(GD&TĐ) - Sáng nay 28/3 Trường Cao đẳng Cộng đồng Hà Nội và đông đảo các doanh nghiệp đã cùng ngồi với nhau để bàn thảo về công tác đào tạo gắn với nhu cầu xã hội, nhu cầu doanh nghiệp và việc đưa doanh nghiệp tham gia cùng đào tạo với nhà trường. Nhiều tham luận đã cho thấy sự cần thiết để khắc phục những hạn chế trong đào tạo hiện nay là trường thì đào tạo cái mình có, trong khi doanh nghiệp lại có những yêu cầu khác. Thế nên cùng ngồi lại với nhau để chung tiếng nói – đào tạo gắn nhiều hơn với thực tế là điều cần thiết.
Các doanh nghiệp và nhà trường tại cuộc Hội thảo |
Minh chứng cụ thể trong việc đào tạo nhân lực cho ngành xây dựng, TS. Hoàng Ngọc Trí – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công đồng Hà Nội đã đưa ra vấn đề đó là Mối quan hệ giữa đào tạo kỹ thuật viên và vấn đề sử dụng của các doanh nghiệp là nguyên lý giáo dục cơ bản trong đào tạo chuyên nghiệp. Theo ông, tầm quan trọng của mói quan hệ này thể hiện qua quan hệ giữa cung và cầu, giữa đào tạo và sử dụng, sự đóng góp và hợp tác của sản xuất đối với đào tạo và tác động của mối quan hệ này với việc nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo.
Đại diện cho tiếng nói của các doanh nghiệp, Công ty TNHH đầu tư thiết bị Thăng Long đã đưa ra quan điểm, theo đó: Cần đổi mới triệt để trong đào tạo ở các nhà trường. Cụ thể: Nghiên cứu nội dung môn học, giáo trình, bài giảng đi sát với nội dung ngoài thực tế để sinh viên sau khi ra trường bắt nhịp được với nội dung công việc. Để làm việc này cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, sinh viên và người sử dụng lao động. Từ đó mới giúp sinh viên có cơ hội tiếp cận, cọ sát với thực tế để phát triển kỹ năng nghề nghiệp của mình.
Lao động cho các ngành khoa học, kỹ thuật đang ngày một giảm |
Đại diện cho Công ty iMap, ông Nguyễn Hoàng Nam – Trưởng phòng nhân sự cho rằng: Vẫn còn có sự chủ quan, thờ ơ, thiếu định hướng, bị động trong việc trang bị những kiến thức, kỹ năng cần thiết cho công việc tương lại của mình trong không ít sinh viên. Ngoài ra cũng đang tồn tại một khoảng cách khá lớn giữa các đơn vị đào tạp mà cụ thể là các trường ĐH, CĐ và các đơn vị sử dụng lao động. Theo ông Nam, sinh viên tốt nghiệp về làm việc ở iMap cần từ 8 – 10 tháng để quen việc. Khắc phục tình trạng này, iMap đã chủ động tham gia cùng nhà trường vào quá trình đào tạo.
Còn ông Nguyễn Văn Phụ đại diện cho Công ty Đầu tư xây dựng – XNK Cảnh Viên lại đưa ra trực trạng về mối quan hệ giữa nhà trường với các trường ĐH, CĐ (nghề) với doanh nghiệp, trên cơ sở đó ông cho rằng: Yêu cầu cấp bách hiện nay là phải đẩy mạnh sự hợp tác giữa các cơ sở đào tạo và các doanh nghiệp. Mô hình hợp tác này đã và đang được các nước phát triển áp dụng thành công, nhưng ở nước ta nó mới chỉ ở giai đoạn định hướng. Không ít doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm hợp tác với cơ sở dạy nghề. Chưa kể tâm lý e dè, sợ bị tiết lộ thông tin ra ngoài, đã làm nhiều doanh nghiệp không muốn tiếp nhận giáo viên và sinh viên của các trường đến thực tập.
Để khắc phục tình trạng này, ông Lê Văn Hậu – Công ty Xây dựng số 3 đã đưa ra giải pháp: Các cơ sở đào tạo cần có cơ chế để các chủ doanh nghiệp được tham gia vào quá trình biên soạn chương trình đào tạo; Thường xuyên điều chỉnh chương trình đào tạo cho phù hợp với thực tế sản xuất; Tạo cơ chế để những cựu sinh viên đang làm việc tại doanh nghiệp chia sẻ thông tin, kinh nghiệm giúp cho việc đào tạo; Tăng cường cho sinh viên tiếp cận doanh nghiệp thông qua các hoạt động thực tập, thực tế; Cơ sở đào tạo nên chủ động liên hệ với doanh nghiệp trong việc liên hệ ký kết hợp đồng đào tạo và sử dụng nguồn lao động do mình đào tạo ra; Về phía doanh nghiệp cũng nên tham gia kiểm định chất lượng đào tạo cùng với nhà trường.
Yên Thúy