn chưa được như mong muốn.
PV:Trong các thành tố quyết định chất lượng, đâu là “nút bấm”?
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Trong khi phải quan tâm giải quyết đồng bộ tất cả các yếu tố thì tùy từng hoàn cảnh cụ thể, phải biết chọn những yếu tố then chốt mà nếu tác động vào đó sẽ làm xoay chuyển các yếu tố khác. Thời gian qua, các yếu tố đều được quan tâm nhưng có yếu tố mang tính điểm nhấn như vậy lại chưa được quan tâm đúng mức, đó là yếu tố đổi mới nội dung và hình thức thi-KTĐG.
PV:Vậy thì ĐMPPDH nằm ở vị trí nào, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Ai cũng biết rằng ĐMPPDH thì sẽ quyết định chất lượng, tức là cũng quyết định đầu ra của KTĐG, nhưng như người ta vẫn nói, thi sao học vậy, có nghĩa là thi-KTĐG có tác động trở lại đối với quá trình dạy học. Trong thời gian qua, việc kiểm tra các môn Văn, Sử, Địa, GDCD vẫn nặng về kiểm tra thuộc lòng, thậm chí học vẹt, ít yêu cầu vận dụng kiến thức, rèn luyện kỹ năng và năng lực tự học, lại càng chưa để ý đến năng lực sáng tạo và GD tình cảm, đạo đức.
PV:Xin Thứ trưởng cho biết, với các môn Văn, Sử, Địa, GDCD thì cần rèn luyện kỹ năng gì?
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Tôi ví dụ môn Văn chẳng hạn, thì ngoài kiến thức ngôn ngữ còn phải rèn năng lực cảm thụ văn học, kỹ năng đọc-viết-thuyết trình…; môn Địa, Sử thì có kỹ năng phân tích, đánh giá tình hình, nhận định xu hướng phát triển của sự vật hiện tượng; môn GDCD thì là kỹ năng ứng xử những tình huống cụ thể trong cuộc sống hàng ngày (kỹ năng sống). Chính vì vậy, nếu không ĐMKTĐG thì HS khi làm bài không phát huy được tính chủ động, sáng tạo, không được bày tỏ chính kiến, không thể hiện được trách nhiệm công dân mà chỉ trả lời theo cách giáo điều, máy móc. Điều đó cũng triệt tiêu hứng thú học tập của các em, thậm chí làm giảm cả niềm tin vào tri thức. Thực tế hiện nay, nếu dạy học mà chỉ chú ý quan tâm đến việc rèn luyện những kỹ năng ấy thì lại không cần thiết cho thi-KTĐG. Hậu quả là: người tích cực đổi mới thì không đạt kết quả cao, còn người học thụ động lại có điểm tốt. Như vậy, kết quả thi, kiểm tra không phản ánh đúng kết quả GD.
PV:Thưa Thứ trưởng, trong hội thảo cũng đã có ý kiến cụ thể như vậy?
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Có đấy. Ví dụ cụ thể: một đề thi văn dành cho HS cuối cấp THPT mà theo người ra đề thì chỉ có 2 điểm về kiểm tra việc tái hiện kiến thức, 8 điểm còn lại dành cho vận dụng kiến thức. Nhưng qua xem xét kỹ thì 8 điểm đó cũng chỉ là yêu cầu HS nhớ lại những điều thầy cô đã dạy trên lớp. Điều đó cho thấy là khả năng ra đề sáng tạo của GV là còn hạn chế. Ngoài ra còn hạn chế nữa là việc lạm dụng hình thức trắc nghiệm. Đó là một hình thức thi mới, có một số tác dụng tích cực như hạn chế học tủ, học lệch, chấm bài tùy tiện. Nhưng đồng thời nó cũng hạn chế yếu tố tích cực trong việc rèn luyện kỹ năng như tôi đã nói ở trên, đặc biệt là năng lực phân tích tổng hợp, tư duy logic.
PV:Vậy, ĐMPPDH và ĐMKTĐG, cái nào quan trọng hơn? Tại sao hội thảo lần này lại tập trung vào ĐMKTĐG, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Cái nào cũng quan trọng, và không có chuyện cái nào làm trước cái nào làm sau mà phải làm đồng bộ. Như trên đã nói, không ĐMPPDH thì kết quả KTĐG thực chất sẽ thấp, ngược lại, không ĐMKTĐG thì không ai ĐMPPDH cả. Vấn đề là nhà quản lý phải biết thúc đẩy cả hai yếu tố này. Cần nhìn lại thực tế giai đoạn vừa qua, chúng ta đã cố gắng nhiều trong chỉ đạo ĐMPPDH, GV cũng đã tiếp cận đối với các yêu cầu của ĐMPPDH nhưng người ta chưa có động lực để vận dụng điều đó trong thực tiễn. Lý do là trong chỉ đạo chưa quan tâm đến ĐMKTĐG. Nay, cần phải nhận thức lại cho đúng về vị trí vai trò của ĐMKTĐG đối với ĐMPPDH nói riêng và đối với toàn bộ quá trình đổi mới GD phổ thông nói chung.
PV: Xin Thứ trưởng nói rõ hơn về định hướng trong giai đoạn tới về ĐMKTĐG thúc đẩy ĐMPPDH?
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Thứ nhất, ĐMKTĐG phải đáp ứng được mục tiêu dạy học. Muốn có điều đó thì phải coi trọng cả GD kiến thức, kỹ năng, tình cảm, thái độ…
-Thứ hai, KTĐG phải bao quát được chương trình, đảm bảo tính khách quan, nghiêm túc, trung thực, phù hợp với những điều kiện về CSVC, trang thiết bị và việc tổ chức quá trình dạy học.
-Thứ ba, ĐMKTĐG phải được chỉ đạo đồng bộ từ mỗi nhà trường đến GV và cao nhất là Bộ GD-ĐT. Riêng với ý này, tôi phải nói rõ: Với HS phổ thông, cao nhất là kỳ thi tốt nghiệp THPT. Nội dung và hình thức tổ chức kỳ thi này sẽ định hướng cho nội dung và hình thức tổ chức kiểm tra học kỳ, 1 tiết, thậm chí kiểm tra 15 phút, KT miệng. Bộ vẫn nói là phải kết hợp hài hòa giữa tự luận và trắc nghiệm trong quá trình dạy học nhưng vì thi tốt nghiệp có thi trắc nghiệm một số môn, thế là đa số các trường, các địa phương đã áp dụng tràn lan hình thức trắc nghiệm này, không thấy tác hại của nó mà chỉ nhìn vào mục đích thực dụng là HS được điểm cao. Tương tự như vậy, nội dung thi tốt nghiệp ít yêu cầu vận dụng kiến thức thì nội dung kiểm tra cũng chủ yếu yêu cầu HS học thuộc.
PV:Vậy biện pháp cụ thể trong công tác quản lý chỉ đạo sẽ là gì?
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Trước hết phải quán triệt tinh thần ĐMKTĐG đến các cấp QLGD, GV, thậm chí là toàn xã hội. Phải tập huấn GV về năng lực ra đề, lập dàn ý sao cho quán triệt định hướng ĐMKTĐG. Thực tế cũng đã nhiều nơi tiến hành nhưng GV vẫn chưa vận dụng tốt. Cần thanh tra, kiểm tra để giúp đỡ, yêu cầu và điều chỉnh kịp thời đối với đội ngũ GV và CBQLGD trong chỉ đạo và thực hiện ĐMKTĐG. Và cuối cùng, hỗ trợ các cấp xây dựng ngân hàng câu hỏi và bài tập trên cơ sở đó tổng hợp thành những đề thi-kiểm tra phù hợp với mục tiêu, với yêu cầu, điều kiện cụ thể của từng địa phương và trình độ HS.
PV: Xin được phép hỏi thêm Thứ trưởng một vấn đề nữa. Hiện nay ở một số địa phương, đề thi học kỳ cũng được Sở hoặc Phòng GD ra chung cho tất cả các trường trên địa bàn, liệu như thế có phù hợp không?
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Điều kiện dạy và học ở các địa phương khác nhau, các trường khác nhau trong một tỉnh là không giống nhau (Có những tỉnh có đủ cả địa bàn đô thị, nông thôn, miền núi, hải đảo…). Nếu ra đề thi đồng loạt chủ yếu chỉ đánh giá mức độ đạt được của kiến thức mà khó có thể đánh giá được sự cố gắng, tiến bộ của thầy và trò, lại càng không thể có được những nội dung bám sát GD địa phương, bao gồm cả giá trị văn hóa, truyền thống… Cho nên, về nguyên tắc, việc kiểm tra thường xuyên và định kỳ (cuối học kỳ) là trách nhiệm của GV và mỗi nhà trường. Sở GD không nên ôm đồm mà nên tập trung vào chức năng chỉ đạo quản lý chung, không cần thiết can thiệp vào tác nghiệp chuyên môn của GV.
Còn với thi tốt nghiệp THPT lại khác. Nếu kiểm tra thường xuyên và định kỳ chủ yếu nhằm đánh giá và động viên sự cố gắng, tiến bộ và điều chỉnh kịp thời quá trình dạy và học thì thi tốt nghiệp có mục đích chủ yếu là để đối chiếu trình độ đạt được của người học so với chuẩn quốc gia để xác nhận. Đề thi tốt nghiệp THPT có thể ra chung là vì thế.
PV:Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!