Doanh nghiệp vẫn khát… vốn

GD&TĐ - Thiếu vốn hoạt động, sản xuất kinh doanh bấy lâu nay vẫn là bài toán chưa có lời giải đối với các doanh nghiệp (DN), đặc biệt là DN vừa và nhỏ ở nước ta. Thời gian gần đây, tuy Chính phủ và các ngân hàng đã có nhiều chính sách, cũng như các gói tín dụng ưu đãi, nhưng việc DN tiếp cận được nguồn vốn vẫn gặp rất nhiều khó khăn…  

Hiện chỉ có khoảng 20 - 30% DN vừa và nhỏ tiếp cận được với nguồn vốn ngân hàng
Hiện chỉ có khoảng 20 - 30% DN vừa và nhỏ tiếp cận được với nguồn vốn ngân hàng

Loay hoay tiếp cận vốn

Hiện, Việt Nam có trên 10.000 doanh nghiệp lớn, chiếm 1,9%; DN siêu nhỏ, chiếm 74%; DN vừa và nhỏ, chiếm 24,1% trong tổng số các DN - nhưng có đến 60% DN không thể tiếp cận được với nguồn vốn tín dụng. Thực tế, chính việc khó tiếp cậnnguồn vốn tín dụng đã làm kìm hãm sự phát triển của các DN, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ.

Ông Nguyễn Văn Hạnh – Giám đốc Công ty TNHH đầu tư – Thương mại K&K (khu đô thị Văn Phú, Hà Đông, Hà Nội) cho biết, công ty ông đã hoạt động cách đây hơn 10 năm, hiện đầu tư vào chuỗi hệ thống siêu thị và một số cửa hàng bán lẻ khác nên nguồn vốn luôn tồn đọng. Thiếu vốn xoay vòng nên DN buộc phải tìm đến ngân hàng, cũng như các tổ chức tín dụng khác, song vẫn rất khó để tiếp cận được với nguồn vốn do những thủ tục như: Tài sản đảm bảo, tài sản thế chấp… từ phía các ngân hàng, các tổ chức tín dụng đưa ra.

“Công ty chúng tôi đã hoạt động nhiều năm và đang kinh doanh khá tốt với lượng khách hàng đều đặn, cùng những khoản lãi hàng tháng rất ổn định. Tuy nhiên, công ty vẫn không thể mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh thêm vì thiếu vốn do không có tài sản đảm bảo (như bất động sản, tài sản tích lũy…) theo đúng thủ tục quy định của các ngân hàng đưa ra” – ông Hạnh cho biết.

Nói về nguyên nhân DN vẫn khó tiếp cận với nguồn vốn, nhiều tổ chức tín dụng, cũng như ngân hàng cho rằng, mặc dù biết các DN làm ăn có lãi, có nhiều bạn hàng, nhưng điều kiện cần và đủ để vay được vốn chính là họ chưa có tài sản tích lũy, tài sản đảm bảo. Đặc biệt là khối các DN vừa và nhỏ họ thường không có hệ thống quản lý tài chính, cũng như dòng tiền không rõ ràng. Thậm chí có không ít DN còn lập 2 sổ sách kế toán nhằm giảm mức thuế phải đóng… cũng khiến các ngân hàng gặp rất nhiều khó khăn khi áp dụng quy trình cho vay.

“Nút thắt” cần gỡ

Thời gian qua, nhiều ngân hàng đã đưa ra những gói tín dụng ưu đãi cùng thủ tục đơn giản. Tuy nhiên với nhiều lý do khác nhau nên nhiều DN vẫn không thể tiếp cận được với nguồn vốn. Cũng chính bởi không tiếp cận được với nguồn vốn ngân hàng nên không ít DN đã phải tìm đến tín dụng đen để có vốn đầu tư sản xuất kinh doanh. Đây chính là “nút thắt” cản trở sức bật của các DN vừa và nhỏ phát triển.

Lý giải về vấn đề DN “khát” vốn, ông Nguyễn Xuân Tuynh – Giám đốc khối kinh doanh, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) cho rằng, khó khăn thường thấy của DN nhỏ và vừa mỗi khi đi vay vốn vẫn là vấn đề tài sản đảm bảo nên các ngân hàng rất ngại cho vay. “Không ít DN thuyết trình về ý tưởng công nghệ mới rất ấn tượng, nhưng họ lại chưa có sản phẩm thực tế nên không có tài sản đảm bảo vay bốn theo đúng quy định. Bởi vậy, để DN tiếp cận được với nguồn vốn Nhà nước cần có chính sách cụ thể về vấn đề công nghệ mới (như đầu tư mạo hiểm, chấp nhận rủi ro), khi đó mới tạo điều kiện cho cả ngân hàng và DN có điều kiện tiếp cận nguồn vốn” – ông Tuynh cho biết.

Về phía DN, ông Hạnh cho rằng, để gỡ “nút thắt” về tiếp cận nguồn đối với DN, trước tiên các ngân hàng cần phải nới lỏng chính sách, pháp lý, đồng thời đưa ra những phương thức cho vay mới, những gói vay với lãi suất ưu đãi, đặc biệt là linh hoạt trong vấn đề tài sản đảm bảo… nhằm tạo điều kiện và khuyến khích các DN đổi mới công nghệ, mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ