Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận |
Theo Bộ trưởng, tiền đề để năm 2015 ngành GD có những bước đi quyết liệt hơn là: Nghị quyết về đổi mới chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông đã được Quốc hội thông qua và chương trình, kế hoạch hành động cũng như Ban Chỉ đạo đổi mới cũng đã được thành lập; quy định mới về đánh giá học sinh tiểu học, phương án tổ chức kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2015 cũng đã được công bố...
Việt Nam tiếp tục đạt kết quả cao trong các kỳ thi Olympic khu vực, quốc tế với 28 học sinh tham dự thì cả 28 em đều đạt huy chương; ĐHQG HN và TPHCM, ĐH Bách khoa Hà Nội lọt vào bảng xếp hạng các trường đại học lớn của châu Á.
Hai ngành khoa học máy tính (CS) và kỹ thuật máy tính (CE) của Trường Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh đã được Hội đồng kiểm định các chương trình đào tạo khối kỹ thuật và công nghệ của Mỹ (ABET) công nhận chất lượng đào tạo kể từ năm 2014.
Năm 2015, ngành giáo dục đào tạo sẽ tập trung vào các vấn đề quan trọng nào và biện pháp cụ thể cho từng vấn đề của ngành là gì?
Năm 2015, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục triển khai các công việc đã đưa vào kế hoạch năm học 2014-2015 và sẽ tập trung thực hiện một số công việc trọng tâm như sau:
Trước hết là tập trung xây dựng và hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật để đưa Nghị quyết về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo vào cuộc sống, đặc biệt là các văn bản thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Thứ hai là, chỉ đạo tổ chức tốt kỳ thi THPT quốc gia, bảo đảm độ tin cậy, vừa làm căn cứ để xét công nhận tốt nghiệp, vừa cung cấp dữ liệu cho việc tuyển sinh vào ĐH, CĐ.
Thứ ba là, tiếp tục triển khai đổi mới mạnh mẽ giáo dục đại học; đặc biệt là các trường ĐH sư phạm để đào tạo mới và bồi dưỡng, đào tạo lại đội ngũ giáo viên đáp ứng được yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Thứ tư, tiếp tục làm sâu sắc hơn, vững chắc hơn những đổi mới bước đầu đang được triển khai ở bậc tiểu học, trung học, tạo tiền đề để tiếp tục đổi mới giáo dục phổ thông theo Nghị quyết 29.
Thứ năm, tổ chức triển khai nghiên cứu, xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới.
Ông có thể phác họa những thay đổi lớn nhất của ngành giáo dục khi thực hiện Nghị quyết về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục Việt Nam và thực hiện Luật Giáo dục đại học?
Thay đổi lớn nhất là tạo ra thế hệ học sinh Việt Nam mới được phát triển toàn diện về phẩm chất và năng lực. Sinh viên tốt nghiệp ra trường không chỉ biết đi “xin” việc mà phải biết chủ động tạo ra việc làm cho bản thân và những người khác.
Nhân dịp xuân về, Bộ trưởng muốn nhắn gửi điều gì đến đội ngũ các thầy cô giáo?
Bộ GD&ĐT trân trọng ghi nhận công sức và lòng tận tụy của các thầy giáo, cô giáo, những nhà quản lý giáo dục đã góp sức cho sự nghiệp phát triển giáo dục của đất nước. Thay mặt ngành giáo dục, tôi bày tỏ lòng biết ơn đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân đã quan tâm chỉ đạo, giúp đỡ ngành giáo dục vượt qua nhiều khó khăn và thu được những kết quả bước đầu nói trên.
Tôi tin tưởng sâu sắc rằng, trong năm 2015 với nhiều ngày lễ kỷ niệm lớn của đất nước, các thầy cô giáo chúng ta tiếp tục truyền cảm hứng và động viên học trò cố gắng học tập để trở thành những người giỏi nhất theo khả năng của mình.
Tôi mong sao với cả thầy cô giáo và các em học sinh, mỗi ngày đến trường là mỗi ngày vui. Vui vì biết thêm những điều hay. Vui vì làm được thêm nhiều việc tốt.
Nhân dịp năm mới, kính chúc các thầy giáo, cô giáo mạnh khỏe và hạnh phúc. Chúc các cháu học sinh, sinh viên học tập và rèn luyện với niềm vui sáng tạo.