Động thái gửi bản fax thông báo quyết định muốn chấm dứt hợp đồng với Barcelona cho thấy Messi đã sẵn sàng đi tìm kiếm thử thách mới. Đây là điều không thể khác bởi mối quan hệ giữa El Pulga và Ban lãnh đạo Barcelona đã rạn nứt tới mức không thể hàn gắn.
Có thực tế không thể phủ nhận rằng Messi vẫn là cầu thủ xuất sắc bậc nhất thế giới ở thời điểm này. Bất cứ CLB nào cũng muốn có sự phục vụ của siêu sao người Argentina. Điều đó sẽ giúp CLB đó vươn tầm thực sự.
Thế nhưng, ở góc độ nào đó, có thể ví Messi như con dao sắc bén. Tức là nếu biết cách sử dụng con dao ấy, nó sẽ mang tới hiệu quả không ngờ. Những món ăn ngon sẽ được bày biện trên bàn. Nhưng ở chiều ngược lại, nó cũng có thể khiến bất kỳ ai đứt tay.
Thật vậy, hãy thử tính toán số tiền mà các CLB bỏ ra để chiêu mộ Messi ở thời điểm này. Tính toán của tờ Marca chỉ ra rằng, trung bình mỗi năm, Barcelona phải trả cho Messi tới 120 triệu euro. Số tiền đó bao gồm tiền lương (trước thuế), tiền thưởng và các khoản phí khác (như bản quyền hình ảnh).
Nhưng nên nhớ rằng, mức thuế ở mỗi quốc gia không giống nhau. Ví dụ, ở Tây Ban Nha, thuế của nhân vật có thu nhập cao rơi vào khoảng 42%. Ở Anh, con số ấy là 45%. Ở Pháp, nó tăng lên tới 75%. Tức là, Man City, Man Utd hay PSG sẽ phải trả nhiều tiền hơn cả Barcelona để trả cho Messi.
Đó chưa kể tới việc, nếu như Messi được phép rời Barcelona theo dạng chuyển nhượng tự do, cầu thủ này có thể đòi hỏi mức lương cao hơn. Tức là số tiền trả cho Messi hoàn toàn có thể cán mốc 200 triệu euro. Cộng thêm vào đó, El Pulga ít nhất cũng phải ký hợp đồng 3 năm. Tức là tổng số tiền mà các CLB phải trả cho Messi rơi vào khoảng 500-700 triệu euro.
Tất nhiên, Barcelona cũng không hề muốn cho không Messi ở thời điểm này. Họ sẽ tìm mọi cách để thu về số tiền chuyển nhượng. Mức phí giải phóng hợp đồng của Messi là 700 triệu euro.
Kể cả đàm phán được, ít nhất, các CLB sẽ phải chi từ 100-200 triệu euro. Nên nhớ, C.Ronaldo từng gia nhập Juventus ở tuổi 33 với mức phí 100 triệu euro. Messi không thể dưới giá đó.
Do đó, các chuyên gia nhận định rằng, nếu muốn sở hữu Messi, các CLB phải sở hữu nền tảng tài chính cực vững chắc. Theo khoanh vùng, chỉ có PSG, Man City hay Man Utd đủ sức theo đuổi thương vụ này.
Nếu sở hữu Messi, họ đương nhiên sẽ có giá trị hình ảnh, thương hiệu lớn hơn gấp bội. Nhưng câu hỏi đặt ra là liệu các CLB có sẵn sàng hy sinh số tiền lớn như vậy để sở hữu cầu thủ đã bước sang tuổi 33?
Bên cạnh đó, Messi đương nhiên không phải mẫu ngôi sao tầm thường, có thể chịu thỏa hiệp với các CLB. Với tài năng, đẳng cấp và cá tính, El Pulga được cho đã lấn át các HLV của Barcelona trong nhiều năm qua.
Như vậy, việc chiêu mộ Messi có thể tiềm ẩn nguy cơ lớn bất ổn. Những CLB đang có sự đoàn kết, ổn định chưa chắc dám mạo hiểm để mang về cầu thủ lớn, có cá tính mạnh mẽ như vậy. Bởi nó chẳng khác gì “bom nổ chậm”. Đôi khi “tiền mất, tật mang”.
Trong số các ứng viên muốn có Messi, Man City nổi lên số 1. Giám đốc Bóng đá Txiki Begiristain và CEO Ferran Soriano của Man City đều là những người cũ của Barcelona. Pep Guardiola cũng là thầy cũ, người đưa Messi lên đỉnh cao.
Nhưng cần nhắc lại, Man City vừa may mắn thoát án phạt cấm thi đấu cúp châu Âu vì vi phạm luật Công bằng tài chính. Liệu họ có dám mạo hiểm “vuốt râu” UEFA thêm một lần nữa?
Man Utd và PSG trong những năm qua đầy rẫy bất ổn trong nội bộ bởi có quá nhiều cầu thủ muốn là thủ lĩnh. Thêm Messi, nó có thể càng khiến tình hình trở nên rối ren hơn.
Nói vậy để thấy, ngay cả khi Messi muốn ra đi, việc tìm bến đỗ mới cũng không phải là điều dễ dàng.