Học sinh tiểu học huyện Sìn Hồ, Lai Châu vượt núi đến trường. nguồn Internet |
Những con số giáo dục đáng mừng
Khi chia tách tỉnh, ngành GD&ĐT Lai Châu đi lên từ xuất phát điểm thấp, phải đối mặt với hàng loạt khó khăn như: Tình trạng cơ sở vật chất không đáp ứng được sự phát triển của GD trong thời kỳ mới, đội ngũ cán bộ quản lý, GV, nhân viên thiếu trầm trọng, trình độ đạt chuẩn chưa nhiều, trình độ dân trí thấp, tỷ lệ đói nghèo cao... là tỉnh miền Bắc sau cùng đạt chuẩn PCGDTHCS...
Tuy nhiên, với nhiều nỗ lực, sau 6 năm chia tách tỉnh, GD Lai Châu đã đạt được một số kết quả vượt bậc: So với năm 2004, năm học này, tỉnh có 401 trường học (tăng 220 trường); có 5939 lớp (tăng 1992 lớp). Huy động HS 5 tuổi đi học mẫu giáo đạt 98,1%, (tăng 13%).
Tỷ lệ HS tiểu học đi học đúng độ tuổi đạt 97,3% (tăng 14,3%). Tỷ lệ HS THCS đi học đúng độ tuổi đạt 83,4%, tăng 40,1%.
Tỷ lệ HS tốt nghiệp THPT, BTTHPT năm 2009 đạt 84,79%; BTTHPT 33,09%. Năm 2010, tỷ lệ tốt nghiệp THPT của Lai Châu đã vươn lên 92,14%. BT THPT đạt 57,09%. 100% xã, phường, thị trấn của tỉnh duy trì đạt chuẩn phổ cập tiểu học- chống mù chữ; 97,9% xã đạt chuẩn phổ cập GD tiểu học đúng độ tuổi. Năm 2009 Lai Châu được công nhận đạt chuẩn quốc gia về PCGDTHCS và PCGD tiểu học đúng độ tuổi.
Số lượng GV tăng 76,4% so với năm 2004 (hiện có 8.241 GV). Tỷ lệ GV đạt chuẩn và trên chuẩn ngày càng tăng (mầm non có tỷ lệ GV đạt chuẩn trở lên là 99,7%; tiểu học có tỷ lệ đạt chuẩn và trên chuẩn là 99,3%; THCS có tỷ lệ GV đạt từ chuẩn trở lên là 94,3%; THPT, GDTX tỷ lệ đạt chuẩn là 79,8%)...
Năm học 2010- 2011 Lai Châu có 107.394 HS (tăng 36,9% so với 6 năm trước).
Khó khăn cần được tháo gỡ
Bí thư Tỉnh ủy Lai Châu Lò Văn Giàng; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Bùi Từ Thiện và lãnh đạo ngành GD&ĐT tỉnh này đã nêu một số khó khăn, hạn chế mà GD Lai Châu đang phải đối diện, đó là: Số lượng HS các cấp học, bậc học ngày càng tăng, trong khi điều kiện về cơ sở vật chất trường lớp học, phòng ở cho giáo viên, phòng ở cho HS bán trú còn thiếu; hệ thống thư viện còn nghèo nàn; phòng học bộ môn còn hạn chế về số lượng; tỷ lệ trường chuẩn quốc gia còn thấp do không có kinh phí để xây dựng cơ sở vật chất; việc sử dụng đồ dùng dạy học, ứng dụng CNTT trong giảng dạy ở các xã vùng sâu, vùng xa không thực hiện được vì không có điện; việc giải quyết dứt điểm 100% các trường phải có công trình vệ sinh đạt yêu cầu và thường xuyên sạch sẽ theo yêu cầu của Bộ GD&ĐT khó thực hiện trong năm học 2010- 2011.
Bên cạnh đó, mô hình bán trú dân nuôi đã hình thành từ khá lâu, hiện tại là giai đoạn phát triển mạnh mẽ, rõ nét, nhưng do việc tăng về quy mô trường, lớp, học sinh, tỷ lệ ra lớp... nên việc phát triển cơ sở vật chất không đáp ứng đủ nhu cầu cho HS bán trú. Số phòng ở cho HS, nhà bếp, nhà ăn, nhà vệ sinh... trong trường quá ít so với nhu cầu, nên nhiều HS không được ăn ở tập trung trong trường học, điều đó khiến khó khăn cho việc tổ chức quản lý, nuôi dưỡng HS.
Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất trường, lớp học là một vấn đề trọng tâm hiện nay đối với GD Lai Châu.Lãnh đạo tỉnh Lai Châu đã nêu đề nghị được quan tâm, tăng mức vốn chương trình mục tiêu quốc gia về GD&ĐT cho Lai Châu, để tỉnh có thể từng bước hoàn chỉnh hệ thống cơ sở vật chất trường lớp học. Có một thực tế ở Lai Châu là xây dựng được trường, lớp học, song rất khó khăn về việc xây dựng các công trình đảm bảo cho việc hoạt động của trường, lớp học (phòng học bộ môn bậc trung học, khối nhà hành chính, nhà vệ sinh, tường bao, khối nhà phục vụ học tập, nhà ở cho HS, nhà ăn, bếp nấu...).
Lai Châu cũng đề nghị sớm được xem xét việc nâng mức đầu tư cho kiên cố hóa trường lớp học và nhà công vụ cho giáo viên. Theo lãnh đạo tỉnh này, dự án giai đoạn 2008- 2012, với kinh phí đã được phê duyệt chỉ có thể hoàn thành 1/3 số danh mục cần kiên cố hóa đã được phê duyệt. Bên cạnh đó, ngoài số lượng cần kiên cố hóa đã được phê duyệt, Lai Châu vẫn còn đến hơn 2.000 nhà công vụ và hơn 1.800 phòng học cần được kiên cố hóa (do trước đây chưa điều tra chưa hết).
Một đề nghị khác của Lai Châu là mong được Bộ nghiên cứu để có chương trình riêng trong việc xây dựng phòng ở cho HS học bán trú dân nuôi. Hiện tỉnh này còn cần khoảng 2.000 phòng ở để đáp ứng nhu cầu cho hơn 20.000 HS bán trú dân nuôi.
Dự án xây dựng Trường CĐ Cộng đồng Lai Châu đang có nhu cầu sớm hoàn thành và đưa vào sử dụng, nhằm giải quyết khó khăn về cơ sở vật chất, phòng học phục vụ nhu cầu học tập, sinh hoạt của nhà trường. Tỉnh Lai Châu cũng đề nghị Bộ GD&ĐT có ý kiến với các bộ ngành liên quan và Chính phủ xem xét, nhằm bố trí nguồn vốn kịp thời trong thực hiện dự án, đáp ứng quy mô đào tạo 2.000 sinh viên của Trường CĐ Cộng đồng Lai Châu; tạo điều kiện đào tạo nguồn nhân lực phục vụ chính sự phát triển của Lai Châu.
Cần phải quan tâm đến đặc điểm của HS vùng sâu, vùng xa
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận đánh giá: Lai Châu là một tỉnh thuộc loại khó khăn nhất cả nước về điều kiện kinh tế- xã hội, về điều kiện phát triển giáo dục và đào tạo, thì những chỉ tiêu về số lượng mà giáo dục Lai Châu đã đạt được trong thời gian qua cũng là rất đáng quý, không kém gì các chỉ tiêu về chất lượng. Cũng không thể đòi hỏi GD, ĐT của tỉnh vùng khó phải đạt ngay chất lượng cao. Chỉ tiêu số lượng mà GD, ĐT địa phương đạt được đã thể hiện những cố gắng lớn. Đó là việc đưa được HS đến trường ngày càng nhiều hơn, đó là việc duy trì được sĩ số HS theo học.
Bộ trưởng lưu ý với các vụ chức năng thuộc Bộ và GD địa phương vùng khó như Lai Châu: Đổi mới gì cũng phải quan tâm đến đặc điểm của HS vùng sâu, vùng xa; không thể đòi hỏi quá khả năng và điều kiện học tập của HS; làm thế nào để các em thích đến trường.
Đối với việc xây dựng Trường CĐ Cộng đồng Lai Châu, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT rất ủng hộ nếu việc triển khai dự án xây dựng này góp phần tạo điều kiện để nhà trường tuyển sinh được, SV tốt nghiệp ở lại tỉnh làm việc. Nhưng trong điều kiện, hoàn cảnh làm việc ở một tỉnh khó khăn, Bộ trưởng có một băn khoăn là liệu cán bộ, GV có thực sự yên tâm công tác trong vùng khó khăn không?
Những đề xuất của lãnh đạo tỉnh Lai Châu về kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ GV; về xây dựng nhà ở cho HS bán trú dân nuôi... Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã có ý kiến trực tiếp đến các vụ, cục, đơn vị chức năng thuộc Bộ, để cùng Lai Châu sớm cân nhắc, xem xét, giải quyết, làm sao cho phù hợp với thực tế nhu cầu.
Trao đổi với lãnh đạo tỉnh Lai Châu, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận bày tỏ mong muốn UBND, các ban ngành trong tỉnh quan tâm, giúp đỡ nhiều hơn nữa đối với ngành GD&ĐT Lai Châu trong thời gian tới.
PV