Đổi mới cách xây dựng Chương trình đào tạo giáo viên
PGS.TS Phạm Hồng Quang – Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm (Đại học Thái Nguyên) - khẳng định: Để đổi mới xây dựng, phát triển CTĐTGV trong trường sư phạm hiện nay phải nghiên cứu bắt đầu từ nhu cầu đổi mới mô hình nhân cách người giáo viên đáp ứng được CT - SGK mới.
CT - SGK mới đang hình thành do vậy phải nghiên cứu định hướng rồi dựng lên mô hình năng lực, trong đó có đạo đức của người giáo viên trong tương lai. Trên cơ sở đó mới lựa chọn những modul kiến thức phù hợp để hình thành những năng lực cho người giáo viên tương lai...
Vấn đề quan tâm tiếp theo là trong CT - SKG mới dự kiến số môn học giảm, chủ yếu là hoạt động giáo dục. Do vậy, thời lượng của CTĐTGV cần ít hơn 40 môn, tương đương 120 tín chỉ.
Cơ cấu giữa kiến thức nền tảng/chuyên sâu khoảng 70/30% dối với nhóm giáo viên tự nhiên và xã hội. Tỉ lệ lí thuyết/thực hành - Thảo luận phấn đấu đạt khoảng 50/50.
Trong quá trình triển khai xây dựng chương trình, khi nghiên cứu môn học cần phân biệt rõ giữa phương tiện và mục đích. Kiến thức (dưới dạng modul) được coi là là phương tiện để giáo dục, còn năng lực người học là mục tiêu giáo dục, dạy học.
Theo đó, vấn đề đặt ra là năng lực của người giáo viên cần phải có ở đây là phải thấu hiểu và giải quyết được mối quan hệ biện chứng giữa phương tiện và mục đích.
Ví dụ, môn Toán là phương tiện để hình thành năng lực tính toán, ứng dụng trong cuộc sống dành cho số đông và năng lực giỏi toán, hiểu sâu để tham gia giáo dục sau phổ thông, học sâu các chuyên ngành khác –dành cho số ít).
Hoặc kiến thức: Lịch sử, Địa lí, Văn hóa…là phương tiện để hình thành năng lực giải quyết vấn đề xã hội, lí giải phân tích chứng minh… các hiện tượng xã hội.
Đề xuất các bước cơ bản xây dựng CTĐTGV
Theo PGS.TS Phạm Hồng Quang, với cách tiếp cận năng lực và trách nhiệm người giáo viên (là người hướng dẫn, là chuyên gia giáo dục), trường Đại học sư phạm Thái Nguyên đã đề xuất xây dựng CTĐTGV 3 bước chính:
Thứ nhất là: Nghiên cứu giáo dục phổ thông. Cần phải đánh giá thực trạng của CT - SGK từ 2000 -2014 về các ưu điểm, hạn chế và nguyên nhân. Căn cứ kết quả học tập môn học và chất lượng học sinh; Theo tiêu chí năng lực, kinh nghiệm và sự thành công trong cuộc sống...
Tiếp đó là xác định các yêu cầu cơ bản của CT - SGK mới sau 2015: hình thành năng lực cho HS, chương trình tích hợp, tăng các hoạt động, tạo lĩnh vực mới: tự nhiên, xã hội…
Những nội dung này phải được phân tích kĩ theo quan điểm mới, không lặp lại cách đánh giá cũ. Bước này là cơ sở ban đầu đồng thời là điểm cuối để đối chiếu kết quả của các bước tiếp sau của CTĐTGV.
Thứ hai là: Nghiên cứu mô tả cấu trúc năng lực người giáo viên (xác định rõ hơn mục đích đào tạo). Căn cứ để xác định hệ thống năng lực, phẩm chất và nhân cách người giáo viên là các văn bản: Nghị quyết của Đảng, Luật Giáo dục, Chiến lược Giáo dục, Quy định về tiêu chuẩn nhà giáo…
Tham khảo các bộ chuẩn đầu ra, chuẩn nghề nghiệp, chuẩn đào tạo kĩ sư (chuẩn CDIO), chuẩn POHE (coi trọng người sử dụng nhân lực);
Đồng thời, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, truyền thống giáo dục của ngành, của trường, những yếu tố giúp cựu sinh viên thành đạt. Kết quả của bước này là sản phẩm gồm bảng mô tả: năng lực giáo viên khoa học tự nhiên gồm: tích hợp kiến thức vật lí, hóa học, sinh học, toán, tin học, địa lí tự nhiên;
Giáo viên khoa học xã hội gồm những năng lưc: tích hợp kiến thức lịch sử, địa lí lí xã hội, giáo dục công dân, tâm lí giáo dục và ngữ văn; năng lực giáo viên đơn ngành: toán, ngữ văn…; năng lực giáo viên ngành đặc thù: mầm non, tiểu học, nghệ thuật, thể thao, ngoại ngữ.
Thứ ba là: Nghiên cứu CTĐTGV hiện hành và CTĐTGV đổi mới. Trên cơ sở thực hiện bước trên đây, cần rà soát CTĐTGV hiện hành để rút ra các môn học hình thành năng lực cụ thể gì cho sinh viên;
Tất cả các đề cương môn học được xem xét, lựa chọn để sử dụng với mục đích trên hoặc tái cấu trúc các nội dung từ nhiều đề cương khác nhau thành modul mới.
Tiếp đó là việc lựa chọn kiến thức mới ở trong chương trình cũ, ở kết quả nghiên cứu, ở nguồn khác… Đồng thời quan tâm đến 3 nhóm kiến thức: phải biết, cần biết và nên biết.
Ví dụ đối với nhóm giáo viên xã hội, kiến thức bắt buộc là: Phương pháp luận, phương pháp cụ thể, tiếp cận tác phẩm, các kĩ năng đọc hiểu, sử dụng ngôn ngữ, truyền cảm hứng…Kiến thức cần biết là: Xã hội học, nhân chủng học, tâm lí, giáo dục học…Kiến thức nên biết là: Kinh tế học, địa lí và lịch sử…
Nghiên cứu và triển khai xây dựng CTĐTGV là một công việc khó, gặp nhiều cản trở từ nội lực: thói quen, ý thức đổi mới và hiệu quả. Mức độ hiểu biết về khoa học phát triển chương trình của giảng viên sư phạm rất khác nhau. Chuyển đổi từ cách tiếp cận nội dung sang cách tiếp cận năng lực là một cuộc cách mạng thực sự.
PGS.TS Phạm Hồng Quang