Đổi mới GD-ĐT là cần thiết để hội nhập quốc tế

GD&TĐ - Chiều nay (14/1), Học viện An ninh Nhân dân đã tổ chức Hội nghị nghiên cứu, quán triệt thực hiện Nghị quyết Trung ương 8, khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT cho các cán bộ, giảng viên. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận trực tiếp truyền đạt Nghị quyết.

Đổi mới GD-ĐT là cần thiết để hội nhập quốc tế

Giáo dục là một thành tựu của cách mạng

Trước Cách mạng, trên 90% dân số Việt Nam bị mù chữ. Tổng số người đi học khoảng 725.000 người, bình quân 1 vạn dân chỉ có 321 người được đi học, trong đó, số con em người lao động là rất hiếm.

Sau Cách mạng Tháng Tám, nhân dân ta đã được hưởng một nền giáo dục bình đẳng. Đảng và Nhà nước luôn coi GD-ĐT là quốc sách hàng đầu. Các tư duy, chủ trương đều  xuất phát từ vai trò của giáo dục đào tạo..

Hiện nay, Việt Nam đã xây dựng được hệ thống giáo dục và đào tạo tương đối hoàn chỉnh từ mầm non đến đại học. Cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục, đào tạo được cải thiện rõ rệt và từng bước hiện đại hóa.

Số lượng học sinh, sinh viên tăng nhanh, nhất là ở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp. Chất lượng giáo dục và đào tạo có tiến bộ. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục phát triển cả về số lượng và chất lượng, với cơ cấu ngày càng hợp lý…

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nhấn mạnh đến 2 thành tựu của nền giáo dục trong nước, đó là phát triển cả về số lượng người học, quy mô trường lớp cũng như về chất lượng giáo dục.

Nền giáo dục Việt Nam có quy mô tăng trưởng khá so với trước mặc dù đất nước còn gặp nhiều khó khăn. Từ việc tăng trưởng về số lượng, chúng ta đã có nền tảng để chuyển sang phát triển về chất lượng và hiệu quả. Nền giáo dục Việt Nam những năm sau đổi mới đã có thể tự đào tạo nguồn nhân lực, góp phần cho sự phát triển KT-XH của đất nước.

Chất lượng đào tạo của nền giáo dục Việt Nam cũng được đánh giá cao qua việc học sinh Việt Nam đều nhiều năm liên tiếp đạt giải cao trong các kì thi Olympic quốc tế. Không chỉ mạnh về những môn khoa học cơ bản, Việt Nam còn giành nhiều giải cao trong các cuộc thi nghề, thi khoa học kĩ thuật.

Vừa qua, học sinh Việt Nam đã xếp hạng rất cao tại kỳ thi của Chương trình Đánh giá học sinh quốc tế (PISA) chu kỳ 2012. Việt Nam đã rất nỗ lực tham gia PISA 2012, chu kỳ đầu tiên của Việt Nam, đồng thời đã rất nghiêm túc tuân thủ các yêu cầu kỹ thuật và các nguyên tắc của OECD. Kết quả thực hiện phản ánh đúng năng lực của học sinh, đáng tin cậy. Điều đó cho thấy học sinh Việt Nam học rất khá, không thua kém học sinh các nước khác.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận phát biểu tại Hội nghị
 Bộ trưởng Phạm Vũ Luận phát biểu tại Hội nghị

Đổi mới để hội nhập

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế và yếu kém mà nền giáo dục đang gặp phải như: Chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo còn thấp so với yêu cầu. Hệ thống giáo dục và đào tạo thiếu liên thông giữa các trình độ và giữa các phương thức giáo dục, đào tạo; còn nặng lý thuyết, nhẹ thực hành.

Đào tạo thiếu gắn kết với nghiên cứu khoa học, sản xuất, kinh doanh và nhu cầu của thị trường lao động; chưa chú trọng đúng mức việc giáo dục đạo đức, lối sống và kỹ năng làm việc. Phương pháp giáo dục, việc thi, kiểm tra và đánh giá kết quả còn lạc hậu, thiếu thực chất…

Bộ trưởng chỉ ra tính hạn chế về liên thông của hệ thống giáo dục. Nền giáo dục Việt Nam như một căn nhà nhiều tầng sau nhiều lần sửa chữa đã trở nên chật chội và bí bách hơn, khiến từ phòng này không thể sang được phòng khác, từ tầng này không thể lên được tầng kia.

Việc liên thông, hội nhập nội bộ không giải quyết được sẽ gây khó khăn cho việc hội nhập khu vực, hội nhập quốc tế. Dù đã kí kết thỏa thuận về giáo dục với nhiều nước nhưng các văn bằng của Việt Nam vẫn chưa được quốc tế thừa nhận.

Nền giáo dục Việt Nam từ nhiều năm nay là nền giáo dục nặng lý thuyết, nhẹ thực hành, coi trọng kiến thức, coi nhẹ kĩ năng. Khối lượng kiến thức nặng theo vòng tròn đồng tâm từ đại học xuống phố thông, mang tính hàn lâm, thiếu thực tế.

Cho đến nay, nền giáo dục cách mạng Việt Nam đã trải qua 3 lần cải cách, đổi mới và rất nhiều lần cải tiến, mỗi lần đều có mục tiêu, kế hoạch cụ thể và cũng đã đạt được nhiều kết quả nhất định. Tuy nhiên, sau mỗi lần cải cách thì lượng kiến thức dường như nặng thêm và hầu như chưa có sự đổi mới về phương pháp giáo dục.

Việc thầy giảng, trò nghe, truyền thụ kiến thức một chiều đã kéo theo nhiều hệ lụy xấu. Nhiều học sinh, sinh viên học chỉ để phục vụ cho các kì thi, không chủ động, sáng tạo.

Cách đây 40 - 50 năm, nền giáo dục trên thế giới cũng như chúng ta hiện nay. Các nước phát triển đã thay đổi từ lâu và chúng ta phải thay đổi, phải chuyển sang một nền giáo dục mới - Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nhấn mạnh.

Bộ trưởng đề nghị, để triển khai thành công công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, ngành Giáo dục cũng như toàn xã hội cần vượt qua nhận thức, tâm lý và thói quen cũ đã tồn tại dai dẳng trong nhiều năm.

Phải thay đổi từ tư duy, nhận thức về mục tiêu giáo dục, nội dung chương trình, phương pháp dạy học, kiểm tra - đánh giá, thi cử đến đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo. Đổi mới tư duy về giáo dục là quan trọng số một và sẽ phải vượt qua rất nhiều lực cản.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ