Đối mới để mang những tiết học hứng thú cho trò

GD&TĐ - Đó là tâm niệm của cô Phạm Hồng Lê- giáo viên trường THCS Kỳ Đồng (huyện Hưng Hà, Thái Bình), một trong 64 giáo viên xuất sắc tiêu biểu của cả nước tại Lễ tuyên dương gương người tốt, việc tốt, đổi mới sáng tạo trong dạy và học năm học 2016 - 2017.

Đối mới để mang những tiết học hứng thú cho trò

Nhiều năm liền là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, đạt Giải Nhì cấp quốc gia cuộc thi Dạy học theo chủ đề tích hợp dành cho giáo viên trung học, cô Phạm Hồng Lê - giáo viên trường THCS Kỳ Đồng (Hưng Hà, Thái Bình) vinh dự được nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tại Lễ tuyên dương gương người tốt, việc tốt, đổi mới sáng tạo trong dạy và học năm học 2016 - 2017.

Chia sẻ cảm xúc tại lễ tuyên dương, cô Lê cho biết: Giải thưởng này là nguồn động lực để cho tôi tiếp tục đổi mới sáng tạo trong sự nghiệp giảng dạy của mình. Tôi nghĩ rằng thành công lớn nhất của tôi là việc đã làm cho các em học sinh ở trường THCS Kỳ Đồng được say mê và ham học môn Lịch sử, các em đã hiểu biết hơn về lịch sử địa phương.

Giải thưởng này cũng tạo động lực để tôi thổi hồn vào các đồng nghiệp của mình. Niềm vui lớn hơn là trong những giờ dạy, tôi thấy các em học sinh luôn có sự háo hức chờ đợi.

Tôi cảm nhận được tình cảm yêu quê hương đất nước của học trò qua những ánh mắt thái độ cử chỉ và ngôn ngữ của các em. Đây mới là thành công lớn nhất của tôi.

Cô Lê và học sinh trong một giờ học trải nghiệm thực tế tại Thái Bình

Để có được những tiết học mang lại hứng thú cho học sinh, cô Lê dành nhiều tâm huyết trong việc soạn giáo án, tìm những tình huống thực tế, những kiến thức tổng hợp của các bộ môn và hình thức thể hiện phù hợp để lồng ghép vào bài giảng.

Đồng thời, tạo ra môi trường khác nhau để học sinh được trải nghiệm nhiều nhất, khuyến khích, động viên và tạo điều kiện cho các em sáng tạo những cái mới trên cơ sở kiến thức đã học trong nhà trường và những gì đã trải qua trong thực tiễn, nâng cao tố chất và tiềm năng của các em.

Cô Lê chia sẻ: Tôi nghĩ rằng giáo viên, nhất là giáo viên dạy lịch sử cần không ngừng nâng cao chuyên môn của mình, có bản lĩnh, có tâm huyết và trình độ để hướng học sinh vào những hoạt động học tập. Khi lên lớp giáo viên phải dùng cả trái tim của mình để chuyển tải kiến thức đến học sinh.

Chủ trương của ngành giáo dục hiện nay là chuyển từ chương trình giáo dục tiếp cận nội dung sang tiếp cận năng lực của học sinh, hình thành năng lực và phát huy tính chủ động sáng tạo của người học.

Để làm được điều này thì hình thức dạy học theo chủ đề tích hợp liên môn là hình thức tối ưu nhất. Khi đã xác định được và vượt qua tâm lý ngại đổi mới thì tôi đón nhận rất hào hứng và tiếp xúc với hình thức dạy học này không mấy khó khăn.

Phương thức dạy học theo chủ đề tích hợp liên môn tuy mới nhưng đối với giáo viên thì không khó. Cái khó ở đây là tâm lý ngại đổi mới của một bộ phận giáo viên.

Để vận dụng tích hợp liên môn như thế nào cho hiệu quả thì đầu tiên phải hiểu về nó. Căn cứ vào đặc điểm tình hình của nhà trường hiểu về đối tượng học sinh để vận dụng nó một cách sáng tạo và linh hoạt nhất.

Trong giáo án thì tôi đã thiết kế các hoạt động các thao tác nhằm tổ chức học sinh thực hiện để lĩnh hội tri thức và phát triển nhân cách.

Khi vận dụng những kiến thức liên môn thì bám vào kiến thức bộ môn liên quan. Khi tích hợp thì đưa những nội dung GD có liên quan phù hợp với từng nội dung bài học vào trong quá trình dạy học.

Học sinh của cô Lê tham quan Bảo tàng Lịch sử Quốc gia để hiểu thêm về những kiến thức lịch sử

Với vai trò là tổ trưởng chuyên môn, tôi đã tổ chức dạy học, dự giờ, phân tích rút ra những kinh nghiệm với các giáo viên khác, đồng thời tăng cường giáo lưu với các đơn vị khác thông qua trang trường học kết nối của Bộ GD&ĐT.

Cô Lê đã lập ra website http://emyeulichsuvn.violet.vn và trang fanpage Em yêu lịch sử VN trên Facebook.oCoo đã upload toàn bộ bài soạn lên đó để giao lưu với giáo viên trong toàn quốc. Cô ho rằng nhờ đó, cô đã học hỏi kinh nghiệm của các thầy cô khác, giúp cho phương thức dạy học mới đạt hiệu quả cao hơn.

Nhận xét về đồng nghiệp của mình, Thầy Phan Quốc Hưng - Hiệu trưởng Trường THCS Kỳ Đồng cho biết: Chúng tôi coi cô Lê như một điểm sáng về đổi mới phương pháp dạy học và sáng tạo.

Cô đã lan tỏa tới các thành viên trong nhà trường. Các thầy cô giáo trong trường cũng rất tích cực đổi mới phương pháp dạy học.

Còn thầy Nguyễn Xuân Trường - Trưởng phòng GD&ĐT Hưng Hà nhận định: Cô Phạm Thị Hồng Lê là tấm gương để cán bộ giáo viên trong huyện và tỉnh học tập.

Chúng tôi đã tổ chức những chuyên đề chuyên môn để trao đổi chia sẻ kinh nghiệm theo các cụm trường, để nhân rộng các điển hình như cô Lê.

Để đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay, đội ngũ thầy cô giáo là nhân tố quyết định. Những giáo viên tiên phong trong tiến trình đổi mới, mạnh dạn áp dụng những phương pháp dạy học hiện đại như cô giáo Phạm Hồng Lê đã góp phần không nhỏ vào việc nâng cao chất lượng giáo dục của tỉnh Thái Bình cũng như của cả nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ