Độc đáo những lớp học mang tên “Đảo Sinh Tồn”, “Đảo đá Cô Lin”...

Độc đáo những lớp học mang tên “Đảo Sinh Tồn”, “Đảo đá Cô Lin”...

Cột mốc chủ quyền Trường Sa trong sân trường

Cột mốc chủ quyền Trường Sa trong sân Trường THCS Kim Liên được khánh thành từ năm học 2015 – 2016. Người đưa ra ý tưởng này là thầy Nguyễn Vương Linh - Hiệu trưởng nhà trường – chia sẻ:

“Chúng tôi muốn xây dựng một công trình mang tính biểu tượng để giáo dục tình yêu quê hương, đất nước, yêu vùng trời và vùng biển Việt Nam cho các học sinh.

Cột mốc Trường Sa được xây dựng tại Trường THCS Kim Liên từ năm học 2015 - 2016
Cột mốc Trường Sa được xây dựng tại Trường THCS Kim Liên từ năm học 2015 - 2016

Sau khi được sự đồng tình ủng hộ của chính quyền địa phương, nhà trường đã vận động các doanh nghiệp hỗ trợ và tổ chức quyên góp từ giáo viên, học sinh trong toàn trường để xây dựng cột mốc chủ quyền Trường Sa”.

Tuy nhiên, khi triển khai ý tưởng, trường cũng gặp một số khó khăn vì thực tế cán bộ quản lý, giáo viên đều chưa được ra Trường Sa mà chỉ mới được nhìn thấy qua sách báo, tivi và các tài liệu.

Vì vậy, nhà trường tìm hiểu kỹ thông tin, hình dáng cột mốc Trường Sa sau đó phác thảo theo màu sắc, hoa văn nguyên mẫu cột mốc tại huyện đảo Trường Sa được làm bằng bêtông cốt thép.

Tên các lớp đặt theo tên các hòn đảo, biển tên được gắn trên tường
Tên các lớp đặt theo tên các hòn đảo, biển tên được gắn trên tường

Cột mốc chủ quyền Trường Sa cao 4,9m; mỗi cạnh gắn sao vàng, hình trống đồng, ghi rõ kinh độ và vĩ độ và thông tin về lịch sử quần đảo. “Những thông tin phải hết sức chính xác bởi hằng ngày học sinh sẽ nhìn thấy cột mốc trong sân trường, các em sẽ học, ghi nhớ thông tin về chủ quyền biển đảo Tổ quốc”, thầy Linh nói.

Tỉnh đoàn Nghệ An trao giấy khen cho Trường THCS Kim Liên
 Tỉnh đoàn Nghệ An trao giấy khen cho Trường THCS Kim Liên

Cũng trong năm học 2015 - 2016, Ban giám hiệu Trường THCS Kim Liên quyết định đặt tên 16 lớp học theo tên các hòn đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa như An Bang, Sơn Ca, Sinh Tồn, Tốc Tan, Cô Lin, Gạc Ma…

“Hoàn thành xây dựng cột mốc Trường Sa cùng với đặt tên mới các lớp học, cả học sinh và giáo viên đều cảm thấy phấn khởi, tự hào thêm về ngôi trường của mình”, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.

Niềm tự hào của các lớp mang tên đảo

Đối với các bạn học sinh, khi là thành viên của các lớp học mang tên các hòn đảo của quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa đều tỏ ra thích thú, nhiệt tình hưởng ứng.

Em Nguyễn Thị Thảo Vân - học sinh lớp Đảo Sinh Tồn – cho biết: "Bản thân em và các bạn trong lớp đều có thể giới thiệu với mọi người về vị trí địa lý, các đặc điểm nổi bật của hòn đảo này. Quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa và những hòn đảo tiền tiêu khác của Tổ quốc đối với chúng em cũng trở nên gần gũi hơn, không xa lạ nữa vì ngày nào cũng được "gặp" ở trường".

Lớp học có tên "Đảo đá Cô Lin"
Lớp học có tên "Đảo đá Cô Lin"

Cô Nguyễn Thị Kim Thương, giáo viên nhà trường cũng khẳng định: Những tên gọi trong trường vang lên thường xuyên gợi lên tình cảm của học sinh với tổ quốc, quê hương. Đây cũng là cách giúp các em bổ sung kiến thức về biển đảo Việt Nam.

Được biết, ngoài việc xây dựng cột mốc chủ quyền Trường Sa, đặt tên lớp theo tên các hòn đảo, Trường THCS Kim Liên còn có nhiều hoạt động giáo dục truyền thống với hình thức phong phú, đa dạng.

Học sinh tự tin giới thiệu về đảo Sinh Tồn - tên của lớp học mình
Học sinh tự tin giới thiệu về đảo Sinh Tồn - tên của lớp học mình

Có thể kể đến Triển lãm “Ngày hòa bình” vào dịp 30/4, mời cựu chiến binh đến nói chuyện vào dịp 22/12. Tổ chức cuộc thi tìm hiểu thân thế sự nghiệp cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh, thi tìm hiểu về biển đảo, hay viết thư gửi các chiến sĩ đang công tác trên quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa.

Trường cũng thành lập câu lạc bộ “Em yêu biển đảo” làm nơi để học sinh cùng giao lưu, chia sẻ kiến thức lịch sử dân tộc cũng như biển đảo Việt Nam.

Cô trò Trường THCS Kim Liên trong dịp Triển lãm ảnh "Ngày hòa bình"
Cô trò Trường THCS Kim Liên trong dịp Triển lãm ảnh "Ngày hòa bình"

"Các hoạt động trên cũng nhằm thực hiện cụ thể, thiết thực các chỉ thị về tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống trong mỗi nhà trường và mỗi học sinh”, thầy Nguyễn Vương Linh cho hay.

Mô hình cột mốc chủ quyền đảo Trường Sa tại Trường THCS Kim Liên, huyện Nam Đàn là công trình đầu tiên được xây dựng tại các trường học trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Ngoài ra, một số trường học ở các huyện Tân Kỳ, Quỳnh Lưu cũng đã dựng cột mốc có ý nghĩa lịch sử như: tên hòn đảo, hay cột mốc Km số 0 đường mòn Hồ Chí Minh…

Sáng 2/1, anh Lê Văn Lương - Phó Bí thư tỉnh Đoàn, Chủ tịch Hội sinh viên tỉnh, Chủ tịch Hội đồng Đội Nghệ An đã đến thăm và tặng giấy khen cho liên đội Trường THCS Kim Liên, huyện Nam Đàn vì mô hình đặt tên các chi đội theo tên các đảo ở Trường Sa. “Đây là một mô hình được xác định sẽ nhân rộng trong toàn tỉnh trong thời gian tới”, Phó Bí thư tỉnh Đoàn Nghệ An nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ