Suối Mường Hoa là nàng thơ yêu kiều, cá tính giữa núi rừng Tây Bắc: Khởi đầu từ dòng Thác Bạc; uốn lượn qua bản Cát Cát, Lao Chải, Tả Van, Giàng Tà Chải…; kết thúc ở Bản Hồ với lộ trình gần 15km.
Suối Mường Hoa khi ầm ầm qua những khe núi, khi róc rách qua những bản làng, khi rì rào qua thung lũng xanh tươi... Dù cuồn cuộn hay êm đềm, suối Mường Hoa vẫn làm say đắm lòng người bởi cảnh quan vừa hùng vĩ vừa thơ mộng.
Hùng vĩ nhất là thượng nguồn dòng suối – Thác Bạc (thuộc phường Ô Quy Hồ), nơi quanh năm sầm sập nước đổ, tung bọt trắng xóa khiến từ xa đã nghe thấy bản hùng ca ào ào vang dội. Thác như dải voan bạc khổng lồ tuôn dồn dập trên những phiến đá to, lô nhô, đen nhánh.
Người bạo gan nhất cũng không dám bước chân vào dòng chảy sẵn sàng cuốn phăng tất cả. Đứng trên cầu vắt ngang Thác Bạc, cảm giác như hàng nghìn khối nước đang ập vào mình. Nghẹt nhịp thở. Loạn nhịp tim. Nhưng cũng đầy thích thú.
Thượng nguồn suối Mường Hoa như vậy đó.
Xuôi xuống làng cổ đẹp nhất miền Tây Bắc – bản Cát Cát (thuộc xã Hoàng Liên, Sa Pa, Lào Cai), suối Mường Hoa dịu dàng, trong veo khoe tận đáy những viên sỏi nhỏ xinh nhiều hình thù, màu sắc. Dòng chảy hiền hòa đến mức trẻ em cũng thích nô đùa cùng tiếng róc rách vui tai.
Một kè tràn lượn sóng tạo bậc nước mềm mại cho thấy sự tinh tế, hòa hợp giữa nhân tạo và thiên tạo. Du khách đến đây, ai cũng chụp thật nhiều những tấm ảnh với suối. Từ tiền cảnh đến hậu cảnh đều đẹp ở mọi góc nhìn, mọi khoảnh khắc.
Tinh mơ, suối huyền huyền ảo ảo trong làn sương mờ. Nắng lên, suối lấp lánh triệu ánh vàng rực rỡ. Đêm, suối dát trăng ngà, hòa lời ca tình tự: “Em nắm tay anh, nắm cho vững. Anh cầm tay em, cầm cho chặt. Ta yêu nhau đằm thắm như khóm ngải xanh tươi…”.
Tiếp tục xuôi dòng, suối Mường Hoa đẹp mĩ miều khi đến thung lũng Mường Hoa (thuộc xã Hầu Thào). Một vẻ đẹp không thể hình dung dù bạn có trí tưởng tượng tuyệt vời đến mấy. Ngôn từ hoa lệ nhất dường như bất lực trước vẻ đẹp của suối Mường Hoa tại quãng này.
Người ta thường nói, Sapa là Đà Lạt của miền Bắc, là kinh đô nghỉ dưỡng mùa Hè. Người ta cũng thường nói, thung lũng Mường Hoa là bức tranh tuyệt mĩ của Sapa. Tôi đồng ý và bổ sung rằng chính sự hiện diện của dòng chảy Mường Hoa mới là nét duyên khiến người ta “See tình” từ cái nhìn đầu tiên.
Bước qua sự nhộn nhịp của bản làng người H’Mông, Dao, Giáy…, suối Mường Hoa tung tăng dạo chơi dưới những triền ruộng bậc thang quanh co, vời vợi. Nếu những nấc thang lên thiên đường kia là kiệt tác từ bàn tay người lao động vì mục đích canh tác, sinh tồn thì suối Mường Hoa là dòng chảy hoàn toàn tự nhiên nhưng góp ích không nhỏ cho hoạt động canh tác, sinh tồn đó.
Quần thể ruộng bậc thang kia được Tạp chí Du lịch Travel and Leisure của Mỹ vinh danh là một trong những ruộng bậc thang đẹp nhất thế giới. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng công nhận ruộng bậc thang ba xã Lao Chải, Tả Van, Hầu Thào là Di tích danh thắng quốc gia.
Làng cổ đẹp nhất Tây Bắc – bản Cát Cát (thuộc xã Hoàng Liên). Ảnh: Nguyễn Hằng |
Lẽ dĩ nhiên, suối Mường Hoa có vai trò căn cốt, suối ẩn trong từng khóm lúa, hạt vàng... Suối dẫn nguồn nước, suối đựng cá tôm, suối cho cảnh sắc… giúp đời đời kiếp kiếp người bản địa lớn lên, yêu nhau, sinh con đẻ cái, cần mẫn khai mở tấc đất, tấc trồng thành kỳ quan độc đáo.
Nhìn từ trên cao, suối Mường Hoa yểu điệu như nhịp lắc eo của cô gái miền sơn cước trong điệu múa sênh tiền. Mỗi bước chân của suối đều làm người ta không nỡ lòng rời mắt. Đẹp.
Một vẻ đẹp mà bạn chỉ có thể cảm nhận đầy đủ bằng đôi mắt và trái tim yêu thiên nhiên hoang sơ tha thiết. Có người bảo suối Mường Hoa như con rắn khổng lồ. Tôi chẳng bao giờ đồng tình với cách ví von đó. Suối Mường Hoa đích thực là nàng thơ yêu kiều, tài năng, duyên dáng, tinh tế, thông minh…
Nàng thơ ấy đi xuống Bản Dền (thuộc xã Bản Hồ) thì gắn với truyền thuyết dân gian. Truyện kể rằng: Xưa, có đôi trai gái gặp và yêu nhau trong một đêm chợ tình ở Sapa. Chàng trai là người Tày, ở Bản Dền. Cô gái là người Giáy, ở Tả Van.
Vì mồ côi và thiếu sính lễ nên chàng trai không thể cưới cô gái. Họ yêu nhau tha thiết nhưng chỉ có thể hẹn gặp nhau bên suối Mường Hoa. Một ngày kia, trời mưa tầm tã, chàng vẫn quyết đi gặp người yêu cho vợi nỗi nhớ mong. Họ lại ngồi bên suối như bao lần trước.
Nhưng, thần nước bất ngờ ập đến, kéo văng cô gái vào dòng chảy xiết. Chàng trai hốt hoảng nhảy cứu nhưng mất dấu người yêu. Quá đau lòng và căm hận thần nước, chàng trai ngày ngày lên núi khuân đá ném xuống suối. Thế nên, có đoạn suối chia hai ngả như sự chia ly của cuộc tình sầu.
Cuối xã Bản Hồ là hạ nguồn suối Mường Hoa. Khác với thượng nguồn ầm ầm nước đổ, suối Mường Hoa tại đây giảm tốc như thước phim quay chậm, thực chậm. Vì là hạ nguồn nên vựa cá suối ở đây rất dồi dào, phong phú.
Phổ biến nhất là cá bống, cá hoa, cá chát, cá pa khính... Người bản địa ra suối bắt cá bằng tay, bằng lưới, bằng vợt, bằng chài… Cá suối là món ăn dân dã, quen thuộc, đặc trưng, cũng là đặc sản của người H’Mông, người Dao, người Giáy, người Tày, người Xa Phó sống dọc suối Mường Hoa.
Tuy không to nhưng cá suối chắc thịt, mềm xương, đặc biệt nhất là không tanh. Ăn cá nướng ngay bên bờ suối là trải nghiệm cực kì thú vị. Những con cá vừa bắt lên, sơ chế, rửa sạch bằng chính nước suối rồi kẹp vào thanh tre, hơ đều trên đống than đỏ rực. Chẳng mấy lúc, cá chín vàng ruộm, nóng hổi, giòn rụm, thơm phức… Chấm với nước chẩm chéo thì thực sự là không ai quên được ẩm thực suối Mường Hoa.
Tên suối Mường Hoa đặt dấu chấm dừng tại đập thủy điện Bản Hồ nhưng dòng nước vẫn chảy trôi, đổi hướng, rồi nhập vào dòng suối Ngòi Bo. Suối Ngòi Bo đi một lộ trình dài thì gặp sông Hồng tại xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng.
Dòng chảy hòa quyện rồi cùng về biển cả. Mỗi lần qua sông Hồng, tôi biết trong dòng mênh mang kia có nước từ Thác Bạc hùng vĩ. Mỗi lần ra biển rộng, nhấp chút mặn mòi, tôi cảm nhận được vị ngọt từ đập thủy điện Bản Hồ yên bình, thơ mộng.
Tất cả chỉ vì yêu suối Mường Hoa quá đỗi…