Độc đáo chợ phiên đầu xuân

GD&TĐ - Nét văn hóa từng vùng miền thường được cảm nhận rõ nét nhất trong chợ phiên. Nếu như trước ngày Tết cận kề, không khí phiên chợ hối hả tất bật, thì ra Giêng chợ lại mang dáng vẻ thảnh thơi nhàn nhã tựa hồ như cuộc dạo chơi đầy ngẫu hứng. 

Độc đáo chợ phiên đầu xuân

Đến chợ không chỉ xuất phát từ việc mua bán trao đổi hàng hóa mà nhiều khi đó còn là nhu cầu thăm thú tìm lại những nét văn hóa truyền thống xưa cũ.

Muôn vẻ chợ quê

Trong rất nhiều hoạt động ở làng quê truyền thống, chợ quê đặc biệt là chợ Tết, có thể xem như một hoạt động nổi bật góp phần tạo nên diện mạo, văn hóa làng xã. Xét về tính chất, chợ mang biểu hiện của đời sống kinh tế với các hoạt động như buôn bán, trao đổi hàng hóa của người dân.

Tại các làng quê, chợ Tết in đậm bản sắc văn hóa của dân tộc Việt cùng với những tập tục thâm canh lúa nước truyền thống. Bởi vậy, mỗi một vùng miền trên lãnh thổ Việt Nam với một khoảng thời gian, không gian khác nhau lại có các loại chợ khác nhau. Tuy nhiên, cuộc sống hiện đại ngày nay cũng đã tác động nhiều khiến cho chợ phiên mai một những nét văn hóa xưa.

Căn cứ vào đặc điểm địa lý, dân cư, có các loại chợ như: Chợ vùng cao, chợ miền núi, chợ đồng bằng, chợ huyện… Hoặc dựa vào sản phẩm hàng hóa, có chợ bày bán phong phú đủ các mặt hàng, nhưng cũng có chợ chỉ chuyên về một loại hàng, như: Chợ Ông Giám ở huyện Thường Tín, Thủ đô Hà Nội - còn gọi là chợ hiếu thảo, chỉ bán cháo để con cháu mua về biếu ông bà; chợ chuyên bán trâu ở Từ Sơn (Bắc Ninh)….

Chợ bày bán các sản phẩm hữu hình, cũng có những chợ là nơi để bày tỏ, giãi bày tâm sự như chợ Cưới của người Mông, Dao ở thôn Tam Lộng, xã Hương Sơn, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc; chợ tình Khau Vai nổi tiếng ở huyện Mèo Vạc,

tỉnh Hà Giang; chợ Âm Dương bán rủi, mua may giữa cõi âm và cõi dương ở Xuân Ô, phường Võ Cường, thành phố Bắc Ninh…

Đặc biệt vào mỗi dịp Tết, chợ lại càng đông đúc náo nhiệt hơn, người bán người mua rộn ràng, hồ hởi. Trước kia chợ cũng thật đơn giản được tụ họp trên một bãi đất trống ở đầu làng, dưới gốc đa hoặc cũng có thể ngay tại nơi sân đình hoặc bờ đê lộng gió. Với đức tính cần cù chịu thương chịu khó, người nông dân luôn có tâm lý để dành những mặt hàng nông sản ngon nhất, tốt nhất để bày bán vào các dịp lễ, tết. Vì thế, chợ Tết còn là nơi hội tụ những gì đẹp nhất, đặc trưng nhất của từng địa phương.

Chợ Tết cũng là nơi gặp gỡ của các nam thanh nữ tú. Nhiều đôi lứa nên duyên nhau cũng bắt đầu từ việc cùng tham gia những trò chơi dân gian trong những buổi chợ xuân. Trong tiềm thức của tôi, mỗi lần được theo mẹ về quê vào dịp Tết nhất định thể nào cũng xin mẹ được đi chợ cùng các chị, các anh để mong được xem đánh đu, hát đúm hay cướp cầu thả lỗ…

Còn đó chợ phiên

Ở Hà Nội, mặc dù cũng có nhiều đổi khác nhưng chợ Bưởi và chợ Đồ cũ, cây cảnh Vạn Phúc (Hà Đông) là một trong những chợ còn lưu giữ được nhiều nét xưa. Chợ Bưởi được xây dựng vào những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, ở trung tâm vùng kẻ Bưởi cũ, giữa một vùng của các làng nghề thủ công nổi tiếng về làm giấy, dệt lụa, nấu nha, nuôi lợn, trồng dâu...

Hiện nay, ngoài việc bày bán các sản phẩm thì đây là một chợ sinh vật cảnh rất độc đáo, chợ Bưởi còn mang nhiều nét văn hóa truyền thống của mảnh đất Kinh kỳ xưa. Chợ được họp một tháng 6 phiên vào các ngày 4, 9, 14, 19, 24, 29 âm lịch hàng tháng.

Trong vai khách tìm mua cây cảnh đầu năm, trò chuyện với anh Hùng - chủ một cửa hàng chuyên bán hoa và cây cảnh trên đường Hoàng Hoa Thám cho biết: Do nhu cầu mua bán ngày một đông nên từ chỗ cây, con giống chỉ được bán trong chợ, thì giờ đây đã mở rộng ra hai dãy phố trên đường Bưởi và đường Hoàng Hoa Thám.

Nhưng chợ vẫn đông nhất là vào những ngày phiên. Người dân từ nhiều nơi mang cây cảnh và vật nuôi đến chợ bán, cả trong khu chợ cũng như dọc đoạn đường đều tấp nập người. Chợ thường họp từ rất sớm, khi trời tờ mờ sáng cho đến đầu giờ chiều mới kết thúc.

Còn tại Vạn Phúc (Hà Đông), người ta thường quen gọi là “chợ Đồ cũ” hơn cái tên đầy đủ là “Trung tâm giao lưu sinh vật cảnh, đồ cũ, đồ xưa”. Trước đây chợ chỉ bày bán chủ yếu là hoa và cây cảnh. Theo truyền thống, phiên chợ chính thường diễn ra vào ngày 5, 10, 15, 20, 25 và 30 âm lịch hàng tháng.

Tuy nhiên, vài năm gần đây ngay cạnh chợ hoa lại hình thành thêm một chợ bán những đồ xưa cũ. Chính điều này đã thu hút khá đông lượng khách đến chợ. Ở đây, người ta không chỉ mua bán những đồ vật đã cũ mà còn để giao lưu, trao đổi hoặc đơn giản là cùng nhau ngắm những món đồ đã thuộc về “quá khứ”.

Ông Trần Văn Thành hơn 70 tuổi(sống tại Cầu Diễn, Hà Nội) - một trong những khách hàng thân thuộc tháng nào cũng đôi lần có mặt tại đây chia sẻ: “Tôi đến chợ không phải để mua bán mà để tìm lại những ký ức xưa cũ. Từ những đồ thờ cúng ngày xưa, đồ gốm Bát Tràng cổ hay những vật dụng của thời bao cấp như loa đài, đồng hồ, đèn pin… đều có mặt trên những sạp hàng giản dị. Được ngắm nhìn và cùng nhau bàn luận, chúng tôi tưởng như được sống lại một thời quá vãng xa xưa”.

Trong guồng quay của cuộc sống hiện đại thì những chợ phiên như thế này dường như trở thành những nốt lặng để người ta được sống chậm và cảm nhận. Và đặc biệt, ngày đầu xuân là khoảng thời gian những phiên chợ này đông người hơn và cũng náo nức hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Động lực nâng cao chất lượng

GD&TĐ - Mùa tuyển sinh 2024, ĐHQG TPHCM tiếp tục dành từ 5% đến tối đa 20% tổng chỉ tiêu cho phương thức ưu tiên xét tuyển theo quy định của đại học này.