Đổi mới đồng bộ

GD&TĐ - Năm học 2025 - 2026, Chương trình GDPT 2018 “phủ” toàn bộ các cấp, lớp học.

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

Đây cũng là năm học đầu tiên đối tượng tuyển sinh đầu vào cấp THPT có 4 năm học chương trình mới ở THCS. Nhiều ý kiến cho rằng, với sự thay đổi căn bản về cả quan điểm, mục tiêu, nội dung giáo dục, phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá… trong chương trình mới, phương án tuyển sinh vào lớp 10 THPT - một kỳ đánh giá diện rộng ở các địa phương cũng sẽ có những thay đổi.

Theo Chương trình GDPT 2018, kết quả giáo dục được đánh giá bằng các hình thức định tính và định lượng thông qua đánh giá thường xuyên, định kỳ ở cơ sở giáo dục; kỳ đánh giá trên diện rộng ở cấp quốc gia, địa phương và các kỳ đánh giá quốc tế. Phương thức đánh giá bảo đảm độ tin cậy, khách quan, phù hợp từng lứa tuổi, cấp học, không gây áp lực lên học sinh, hạn chế tốn kém cho ngân sách Nhà nước, gia đình và xã hội.

Những năm qua, khi triển khai Chương trình GDPT 2018, ngành Giáo dục đẩy mạnh đổi mới kiểm tra, đánh giá học sinh theo năng lực, phẩm chất, vì sự tiến bộ của người học. Trong đó, đánh giá bằng nhiều phương pháp, hình thức, kỹ thuật và công cụ khác nhau; kết hợp giữa đánh giá thường xuyên và định kỳ; chú trọng hơn đến đánh giá quá trình học tập. Bước đầu đã giảm hẳn việc coi trọng điểm số, so sánh, “dán nhãn” học sinh.

Với đánh giá trên diện rộng cấp quốc gia, Bộ GD&ĐT đã công bố phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 với 4 môn thi (Ngữ văn, Toán bắt buộc; 2 môn thí sinh tự chọn trong số các môn Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, công nghệ); được dư luận đồng tình, đánh giá cao.

Tuyển sinh vào lớp 10 THPT trong nhiều năm qua luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của các cấp quản lý giáo dục, phụ huynh, học sinh cũng như toàn xã hội; đặc biệt, ở các thành phố lớn, mức độ cạnh tranh cao. Hiện nay, một số địa phương bắt đầu nghiên cứu, dự thảo phương án cho kỳ tuyển sinh lớp 10 đầu tiên theo chương trình mới. Nhưng vì chưa thông tin chính thức, nên học sinh, phụ huynh, giáo viên chưa hình dung được kỳ thi này ra sao, thay đổi như thế nào?...

Có nhiều ý kiến khác nhau khi đề xuất phương án tuyển sinh vào lớp 10 diễn ra năm 2025; trong đó, một số trông mong vào hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. Tuy vậy, địa phương cần chủ động nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng, sớm có phương án để cả người dạy và người học không bị động.

Phương án cần bảo đảm tính hệ thống, đồng bộ giữa đổi mới kỳ thi này với kiểm tra đánh giá thường xuyên, định kỳ trong quá trình dạy học; đồng bộ với những đổi mới ở giáo dục THPT; bám sát Nghị quyết 88/2014/QH13 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông (tiểu học, THCS là giai đoạn giáo dục cơ bản; THPT là giai đoạn định hướng nghề nghiệp); phù hợp với thực tiễn địa phương.

Phương án tuyển sinh cũng nên có kế thừa, phát huy những kinh nghiệm tích lũy được trong giai đoạn trước. Làm sao hướng đến mục tiêu bảo đảm gọn nhẹ, hiệu quả, thiết thực, giảm áp lực, chi phí mà vẫn bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh, góp phần đạt hiệu quả tối đa mục tiêu giáo dục mới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ