(GD&TĐ)-Theo thống kê, hiện các dự án đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam đã hiện diện tại 55 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới và có mặt đầy đủ trong 18 phân ngành kinh tế trong hệ thống ngành, nghề kinh tế quốc dân.
Dầu khí là một trong những ngành đang được DNVN đẩy mạnh đầu tư ra NN |
Cụ thể, đến thời điểm này, các doanh nghiệp Việt Nam có 587 dự án đầu tư ra nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt trên 10 tỷ USD, trong đó vốn thực hiện đạt khoảng trên 2 tỷ USD.
Riêng 4 tháng đầu năm 2011, có 26 dự án được cấp Giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài, với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 1,74 tỷ USD; trong đó có 4 dự án đầu tư quy mô lớn, chiếm trên 90% tổng vốn đầu tư đăng ký, tập trung chủ yếu ở địa bàn Lào, Campuchia và Peru và vào lĩnh vực công ngiệp năng lượng.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam vẫn bảo đảm phù hợp với định hướng là tập trung vào các địa bàn và lĩnh vực mà chúng ta ưu tiên đầu tư ra nước ngoài. Phần lớn các dự án tập trung vào một số ngành, lĩnh vực mà Việt Nam đang có thế mạnh hoặc đang có nhu cầu nhằm phục vụ cho mục tiêu phát triển.
Cụ thể, đó là các lĩnh vực khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên, phát triển nguồn năng lượng; trồng cây công nghiệp, phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản và một số lĩnh vực dịch vụ vừa tạo ra giá trị gia tăng cao, vừa có tính chất hỗ trợ cho các hoạt động đầu tư khác như trụ sở văn phòng, khách sạn, trung tâm thương mại, viễn thông, hàng không, ngân hàng, phân phối sản phẩm…
Để tạo điều kiện thuận lợi về mặt pháp lý cho hoạt động đầu tư ra nước ngoài, Nhà nước đã có quy định tại Luật Đầu tư năm 2005 và Nghị định số 78/2006/NĐ-CP ngày 9/8/2006 của Chính phủ quy định về đầu tư trực tiếp ra nước ngoài. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 236/2009/QĐ-TTG ngày 20/2/2009 phê duyệt Đề án thúc đẩy đầu tư ra nước ngoài.
Việc chuyển vốn và ngoại tệ ra nước ngoài để thực hiện dự án đầu tư phải theo quy trình, căn cứ theo tiến độ thực hiện dự án đã được phê duyệt trong quá trình cấp giấy chứng nhận.
Mặt khác, việc mang ngoại tệ ra nước ngoài cũng phải thực hiện theo quy chế quản lý ngoại hối nên nếu doanh nghiệp muốn chuyển ngoại tệ ra nước ngoài mà các ngân hàng thương mại không có ngoại tệ để đáp ứng thì doanh nghiệp cũng chưa thể mang vốn ra nước ngoài, cho dù dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư…Tuy nhiên, trong điều kiện dự trữ ngoại tệ của Việt Nam còn thấp và việc cân đối ngoại tệ của chúng ta còn khó khăn thì việc đầu tư ra nước ngoài chịu sức ép phải sớm có lợi nhuận chuyển về nước.
Sự tăng trưởng nhanh chóng của các hoạt động đầu tư ra nước ngoài thời gian gần đây là sự phát triển khách quan, phù hợp với sự phát triển kinh tế trong nước cũng như tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Tuy nhiên, cần phải có cơ chế quản lý chặt chẽ hơn từ khâu cấp phép, triển khai thực hiện đến khâu theo dõi, giám sát quá trình hoạt động của dự án để đảm bảo hiệu quả thiết thực.
Thanh Xuân