Cô bé Lan ngày trước lại còn mê mẩn tiểu thuyết của Quỳnh Dao, nhạc bolero, thơ tình Xuân Diệu, phim Hàn Quốc (thời mới du nhập vào Việt Nam). Cứ tưởng kỷ niệm đáng yêu ấy rồi sẽ rơi vào quên lãng để bước qua một chặng đường mới cá tính, chín chắn và thực tế hơn. Nào ngờ, những kỷ niệm đáng yêu ấy mỗi lúc một dâng trào.
Đến nỗi khi bao nhiêu cô gái sống thực tế, ra trường lập gia đình, sinh con, còn chị Lan thì vẫn chờ đợi một chàng trai hào hoa, phong nhã kiểu Kim Trọng trong “Truyện Kiều”... đến rước. Bởi chị vẫn là người yêu văn thơ, thích xem phim tình cảm ướt át và đi du lịch ở những nơi hoang sơ, tao nhã.
Chờ đợi đến cái tuổi bước qua ngưỡng 30, chị mới gặp được ý trung nhân. Anh Trung, người sau này là chồng chị, có tính nghệ sĩ: Hát hay, đàn giỏi, ăn nói ngọt ngào và cũng khá điển trai. Anh giỏi ga lăng, nịnh đầm nên chỉ trong vài tháng đã “cưa đổ” chị Lan.
“Cặp đôi lãng mạn, không biết rồi sau này chúng sẽ ra sao đây khi cứ mơ với mộng, thơ với thẩn, ngây với dại” - mẹ chị Lan than thở thế.
Chẳng những vậy, gia đình hai bên đều cho rằng với tính cách đó rất khó mà đối diện với thực tế, không thể làm giàu, khó vượt qua những cam go của cuộc sống. Gạt phăng mọi lời góp ý, hai người quyết định tổ chức đám cưới chỉ sau 4 tháng yêu nhau.
Từ lúc kết hôn, gia đình nhỏ của chị Lan đã thay đổi rõ rệt. Ba mẹ chồng tặng cho căn nhà nhỏ ở ngoại ô, kiểu như “túp lều tranh hai trái tim vàng” trong các ca khúc ướt át, làm chị Lan vô cùng thích thú. Tuy nhiên, anh Trung thì trở về với phong cách người đàn ông thẳng tính, thực tế, khác với trước đây hoàn toàn.
Anh quên béng những buổi xem phim cùng vợ trong rạp chiếu phim, quên luôn những ngày trọng đại: Sinh nhật, kỷ niệm ngày cưới, Valentine, Quốc tế Phụ nữ, Phụ nữ Việt Nam…
Khi vợ bước lên xe, thay vì hỏi “em ngồi cho vững nhé” như trước đây, anh rồ ga làm chị Lan bao phen suýt té. Cuối tuần, anh đi đá bóng, đánh cầu lông, ăn nhậu với bạn bè, trong khi chị Lan lại chờ anh dẫn đi dạo phố, ngồi ngắm cảnh trong sân vườn nhà.
Chị Lan không thoát khỏi “căn bệnh” mơ mộng. Dù là bà nội trợ nhưng để có cuộc sống thêm phần trẻ trung, chị trồng hoa trong vườn để ngắm và để có nguồn cảm hứng làm thơ về thiên nhiên.
Những bài thơ chị làm tuy là dở tệ (theo sự nhận xét của chồng) nhưng chị vẫn cứ làm, thích làm và ghi từng bài vào quyển sổ tỉ mẩn. Đúng là không ai cấm chúng ta làm thơ, nhưng làm thơ theo kiểu đi photo cho từng người đọc một cách ép buộc thì thật là khó xử cho người nhận những tác phẩm đó.
Khi chị Lan xem phim Hàn Quốc, bao giờ có cảnh nhân vật nam, nữ bị căn bệnh nan y, hay những cuộc tình ngang trái là chị khóc. Khóc một cách ngon lành.
Chị với chồng hay cãi nhau về vấn đề này. Dù là nhường cho vợ xem phim (mặc dù anh Trung muốn xem thể thao) nhưng cứ thấy vợ toàn là khóc với đôi mắt đỏ hoe làm anh không khỏi bực mình.
Thế là anh chuyển kênh để cho vợ “quay trở lại mặt đất”. Chị Lan cụt hứng nói: “Phong cách ga lăng của anh ngày xưa đâu rồi hả? Thay vì lấy khăn giấy cho tôi, anh lại thô lỗ như vậy? Tôi đã lầm tin anh”.
Một lần, trong buổi tối lạnh lẽo của mùa đông, chị Lan nằm co rúm trên ghế salon xem phim Hàn Quốc. Biết chồng đang làm việc trong phòng sách, chị Lan nảy ra ý định giả bộ ngủ để xem thái độ của chồng thế nào.
Cứ ngỡ như thế anh Trung sẽ mang chiếc mền ra đắp, gọi nhẹ nhàng rồi dìu chị vào phòng. Hoặc tuyệt vời hơn là bế chị vào giường như những nhân vật nam trong phim Hàn Quốc hay làm thế. Nào ngờ anh từ trong phòng làm việc đi ra đá vào chân chị mấy cái: “Dậy vào phòng ngủ đi em. Khuya rồi đó!”.
Thấy anh quan tâm, chị vẫn cố nằm im như người mê ngủ. Anh Trung đi rót ly nước uống rồi quay lại lớn giọng: “Phụ nữ gì đụng đâu ngủ đó như chết, chẳng may có người lạ trong nhà thì sao? Dậy mà vào phòng nè!”. Chị Lan vẫn nằm im thin thít. Anh Trung bực mình quát: “Nằm đó luôn đi”, rồi tắt đèn bỏ vô phòng ngủ. Trong bóng tối, chị ngồi bật dậy suy nghĩ mông lung.
Giờ chị mới nhận ra mình “khác người” là như thế nào. Ai cũng có thời mơ mộng, nhưng rồi lụi tàn để nhường cho những lo toan trong cuộc sống hối hả, xô bồ của xã hội hiện đại. Nếu cứ mãi làm… cũ, chậm chân thì thua kém với mọi người. Chị nhủ lòng là phải thay đổi mình mới được. Đúng là đời không như là mơ và đời cũng chẳng như là phim.
Từ đó chị Lan không còn mơ mộng. Tuy nhiên, chị vẫn mê phim Hàn.