(GD&TĐ) - Sáng 11-11, tại TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đã khai mạc Hội nghị tổng kết công tác khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục năm 2010-2011 và triển khai nhiệm vụ năm học 2011-2012 . Tham dự hội nghị có gần 500 đại biểu đến từ các Sở GD-ĐT trên cả nước và lãnh đạo các vụ, cục của Bộ GD-ĐT.
Chất lượng giáo dục chính là thước đo cho công tác đánh giá và kiểm định:
Đổi mới, nâng cao chất lượng dạy, học và thi tốt nghiệp được xem là nhiệm vụ trọng tâm trong năm học 2011-2012. Chính vì thế, công tác hướng dẫn các đơn vị thực hiện chuẩn kỹ năng chương trình THPT, công tác đổi mới kiểm tra, đánh giá, rà soát và phân loại trình độ học sinh được xem là nhiệm vụ hết sức quan trọng nhằm hướng đến việc nâng cao chất lượng giáo dục.
Muốn giáo dục thực chất, chất lượng đào tạo được nâng cao thì ngoài việc từng bước triển khai kiểm định chất lượng giáo dục ở tất cả các cấp học, ngành học phổ thông, việc triển khai các hoạt động đánh giá theo chương trình cấp quốc gia và quốc tế…các đại biểu tham dự hội nghị cho rằng Bộ GD-ĐT ngoài việc xây dựng được khung đánh giá, KĐCLGD cũng nên mạnh dạn triển khai chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA), chương trình phân tích hệ thống giáo dục của Hội nghị Bộ trưởng giáo dục các nước sử dụng tiếng Pháp (PASEC), cũng như chương trình kiểm định ngoài đến các cơ sở giáo dục sau khi khảo sát thử nghiệm thành công trong năm 2011 nhằm hướng đến việc xây dựng được chất lượng giáo dục toàn diện.
Các đại biểu cũng đặc biệt quan tâm đến năng lực của các cán bộ, hiệu trưởng các trường trong việc tiếp thu và việc sử dụng nguồn cán bộ KTKĐCLGD đã qua đào tạo chưa thật sự hiệu quả hiện nay ở một số đơn vị…
PGS.TS Bùi Tuấn Anh, Cục trưởng cục KTKĐCLGD phát biểu tại hội nghị. |
Tại hội nghị, PGS.TS Bùi Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng Bộ GD-ĐT đồng tình với những ý kiến đóng góp trên, bên cạnh đó ông cũng cho biết: Năm học 2011 ngoài việc thực hiện hoàn thành xuất sắc nhiều nhiệm vụ trọng tâm, tổ chức tốt nhiều kỳ thi cấp quốc gia, Cục KTKĐCLGD đã phối hợp với Chương trình phát triển Giáo dục trung học hỗ trợ 15 tỉnh triển khai tự đánh giá và đánh giá ngoài 30 trường trung học (15 trường THCS và 15 trường THPT).
Cục cũng đã triển khai tập huấn đánh giá ngoài ngoài cho các bộ của các tỉnh (9 lớp) để giúp họ có kiến thức, điều kiện thực hiện việc đánh giá ngoài cho địa phương. Trong đó, tổng số cán bộ được đào tạo đánh giá ngoài cho 22 tỉnh là 3.129 người (tính đến tháng 10-2011). Số đơn vị, cơ sở giáo dục thực hiện hoàn thành việc tự đánh giá chất lượng giáo dục đến nay đã là 16.660 trường TH, THCS và THPT. Tính đến tháng 10-2011 đã có 655 trường TH, THCS và THPT được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục.
Do đó, năm học 2010-2011, ngoài việc tổ chức nghiêm túc các kỳ thi tuyển sinh đầu cấp THPT, thi chọn học sinh giỏi cấp trường, huyện, cấp tỉnh theo quy định của quy chế…Cục KTKĐCLGD Bộ GD còn thực hiện rất tốt công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia với nhiều đổi mới về công tác kỷ luật, kỷ cương trường thi, công tác xử lý vi phạm, xiết chặt kỉ luật phòng thi được thực hiện chặt chẽ và hoàn thiện hơn được xã hội và nhân dân đánh giá cao khi cả nước chỉ có 45 trường hợp vi phạm (giảm 45 trường hợp so với năm 2010). Điều đó, không chỉ cho thấy công tác kiểm định, đánh giá chất lượng giáo dục được thực hiện tốt, nó còn thể hiện tính hiệu quả trong việc thực hiện phối kết hợp giữa các trường, địa phương và Bộ GD-ĐT trong công tác triển khai đổi mới thi cử, đánh giá và kiểm định chất lượng giáo dục.
Đổi mới thi và tuyển sinh, đổi mới kiểm tra, đánh giá KTCLGD được các đại biểu xem là một khâu đột phá nhằm tạo động lực cho đổi mới. Tuy nhiên, việc triển khai trong thực tế vẫn còn nhiều vướng mắc và hạn chế khi nhiều đại biểu cho rằng công tác triển khai đánh giá ngoài (rất hiệu quả) đến nay vẫn chưa có thông tư về mức chi cho các hoạt động của KĐCLGD khiến các địa phương khó triển khai.
Một số CB quản lý, GV các trường nhận thức về việc KĐCLGD chưa cao, khiến việc triển khai đánh giá tại một số ít cơ sở vẫn mang tính hình thức, tư tưởng xác định cấp độ đạt được của nhà trường(thông qua tự đánh giá) vẫn còn nặng tính thành tích. Điều đó vô hình chung gây nên một cản lực rất lớn trong việc thực hiện đổi mới và nâng cao công tác đánh giá, kiểm định chất lượng.
Các đại biểu dự HN |
Cần tháo gỡ và đổi mới tích cực hơn:
Đó là ý kiến của không ít đại diện các Sở GD, phòng KTKĐCLGD đến từ các địa phương trong cả nước trước yêu cầu bức thiết cho sự phát triển của toàn ngành. Trong đó, các đại biểu cho rằng Cục KTKĐCLGD cần phải tham mưu với Bộ GD-ĐT sửa đổi, bổ sung quy chế thi tốt nghiệp và thi học sinh giỏi, công tác đánh giá ngoài và đặc biệt là phải đổi mới kỳ thi tốt nghiệp. Trong đó Bộ GD-ĐT nên phân cấp cho các địa phương, giúp cho công tác tổ chức, đánh giá được hiệu quả hơn.
Theo ông Vũ Văn Trà, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hải Phòng: Việc tổ chức hai hội đồng thi tốt nghiệp như hiện nay tại các địa phương cần phải được xem lại, vì nhiều đại biểu trong nhóm thảo luận 2 đề xuất nên thực hiện tổ chức làm một hội đồng để đảm bảo không xảy ra tình trạng GV chấm bài cho học sinh mình. Mặt khác, tránh được tình trạng hội đồng này chấm nặng, chấm nhẹ cho hội đồng kia khiến cho công tác đánh giá không thực chất.
Đại diện Sở GD-ĐT tỉnh Vĩnh Phúc thì đưa ra kiến nghị rằng: Bộ GD-ĐT cần làm việc với Bộ Tài Chính để sớm có mức chi cụ thể cho các nhân viên làm công tác KĐCLGD vì hiện nay đa phần vẫn chỉ là nhân viên kiêm nhiệm không được huoởng một mức phụ cấp nào. Nếu muốn công tác kiểm định và đánh giá chất lượng được hiệu quả, ông cho rằng Bộ GD-ĐT cần sớm có văn bản, hướng dẫn cách chi hay một chính sách khuyến khích đối với cán bộ làm công tác KTKĐCLGD thì sẽ rất khó để các địa phương hoàn thành nhiệm vụ.
Ngoài những vấn đề trên, nhiều đại biểu của các tổ nhóm, thảo luận cho rằng Bộ GD-ĐT cần sớm tích hợp các bộ tiêu chuẩn đánh giá trong các nhà trường, tăng cường công tác đào tạo CB, tạo điều kiện cho nguồn CB làm công tác KTKĐ được thường xuyên tập huấn công tác.Đồng thời cần có định mức biên chế cho các Sở, phòng giáo dục về cán bộ phụ trách công tác KTKĐ, có như vậy mới sớm tháo gỡ được những vướng mắc khó khăn hiện nay.
Bà Trương Thị Thu Hà, Phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Long An đề nghị Bộ GD-ĐT cần tách Cục KTKĐCLGD ra thành một đơn vị độc lập, không trực thuộc Bộ. Mỗi tỉnh cần thành lập một trung tâm KTKĐCLGD riêng, hoạt động độc lập, không trực thuộc Sở quản lý có như vậy công tác KT và KĐ chất lượng GD mới thực chất và hiệu quả. Bởi theo bà Hà việc dạy và đánh giá KĐCLGD do cùng một đơn vị là không khách quan, không thực chất.
Phát biểu tổng kết hội nghị, PGS.TS Bùi Tuấn Anh, Cục trưởng cục KTKĐCLGD Bộ GD-ĐT ghi nhận các ý kiếnh đóng góp và cho biết sẽ sớm tổng hợp, chắt lọc các ý kiến sát với thực tế để kiến nghị với Bộ nhằm có hướng tháo gỡ những vướng mắc, giúp công tác KTKĐCLGD được hiệu quả và thực chất hơn.
Cục trưởng cục KTKĐCLGD cũng đề nghị Sở GD-ĐT các địa phương, các nhà trường phải thường xuyên đồng hành, hiến kế về đổi mới trong công tác thi cử hiện nay như thế nào? đánh giá ra sao cho hiệu quả?. Trên cơ sở đó Cục có phương hướng và kế hoạch xây dựng một chiến lược đổi mới toàn diện về công tác coi thi, công tác đánh giá cho thật hiệu quả.
Cục trưởng Bùi Tuấn Anh cũng nhấn mạnh, công tác KT và KĐ của chúng ta đang trong giai đoạn bước đầu, vừa học vừa làm và công tác khoa học đánh giá cũng đang dần tiệm cận với những phương pháp đánh giá hiện đại, tiên tiến..Vì thế, ông đề nghị các Sở, các địa phương làm việc trên tinh thần không ngừng cố gắng học hỏi, tiếp thu để từ đó xây dựng được một phương thức đánh giá và kiểm định chất lượng giáo dục phù hợp với điều kiện của nền giáo dục nước nhà.
Anh Tú