Đặc biệt, lĩnh vực đầu tư được đưa vào trong một chương của Hiệp định với những điều khoản về đối xử giữa doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và doanh nghiệp nội địa. Điều này sẽ có những tác động không nhỏ tới doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam hiện nay.
Lép vế
Theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc, doanh nghiệp tư nhân chiếm tỷ lệ chủ yếu trong số hơn 400.000 doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam, có đến 75% là doanh nghiệp tư nhân. Mặc dù chiếm số lượng lớn, doanh nghiệp tư nhân chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ và đang chịu lép vế so với các doanh nghiệp FDI. Số lượng lao động tại mỗi doanh nghiệp này chỉ đạt khoảng 14,4 lao động, thấp hơn nhiều so với con số gần 300 lao động tại mỗi doanh nghiệp FDI.
Một số tiêu chí khác về quy mô vốn và doanh thu cũng đều cho thấy rằng doanh nghiệp FDI đang áp đảo các doanh nghiệp tư nhân trong nước. Về nguồn lực, nguồn vốn tư bản trung bình của một doanh nghiệp FDI đạt trên 300 tỷ đồng. Trong khi đó, mức vốn trung bình của toàn bộ doanh nghiệp tại Việt Nam đạt xấp xỉ 50 tỷ đồng còn doanh nghiệp tư nhân chỉ đạt 11,9 tỷ đồng. Thực tế cũng cho thấy rằng những doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả tập trung chủ yếu ở nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ với quy mô vốn thấp. Báo cáo tình hình kinh tế xã hội (năm 2014) của Tổng cục Thống kê cho biết có tới 67.823 doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải giải thể hoặc đăng ký tạm ngừng hoạt động. Phần lớn trong số này là những doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng. Tuy nhiên, điều này cũng tạo điều kiện sàng lọc những doanh nghiệp kém hiệu quả bằng những doanh nghiệp chất lượng cao hơn, từ đó mở rộng quy mô vốn đầu tư.
Tương tự, tài sản cố định và vốn đầu tư dài hạn của khối doanh nghiệp FDI cao gấp hơn 30 lần so với khối doanh nghiệp tư nhân, đạt 138,8 tỷ đồng/doanh nghiệp. Trong khi tài sản cố định trung bình toàn bộ doanh nghiệp chỉ đạt xấp xỉ trên 20 tỷ đồng. Trên khía cạnh hoạt động, doanh thu thuần của các doanh nghiệp FDI cũng đạt mức cao hơn nhiều so với doanh nghiệp nội địa, trong đó có khu vực doanh nghiệp tư nhân. Những thực tế trên cho thấy, các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là khối doanh nghiệp tư nhân, đang phải bước vào cuộc chơi TPP với một thế yếu hơn rất nhiều so với các doanh nghiệp FDI, cũng như doanh nghiệp đến từ các nước TPP khác hay các nước ngoài TPP.
Cơ hội và thách thức
Theo ông Nguyễn Thanh Tùng - Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, mục A chương 9 của bản Toàn văn Hiệp định TPP quy định rõ quy tắc đối xử bình đẳng giữa nhà đầu tư nước ngoài từ các nước TPP và nhà đầu tư nội địa là như nhau. Đồng thời, các ưu đãi đối với nhà đầu tư đến từ các nước TPP không được kém hơn so với ưu đãi dành cho nhà đầu tư đến từ các nước TPP khác hay các nước ngoài TPP.
Ngoài ra, TPP cũng đưa ra những quy định loại bỏ các ràng buộc liên quan tới tự do hoạt động của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài như yêu cầu về hàm lượng nội địa; lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp. Như vậy, sau khi TPP được thực thi, các doanh nghiệp FDI về cơ bản sẽ được hoạt động và đối xử tương tự doanh nghiệp nội địa. Với những thoả thuận đã được công bố, TPP sẽ mang lại làn sóng đầu tư mạnh mẽ vào Việt Nam trong thời gian tới, doanh nghiệp tư nhân trong nước sẽ càng trở nên bất lợi hơn trong cuộc cạnh tranh về quy mô so với khối doanh nghiệp FDI.
“Rõ ràng, cơ hội từ TPP rất lớn nhưng theo đó là những thách thức không hề nhỏ. Do đó doanh nghiệp nội địa phải chủ động để đón đầu các cơ hội cũng như vượt qua những thách thức này. Bởi với những thoả thuận đã được công bố, TPP thực sự sẽ mang lại làn sóng đầu tư mạnh mẽ vào Việt Nam trong thời gian tới, doanh nghiệp tư nhân trong nước sẽ càng trở nên bất lợi hơn trong cuộc cạnh tranh về quy mô so với khối doanh nghiệp FDI. Tuy nhiên, với những gì diễn ra trong thời gian qua, khi mà đang có sự tự sàng lọc các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, doanh nghiệp tư nhân vẫn còn có những cơ hội để mở rộng quy mô vốn và phát triển” - ông Tùng nhận định.
Xuân Huy