Đôi dép lốp của ông

GD&TĐ - Hồi bé, tớ hay được sang nhà ông bà ngoại chơi (vì nhà ông bà ở ngay gần nhà), tớ thấy ông ngoại có đôi dép trông rất lạ, màu đen, hơi cũ, cổ xưa.

Đôi dép lốp của ông

Bạn dép lốp yêu quý!

Hồi bé, tớ hay được sang nhà ông bà ngoại chơi (vì nhà ông bà ở ngay gần nhà mà), tớ thấy ông ngoại có đôi dép trông rất lạ, màu đen, hơi cũ kĩ, cổ xưa.

Nó không giống đôi dép của tớ hay bố mẹ, và cũng không giống bất kì đôi dép của ai tớ đã từng gặp cả. Tớ thấy thích quá cứ ngắm nghía mãi và bí mật ghi vào nhật kí quyết tâm tìm hiểu về cậu. Bây giờ tớ đã lên lớp Năm rồi nên mới viết bức thư này gửi cậu đấy. Cậu có ngạc nhiên không?

Ông ngoại bảo gọi cậu là dép lốp hay dép cao su cũng được. Nếu tính về thời gian thì cậu có rất nhiều ông, bà, anh, chị... nên đôi dép ông đang đi phải ở hàng cháu, chắt rồi. Ồ, thú vị thật đấy! Tớ cứ tròn mắt ra nghe ông nói trong khi mẹ tớ và các bá cứ lăn ra cười. Sau đó tớ đã làm nũng mượn ông đi thử, ông đồng ý ngay.

Chân tớ bé quá mà cậu thì to và nặng nên tớ nhấc mãi mới đi nổi. Mấy lần còn bị vấp suýt ngã. Ôi giờ nhớ lại tớ thấy mình thật là ngốc nghếch, nhưng cái cảm giác khi đi một đôi dép đặc biệt như thế cứ theo tớ mãi!

Nghe tớ thắc mắc, ông vui vẻ kể cho tớ nghe bao nhiêu là chuyện về cậu. Ông đi bộ đội từ năm 1968, thuộc “Đoàn 559” – Bộ đội Trường Sơn. Bao nhiêu năm ở chiến trường khốc liệt lưu giữ những kí ức không thể phai mờ nên thói quen đi dép lốp cứ theo ông mãi tới bây giờ. Ông chẳng đi đôi dép nào khác ngoài bạn, vì không quen.

Thấy ông yêu quý dép lốp quá, tớ bèn lên Google tìm hiểu kĩ hơn thì được biết tên của cậu cũng có nhiều cách gọi khác nhau như: Dép cao su, dép râu, dép Bình Trị Thiên. Cậu được tái chế từ săm, lốp ô tô đã hỏng, vừa tiện lợi vừa tiết kiệm.

Thân hình cậu rất đơn giản, chỉ gồm quai và đế. Đế cắt từ lốp ô tô còn quai dép làm từ săm xe, đều có màu đen. Phần quai gồm 4 chiếc, giống kiểu xăng đan, và được đo cắt rất khéo, không dày không mỏng được cố định lại bằng cách xuyên qua những lỗ đục là 8 cái khe được rạch trên đế.

Vì quai của cậu dễ tuột nên các chú bộ đội bao giờ cũng có một díp bằng sắt hay bằng tre để luồn lại. Chính sự tiện lợi và tiết kiệm ấy đã khiến cậu trở thành phổ biến trong hai cuộc chiến tranh, trở thành một biểu tượng nổi tiếng của các chú bộ đội cụ Hồ trong đó có ông ngoại của tớ. Đế của cậu êm giúp người đi có thể lội nước và bùn một cách dễ dàng, bảo vệ bàn chân lành lặn ngay cả khi giẫm lên mảnh chai hay thép gai, lửa đỏ.

doi-dep-lop-cua-ong-1.jpg
Đôi dép lốp của ông ngoại mòn vẹt theo tháng năm. Ảnh: Bình Thanh.

Đi qua bao vùng miền, cùng các ông trèo đèo lội suối mà cậu vẫn bền chắc như thường, có khi chỉ cần thay quai là lại đi được tiếp. Cậu như trơ như lì thách thức với thời gian, thể hiện đức tính giản dị, tiết kiệm đáng quý của người lính cách mạng trong hoàn cảnh đất nước có chiến tranh...

Cậu chắc chắn là một đồ vật gắn bó thân thiết với chú bộ đội và Bác Hồ trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Mẹ tớ thấy tớ đam mê tìm hiểu quá liền ngâm nga cho tớ nghe những câu thơ, câu hát rất hay:

- Còn đôi dép cũ, mòn quai gót,

Bác vẫn thường đi giữa thế gian.

- Đôi dép đơn sơ đôi dép Bác Hồ

Bác đi từ ở chiến khu Bác về…

Rồi bảo tớ: “Đôi dép tưởng chừng đơn sơ đó đã trở thành cảm hứng nghệ thuật cho biết bao nhà thơ và nhạc sĩ đó con ạ. Nhất là đôi dép ấy đã được Bác Hồ sử dụng trên mỗi dặm đường dài”.

Lúc xem các phim tư liệu về Bác Hồ và các chú bộ đội đi chiến đấu tớ rất xúc động khi nhìn thấy hình ảnh của cậu và những bước chân thoăn thoắt đạp trên đá tai mèo, vượt qua bao nhiêu chặng đường bát ngát.

Tớ thấy đế của cậu hơi thấp, tớ đoán chắc là do lúc ông ngoại của tớ đi bộ nhiều quá nên cậu cũng bị mòn dần theo năm tháng. À mà tớ nhớ cách đây mấy năm vừa rồi ông còn được đi gặp mặt đồng đội cũ tận trên Hà Nội trong Ngày truyền thống Đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh - ngày 19/5.

Ông vui lắm, gặp ai ông cũng khoe. Trước khi đi, ông chuẩn bị nào là ba lô, mũ cối, những tấm huân chương, huy chương, huy hiệu... đeo lấp lánh trên ngực và nhất là ông sửa sang rất kĩ cậu. Khi về, ông bảo đồng đội dù người còn người mất nhưng tình cảm vẫn nồng nhiệt như xưa và ai cũng đi dép lốp.

Ông rưng rưng bảo ông rất nhớ những đồng đội đã hi sinh và cả những người không thể đi dự họp mặt được nữa bởi đã khuất núi hoặc sức khỏe yếu! Nói xong - ông trầm ngâm ngồi đó - rất lâu. Dáng ngồi của ông như một bức tượng lặng im...

Chúng tớ được sống trong hòa bình, thật hạnh phúc biết bao. Hàng ngày, tớ tung tăng đến trường cùng bao đôi giầy dép với đủ màu sắc, mẫu mã đẹp nhất, nhưng tớ vẫn thích cậu lắm, vì biết cậu là kỉ vật vô giá của ông ngoại tớ.

Có nhiều bạn không biết về cậu đâu, nhưng khi nghe tớ kể chuyện đã về hỏi ông bà của mình, tự tra Google và ngưỡng mộ cậu lắm đấy. Còn rất nhiều đồ vật vô giá của ông tớ cũng đang tò mò tìm hiểu. Nhưng nếu phải viết một bài văn về đồ vật mà em yêu quý nhất, tớ sẽ viết về cậu đầu tiên đấy.

Đến đây thì tớ phải nói lời tạm biệt với cậu rồi. Hãy luôn là người đồng hành để đôi chân của ông tớ mãi dẻo dai và giúp ông luôn vui, khỏe mãi, bạn dép lốp nhé!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ