Doanh nghiệp vào trường 'săn' người tài

GD&TĐ - Dịp cuối năm, các doanh nghiệp tổ chức ngày hội việc làm, phỏng vấn tuyển dụng trực tiếp tại trường ĐH nhằm tìm kiếm những ứng viên trẻ, tài năng.

Đại diện doanh nghiệp phỏng vấn sinh viên tại ngày hội việc làm Bách khoa 2024. Ảnh: N. Quỳnh
Đại diện doanh nghiệp phỏng vấn sinh viên tại ngày hội việc làm Bách khoa 2024. Ảnh: N. Quỳnh

Phỏng vấn tuyển dụng tại chỗ

Tốt nghiệp cử nhân ngành công nghệ thực phẩm, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM), Lưu Nguyễn Thục Đoan muốn tìm việc đúng chuyên ngành sau khi ra trường. Cô tìm đến ngày hội việc làm Bách khoa 2024 (Bach khoa Career Fair) được tổ chức hồi cuối tháng 9, phỏng vấn xin việc tại Công ty Cổ phần Acecook Việt Nam ở vị trí kỹ sư thực phẩm.

“Hiện nay, em đang học thạc sĩ nên mục đích tham gia buổi phỏng vấn là tìm hiểu xem nhà tuyển dụng cần gì, để từ đó có chuẩn bị tốt hơn về sau”, Thục Đoan chia sẻ và mong muốn nếu trúng tuyển, mức lương nhận được là 10 - 15 triệu đồng/tháng.

Trong khi đó, Nguyễn Minh Anh - sinh viên năm cuối ngành kỹ thuật hóa học Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM) tỏ ra hồi hộp khi chuẩn bị hồ sơ phỏng vấn xin việc tại Công ty Ajinomoto Việt Nam với vị trí nhân viên hoạch định sản xuất. Mục tiêu của Minh Anh là được doanh nghiệp nhận xét về CV (hồ sơ ứng tuyển việc làm), đồng thời chia sẻ về những kiến thức cần có của công việc này.

“Em sẽ chú trọng đến việc học hỏi kinh nghiệm, chưa đặt nặng vấn đề lương thưởng nếu được nhận vào làm trong ngày hôm nay”, Minh Anh vui vẻ chia sẻ.

Học cùng trường với Thục Đoan và Minh Anh, Nguyễn Tiến Lợi (sinh viên năm 2 ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng) đến gian hàng của Unilever - doanh nghiệp mà nam sinh này dành nhiều sự quan tâm, nhất là đối với các vị trí tuyển dụng hấp dẫn về xuất nhập khẩu, quản lý chuỗi cung ứng.

Sau khi tham quan các gian hàng, Lợi đã nắm bắt được khá nhiều thông tin về việc làm để tìm kiếm hướng đi phù hợp cho mình trong vài năm tới. Ngoài ra, Lợi cùng nhiều sinh viên khác được hỗ trợ tư vấn kỹ năng viết CV đúng, đẹp, gây ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng và tham gia giao lưu với các doanh nghiệp...

Đây là 3 trong số 1.000 ứng viên là sinh viên đăng ký phỏng vấn trực tiếp với doanh nghiệp tại Bach khoa Career Fair. Đánh dấu cột mốc 15 năm tổ chức, Bach khoa Career Fair 2024 thu hút hơn 120 doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia cùng hàng nghìn sinh viên đăng ký phỏng vấn, tìm hiểu thông tin doanh nghiệp, học hỏi và trau dồi các kỹ năng cần thiết khi ứng tuyển...

Lựa chọn thời điểm tổ chức trước thềm lễ tốt nghiệp vào tháng 11/2024 của Trường Đại học Bách khoa, sự kiện trên nhằm nâng cao cơ hội tiếp cận, thấu hiểu và tìm thấy nhau giữa nhà tuyển dụng và lực lượng sinh viên năm ba, năm tư sắp ra trường.

PGS.TS Huỳnh Kỳ Phương Hạ, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa khẳng định, nhà trường luôn đề cao vai trò tham gia của nhà tuyển dụng vào quá trình định hướng đào tạo và tuyển dụng sinh viên nhằm đảm bảo hoạt động đào tạo kịp thời thích ứng với nhu cầu thực tế của thị trường.

“Nhà trường đã có sự đầu tư kỹ lưỡng cho ngày hội việc làm năm nay từ hơn 2 tháng trước với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ các đơn vị tài trợ. Ngày hội duy trì các hoạt động trọng tâm như phỏng vấn, tư vấn, triển lãm, hội thảo giao lưu doanh nghiệp…”, ông Hạ cho biết.

doanh-nghiep-vao-truong-san-nguoi-tai-1-696.jpg
Sinh viên tìm hiểu thông tin tuyển dụng tại ngày hội việc làm Bách khoa 2024. Ảnh: Lê Nam

Cơ hội học hỏi và phát triển bản thân

Các chương trình ngày hội việc làm được tổ chức tại các trường đại học được xem là môi trường để các đơn vị tuyển dụng tiếp cận với nguồn nhân lực trẻ, tạo mối quan hệ thông tin lâu dài giữa nhà trường với các đơn vị sử dụng lao động…

Đồng thời, các chương trình này còn giúp sinh viên định hướng nghề nghiệp và chuẩn bị tốt các kỹ năng, tạo điều kiện cho sinh viên được tiếp nhận thông tin cần thiết về cơ hội nghề nghiệp, tham gia dự tuyển vào các vị trí việc làm có yêu cầu phù hợp, tăng cường giá trị thực hành trong đào tạo, phát triển các kỹ năng thích ứng với nhiều ngành nghề…

Mới đây, Trường Đại học Sài Gòn cũng tổ chức ngày hội Hướng nghiệp và việc làm lần 3 năm 2024. Sự kiện thu hút hơn 3.000 sinh viên tham gia cùng 58 tổ chức và doanh nghiệp. Lê Thuận Thảo - sinh viên năm 2, ngành giáo dục tiểu học đến ngày hội với mục đích tìm kiếm các gian hàng doanh nghiệp giáo dục, có thể cho sinh viên năm 2, 3 thực tập bán thời gian.

“Em tham quan, khám phá những doanh nghiệp ở đây và vào phỏng vấn thử để trau dồi thêm kỹ năng của mình. Đến đây được tiếp xúc sớm với các anh chị đã đi làm, em cũng có thể hỏi thêm về kinh nghiệm cũng như định hướng bản thân mình rõ ràng hơn”, Thảo nói.

Các chuyên gia nhân sự cũng thẳng thắn góp ý, truyền kinh nghiệm cho sinh viên trong quá trình ứng tuyển. Là một trong những chuyên gia hỗ trợ sinh viên phỏng vấn thử tại Trường Đại học Sài Gòn, bà Trần Lệ Xuân, Phó Trưởng phòng Hành chính nhân sự, Công ty Cổ phần Thái Sơn cho hay, nhiều bạn trẻ hiện chưa định hướng được bản thân mình đang mong muốn được phát triển ở ngành nghề nào.

“Ở vị trí tuyển dụng, khi tôi phỏng vấn các bạn chưa có nhiều kinh nghiệm và kỹ năng nên tôi sẽ chú ý đến phong thái của các bạn, xem các bạn có tự tin không, các bạn tương tác vấn đề như thế nào, xem cách các bạn đối đáp với nhà tuyển dụng. Nếu các bạn có những điều đó, khi tiếp xúc với công việc, sẽ nhanh nhạy và tự tin hơn.

Đối với những bạn gây được ấn tượng tốt, chúng tôi sẽ lưu CV lại, nếu có những vị trí phù hợp thì liên hệ mời đi thực tập. Bằng cách làm này, công ty có thêm các ứng viên mới, vừa tạo một môi trường để sinh viên có cơ hội học hỏi kinh nghiệm, phát triển bản thân”, bà Thảo nói.

Bà Phan Trần Thục Quyên, Phó Giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (chi nhánh 3/2) cho biết, từ việc tổ chức ngày hội việc làm trong trường đại học, đơn vị muốn sinh viên có cơ hội tiếp cận các sản phẩm dịch vụ của ngân hàng, mở rộng kiến thức về lĩnh vực này.

“Chúng tôi muốn tạo điều kiện cho các bạn được thực hành các kiến thức đã học khi còn ngồi trên ghế nhà trường bằng việc thực tập sớm ở môi trường chuyên nghiệp. Từ đó trau dồi kỹ năng của mình cao hơn, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của công việc”, bà Quyên nói.

Hầu hết, các doanh nghiệp tham dự ngày hội việc làm tại Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM) đều là những đối tác thân tín của nhà trường, thường có các chương trình hợp tác nghiên cứu, chương trình thực tập, tài trợ học bổng như P&G, Pepsico, CC1, THACO, Unilever, Nestle…

Các doanh nghiệp dành nhiều sự ưu tiên tuyển dụng sinh viên Trường Đại học Bách khoa, đặc biệt ở các vị trí nhân viên, kỹ sư trong lĩnh vực công nghiệp, năng lượng, cơ - điện/điện tử - tự động hóa, khoa học máy tính, giao thông và hạ tầng kỹ thuật…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ