Doanh nghiệp Trung Quốc khoe công nghệ nhân bản người

Tổng giám đốc của một tập đoàn tại Trung Quốc tuyên bố nhà máy nhân bản lớn nhất thế giới của ông sở hữu công nghệ đủ tiên tiến để có thể tạo ra con người.

Doanh nghiệp Trung Quốc khoe công nghệ nhân bản người
Doanh nghiệp Trung Quốc khoe công nghệ nhân bản người
Tập đoàn Boyalife ở Trung Quốc hy vọng họ sẽ sản xuất một triệu con bò bằng kỹ thuật nhân bản vô tính vào năm 2020. Ảnh: AFP

Tập đoàn nhân bản động vật Boyalife và các đối tác đang xây dựng một nhà máy khổng lồ tại khu vực Thiên Tân, Trung Quốc. Theo AFP, nhà máy sẽ hoạt động trong vòng 7 tháng tới và mục tiêu là sản xuất một triệu con bò bằng kỹ thuật nhân bản vô tính vào năm 2020.

Người điều hành tập đoàn, ông Xu Xiao Chun, cho hay, bò chỉ là bước khởi đầu. Nhà máy cũng sản xuất ngựa đua thuần chủng, vật nuôi và chó cảnh sát.

Boyalife đang hợp tác với tập đoàn Sooam của Hàn Quốc và Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc nhằm cải thiện khả năng nhân bản vô tính loài linh trưởng. Họ muốn tạo ra nguồn động vật thí nghiệm để cung cấp cho các hoạt động nghiên cứu.

Từ khỉ sang người chỉ là một bước ngắn về mặt sinh học. Tuy nhiên, nhân bản con người sẽ dẫn tới một loạt các tranh cãi về luân lý và đạo đức.

“Công nghệ ở đây đã sẵn sàng. Nếu chính phủ cho phép nhân bản người, tôi nghĩ rằng không công ty nào có thể làm việc đó tốt hơn Boyalife”, Xu nói.

Doanh nhân 44 tuổi cho biết, công ty hiện tại không nhân bản con người. Tuy nhiên, giá trị xã hội có thể thay đổi. Khi xã hội chấp nhận hôn nhân đồng giới, con người có thể có nhiều lựa chọn hơn về cách thức sinh sản.

“Thật không may, hiện tại, cách duy nhất để có con vẫn là một nửa từ cha và nửa khác từ mẹ. Trong tương lai, bạn có thể có 3 lựa chọn: 50-50 như truyền thống, 100% từ cha hoặc 100% từ mẹ”, Xu cho hay.

Nhân bản vô tính chó

Doanh nghiệp Trung Quốc khoe công nghệ nhân bản người
Sooam, đối tác của Boyalife, cung cấp dịch vụ "tái tạo" thú cưng đã chết với giá 100.000 USD/lần. Ảnh: AFP

Coi nhân bản là một cách bảo vệ đa dạng sinh học, cơ sở gene ở Thiên Tân sẽ lưu giữ khoảng 5 triệu mẫu tế bào đông lạnh trong nitơ lỏng, bao gồm gene của các loài có nguy cơ tuyệt chủng.

Sooam, đối tác Hàn Quốc của Boyalife, đang thực hiện một dự án tái tạo voi ma mút bằng cách nhân bản tế bào mà các nhà khoa học khai quật trong lớp băng vĩnh cửu ở vùng Siberia của Nga. Họ cũng cung cấp dịch vụ “tái tạo” thú cưng đã chết của khách hàng với mức giá 100.000 USD/lần.

Hwang Woo Suk là người sáng lập tập đoàn Sooam. Người ta từng in ảnh của ông lên tem bưu chính trước khi ông dính líu vào một cuộc tranh cãi cách đây một thập kỷ. Hwang đã tạo ra Snuppy, con chó nhân bản đầu tiên trên thế giới, vào năm 2005. Tuy nhiên, sau đó trường đại học sa thải ông, đồng thời cáo buộc ông vi phạm luật đạo đức sinh học và biển thủ quỹ nghiên cứu.

Hồi đầu năm nay, báo Dong-A Ilbo của Hàn Quốc trích lời Hwang nói rằng, công ty của ông liên doanh với Trung Quốc vì "luật đạo đức sinh học của Hàn Quốc cấm dùng phôi người”.

"Chúng tôi quyết định đặt cơ sở tại Trung Quốc vì chúng tôi đã bước vào giai đoạn ứng dụng công nghệ lên cơ thể người", Hwang nói.

Thí nghiệm kỳ lạ

Doanh nghiệp Trung Quốc khoe công nghệ nhân bản người
Việc nhân bản bò sẽ đáp ứng nhu cầu của tầng lớp trung lưu Trung Quốc. Ảnh: AFP

Hiện tại, Xu đang hướng tới mục tiêu trở thành nhà cung cấp thịt bò “nhân bản” đầu tiên trên thế giới. Ông tiết lộ, mùi vị của chúng sẽ giống thịt bò Kobe, đáp ứng nhu cầu của tầng lớp trung lưu đang bùng nổ ở Trung Quốc.

“Tất cả mọi thứ trong siêu thị nhìn rất đẹp mắt. Chúng sáng bóng, đẹp đẽ và đồng bộ. Đối với động vật, chúng ta đã không thể làm điều đó trong quá khứ. Tuy nhiên, với nhà máy nhân bản của chúng tôi, điều kỳ diệu sẽ xảy ra. Hãy nhớ rằng nó là một loại thực phẩm. Chúng tôi muốn nó đồng bộ, phù hợp và có chất lượng cao”, Xu nói.

Một số tranh cãi đã nổ ra xung quanh vấn đề liệu thịt bò nhân bản vô tính an toàn đối với người tiêu dùng hay không. Chính phủ Mỹ đồng tình với kỹ thuật của Boyalife. Tuy nhiên, châu Âu lại phản đối. Họ cấm nhân bản vô tính động vật và các sản phẩm trong chuỗi thức ăn. Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp Quốc vẫn chưa lên tiếng về vấn đề này.

Han Lan Zhi, một chuyên gia của Học viện Khoa học Nông nghiệp Trung Quốc, cho hay, Boyalife đưa ra tuyên bố vô lý về an toàn, phạm vi và lộ trình hoạt động.

“Quá trình để có sự chấp thuận cho an toàn của động vật nhân bản là một quá trình rất dài. Vì vậy, khi nghe tin, tôi cảm thấy vô cùng ngạc nhiên. Chúng ta phải có những quy định nghiêm ngặt bởi khi một công ty theo đuổi lợi ích riêng, họ có thể dễ dàng làm những việc khác trong tương lai”, Han nói.

Nhằm trấn an dư luận, Xu cho biết: “Chúng tôi muốn công chúng thấy rằng nhân bản không phải là hành động điên rồ. Các nhà khoa học không phải là người kỳ quặc. Họ không mặc áo khoác trong phòng thí nghiệm, đứng sau một cánh cửa đóng kín và tiến hành những thí nghiệm kỳ dị”.

Theo news.zing

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Từ trang sách: Tấm vé vô giá

GD&TĐ - Có thể với một số người, tuổi thơ là nơi chứa đựng vô số kỉ niệm tưởng là đáng quên nhưng khi trưởng thành lại luôn nhớ nhung khôn nguôi...

Tí tách ngô rang

Tí tách ngô rang

GD&TĐ - Cứ khi trời lành lạnh, thêm chút mưa phùn là mẹ lại nhắc nhớ chuyện đốt bếp rang ngô.