Thông tin ban đầu của Bộ GD&ĐT và nhiều sở GD&ĐT sau thời gian trực tiếp nắm bắt thực tế cho thấy, hầu hết các nhà trường đã xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình lớp 1 phù hợp với điều kiện thực tiễn. Giáo viên lớp 1 bước đầu áp dụng được các phương pháp, kĩ thuật dạy học theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Nền nếp dạy học dần ổn định, tạo được sự chủ động, tự tin cho học sinh lớp 1 ở hầu hết các môn học, hoạt động giáo dục theo chương trình, sách giáo khoa mới.
Đây là kết quả đáng ghi nhận. Phải khẳng định như vậy vì chúng ta đã trải qua một năm vô vàn khó khăn do dịch bệnh Covid-19. Nhiều công việc chuẩn bị không thể diễn ra theo đúng kế hoạch, từ đó ảnh hưởng đến tâm thế triển khai chương trình mới. Trong đó có việc học sinh, trẻ mầm non phải nghỉ học kéo dài; thời gian tựu trường năm học 2020 - 2021 lại chậm hơn khoảng 2 tuần so với thông lệ. Bước vào lớp 1, trẻ mầm non vốn bỡ ngỡ, nhưng chỉ có thời gian rất ngắn để làm quen với trường, lớp, với cô giáo và bè bạn. Việc chuẩn bị tâm lý và trang bị kĩ năng cần thiết cho trẻ bởi vậy cũng hạn chế hơn, đặc biệt với những lớp đông học sinh… Những yếu tố khách quan đó góp phần dẫn đến một số khó khăn mà mạng xã hội, các phương tiện truyền thông đã tốn nhiều giấy mực phản ánh trong thời gian qua; trong đó có vấn đề triển khai sách giáo khoa mới.
Có vẻ như trong cơn bão truyền thông đang diễn ra, sách giáo khoa được đặt lên vị trí quá cao. Trong khi đó, điểm nhấn của lần đổi mới này ở chỗ: Sách giáo khoa từ chỗ là “pháp lệnh” chỉ còn là một tài liệu dạy học quan trọng. Chương trình mới là pháp lệnh, và để đạt được yêu cầu của chương trình, giáo viên có thể sử dụng sách giáo khoa như một phương tiện để đưa trò tới đích. Cũng bởi vậy, giáo viên không nhất nhất “bám” theo sách giáo khoa, không phải dạy đúng theo sách mà được quyền chủ động, cốt sao bảo đảm được chuẩn đầu ra của chương trình. Để làm được điều này, trong giai đoạn đầu chưa quen, thầy cô chắc chắn sẽ vất vả, phải mất nhiều thời gian và công sức hơn; nhưng không thể vì vất vả mà không làm, bởi đây là đòi hỏi tất yếu của đổi mới.
Để bước qua những khó khăn ban đầu, trước tiên mỗi thầy cô phải vượt qua chính mình, thay đổi thói quen, chủ động xây dựng kế hoạch dạy học phù hợp. Thầy cô cũng cần căn cứ vào yêu cầu cần đạt của từng môn học, hoạt động giáo dục, linh hoạt xác định yêu cầu cần đạt theo từng “chặng” để giúp học sinh nắm vững kiến thức, kĩ năng. Trên cơ sở đó, linh hoạt điều chỉnh nội dung dạy học sao cho gần gũi, dễ hiểu, phù hợp với từng học trò.
Việc phối hợp giáo dục gia đình – nhà trường vô cùng quan trọng, đặc biệt với trẻ lớp 1. Thông qua cuộc họp cha mẹ học sinh đầu năm, giáo viên giải thích, hướng dẫn để phụ huynh hiểu những thuận lợi, khó khăn trong việc thực hiện chương trình mới; tạo điều kiện cho phụ huynh gặp gỡ sau các buổi học nếu có nhu cầu. Nếu học sinh tiếp thu bài chưa như mong muốn, hãy chủ động mời phụ huynh đến trao đổi, tư vấn, hướng dẫn, bàn biện pháp phối hợp để giúp các em tiến bộ…
Có thể nói, chẳng đổi mới nào ngay từ đầu đã ngay lập tức trơn tru. Vấn đề là, khi tất cả cùng đồng lòng, nhìn về một hướng vì lợi ích con trẻ - cũng là tương lai đất nước – thì mọi khó khăn đều có thể vượt qua.