Hội thảo được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 80 năm ngày mất của Đội Cung (25/4/2041-25/4/2021).
Lãnh đạo huyện ủy, UBND huyện Kỳ Anh cùng nhiều chuyên gia nghiên cứu và đại diện dòng họ Trần Công đã tới tham dự hội thảo.
Hội thảo là hoạt động thiết thực nhằm ôn lại những hoạt động đấu tranh giải phóng dân tộc của Đội Cung. Đây cũng là dịp, bày tỏ sự tri ân sâu sắc của các thế hệ hôm nay trước những cống hiến của ông đối với cách mạng Việt Nam.
Tại diễn văn khai mạc Hội thảo, bà Dương Thị Vân Anh (phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh) đã nhắc lại thân thế của Đội Cung cũng như đóng góp của ông trong phong trào giải phóng dân tộc giai đoạn 1940-1941.
“Trách nhiệm của chúng ta cần phải giữ gìn trân trọng lịch sử, tuyên truyền giáo dục những truyền thống tốt đẹp của cha ông cho thế hệ trẻ. Qua đó, phát huy tinh thần đoàn kết, tự cường, tự tôn dân tộc trong thời kỳ mới. Đó cũng là mục đích chính của hội thảo”, bà Vân Anh nhấn mạnh.
Hội thảo có sự đóng góp hơn 20 bản tham luận của các nhà khoa học tại các Viện nghiên cứu, trường ĐH; đại diện chính quyền địa phương và con cháu dòng họ Trần Công.
Các báo cáo tham luận đã góp phần làm sáng tỏ thân thế, cuộc đời và vai trò của Đội Cung trong phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc; ghi nhận những đóng góp, cống hiến của dòng họ Trần Công qua nhiều thời kỳ phát triển của đất nước.
Đội Cung, tức Trần Công Cung, ông là con cháu họ Trần Công tại làng Long Trì, tổng Đậu (nay là thôn Phú Long, xã Kỳ Phú, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh).
Đội Cung cũng chính là người đã lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Đô Lương ngày 13/1/1941. Cuộc khởi nghĩa đã bị dìm trong biển máu nhưng để lại nhiều bài kinh nghiệm cho Đảng ta trong phong trào đấu tranh dân tộc; tác động lớn đến tinh thần yêu nước của nhân dân.
Sau Cách mạng Tháng Tám/1945, Đội Cung được Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa công nhận là Liệt sĩ và truy tặng bằng "Có công với nước".
Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Đình Gia (Bí thư huyện ủy Kỳ Anh) nhận định: “Hội thảo đã đạt được những kết quả tích cực và nhận được nhiều ý kiến quan trọng, giá trị, góp phần nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của Đội Cung và dòng họ Trần Công đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Đây là những dữ liệu lịch sử hết sức quan trọng để tuyên truyền, giáo dục cho thế hệ trẻ”.
Bí thư huyện ủy Kỳ Anh cũng đề nghị UBND huyện Kỳ Anh, Ban Tuyên giáo huyện ủy sẽ chỉ đạo các cơ quan chuyên môn biên soạn, hoàn thiện tư liệu lịch sử về những cống hiến của Đội Cung cùng dòng họ để làm tài liệu tuyên truyền; dòng họ Trần Công phối hợp các ngành huy động các nguồn lực tu bổ nhà thờ, trở thành di tích văn hóa, địa chỉ đỏ cho nhiều thế hệ.