Đổi mới Chương trình GDQP-AN cho các trường tiểu học, THCS, THPT, trung cấp sư phạm, CĐ sư phạm và các cơ sở GD ĐH đang được Bộ GD&ĐT xây dựng và chuẩn bị ban hành là một trong những công tác đổi mới để từng bước triển khai có hiệu quả công tác GDQP-AN trong tình hình mới.
Đổi mới chương trình GDQP-AN là nhiệm vụ cấp thiết hiện nay
Thiếu tướng TS.NGND Nguyễn Thiện Minh - Vụ trưởng Vụ GDQP (Bộ GD&ĐT) đã phân tích rõ về sự cần thiết phải đổi mới chương trình môn học GDQP-AN trong tình hình hiện nay: Trong những năm qua và hiện nay, tình hình thế giới và khu vực, nhất là tại khu vực biển Đông tiếp tục diễn biến nhanh chóng, phức tạp, tiềm ẩn những yếu tố khó lường. Các thế lực thù địch vẫn ráo riết chống phá bằng chiến lược “diễn biến hòa bình”, trong đó lực lượng HSSV là mục tiêu quan trọng hàng đầu để các thế lực thù địch tác động, chuyển hóa về tư tưởng hòng làm cho HSSV quên lịch sử dân tộc, truyền thống đánh giặc giữ nước của cha, anh, từ đó tham gia vào các hoạt động chống đối, biểu tình của các tổ chức phản động, châm ngòi cho cuộc đấu tranh đòi tự do, dân chủ, tạo dựng lực lượng đối lập về chính trị nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, xóa bỏ chế độ XHCN ở nước ta. Trong khi đó, từ thực tế cho thấy do nhiều nguyên nhân nên chất lượng môn học GDQP-AN của HSSV ở một số trường THPT, TC, CĐ, ĐH còn nhiều hạn chế.
Trước tình hình đó, Bộ Chính trị có Chỉ thị số 12-CT/TƯ ngày 3/5/2007 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác GDQP-AN trong tình hình mới nhằm đưa công tác GDQP-AN đi vào chiều sâu; Góp phần làm chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đối với sự nghiệp quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân; đưa nhiệm vụ GDQP-AN cho HSSV trong các nhà trường là nhiệm vụ cấp thiết.
Thực hiện Chỉ thị số 12 của Bộ Chính trị, Đảng bộ, lãnh đạo Bộ GD&ĐT đã từng bước triển khai có hiệu quả công tác GDQP-AN trong hệ thống giáo dục quốc dân; giúp cho HSSV nắm vững quan điểm, đường lối của Đảng về quốc phòng, an ninh; nâng cao ý thức cảnh giác cách mạng và trang bị những kỹ năng quân sự cần thiết phát triển nhân cách toàn diện, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần vào công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII, Nghị quyết 29 của BCH T.Ư Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT và thực hiện Luật GDQP-AN; Trong nội dung triển khai Luật, Chính phủ yêu cầu phải đổi mới các nội dung chương trình môn học GDQP-AN để phù hợp với Luật GDQP-AN đáp ứng với tình hình mới.
Những điểm mới trong dự thảo chương trình GDQP-AN mới
Theo Thiếu tướng Nguyễn Thiện Minh, nội dung Chương trình GDQP-AN các cấp học trong hệ thống giáo dục quốc dân hiện nay đã ban hành từ năm 2007, đã thực hiện được 9 năm, nhiều nội dung đã lạc hậu, khối kiến thức quốc phòng với an ninh chưa cân đối, nặng về lý thuyết, ít thực hành... Chương trình được thiết kế theo binh chủng hợp thành cho các cấp học từ phổ thông đến đại học, do vậy có 6 đoạn trùng lặp, gây lãng phí về nguồn lực lại thiếu sức hấp dẫn, gây nhàm chán đối với người học.
Thiếu tướng cho biết: Nội dung Chương trình GDQP-AN đang được xây dựng có những nét đổi mới cụ thể, rõ nét trong mạch chương trình. Ở cấp tiểu học và THCS, theo Luật GDQP-AN, nội dung GDQP-AN được lồng ghép căn cứ vào chương trình đã có. Lên đến THPT, Luật khẳng định GDQP-AN là môn học chính khóa; Trước kia, chương trình môn học được kết cấu nặng về lý thuyết, ít thực hành; Theo chương trình mới, số tiết được giữ nguyên 105 tiết học, nhưng nội hàm đổi mới chương trình có đưa thêm nội dung giáo dục kỹ năng sống vào giảng dạy, thực hành nhiều hơn; Đối chiếu với chương trình chuẩn của Bộ Quốc phòng, chương trình GDQP-AN bậc THPT bằng 1/3 chương trình huấn luyện chiến sĩ mới, đảm bảo học hết THPT, học sinh trở thành chiến đấu viên và phối hợp chiến đấu tổ 3 người, nắm vững yếu lĩnh đội hình tiểu đội và bắn súng tiểu liên AK, ném lựu đạn…
Với bậc TC sư phạm , CĐ sư phạm và ĐH, Chương trình GDQP-AN được kết cấu thành chuyên ngành sĩ quan dự bị theo chuyên ngành được đào tạo. Ví dụ: Sinh viên theo học ngành KHXH&NV thì ngoài Chương trình GDQP-AN chung, sẽ được học sâu về công tác Đảng, công tác chính trị của quân đội và công an; Sinh viên các ngành kỹ thuật sẽ được học chương trình sâu tương ứng với các quân, binh chủng của quân đội; Sinh viên học chuyên ngành thể chất sẽ được học chương trình binh chủng hợp thành và chuyên ngành phù hợp với giáo dục thể chất như trinh sát, đặc nhiệm. Các sinh viên chuyên ngành nông nghiệp hay y, dược sẽ được học sâu về các ngành hậu cần của quân đội và công an...
Thiếu tướng Nguyễn Thiện Minh khẳng định: Như vậy chương trình mới sẽ tạo cho người học GDQP-AN trong hoàn cảnh cụ thể sẽ tự nguyện phục vụ lực lượng quân đội và công an để trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt là về mặt chiến lược, khi chiến tranh xảy ra, HSSV đang học và đã tốt nghiệp, được huấn luyện GDQP-AN sẽ là nguồn dự trữ dồi dào cho các quân binh chủng trong tác chiến hiện đại hiện nay, chỉ cần tiếp tục huấn luyện, đào tạo trong thời gian ngắn sẽ tạo được lực lượng hùng hậu bổ sung cho quân đội chính quy trực tiếp chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc theo đúng mục tiêu chiến lược của Đảng và Nhà nước ta đã đặt ra cho công tác GDQP-AN.