Doanh nghiệp tái gia nhập thị trường tăng mạnh

GD&TĐ -Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, trong tháng 8/2022, số DN đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động tiếp tục ghi nhận những cột mốc mới.

Thiếu hụt lao động đang là khó khăn mà các doanh nghiệp tái gia nhập thị trường phải đối mặt.
Thiếu hụt lao động đang là khó khăn mà các doanh nghiệp tái gia nhập thị trường phải đối mặt.

Với những nỗ lực của Chính phủ trong việc ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và sự phục hồi của nền kinh tế hiện nay, trong tháng 8/2022, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động tiếp tục ghi nhận những cột mốc mới.

Tín hiệu đáng mừng

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, tháng 8/2022, cả nước đã có 149,5 nghìn doanh nghiệp - tăng 31,1% so với cùng kỳ năm 2021. Đây có thể được xem là mức cao nhất trong giai đoạn 8 tháng đầu năm từ trước đến nay.

Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 8 tháng đầu năm 2022 cũng tăng 36,1% so với cùng kỳ năm 2021 (3,638 triệu tỷ đồng); trong đó, vốn đăng ký của doanh nghiệp mới thành lập tăng 0,3% so với cùng kỳ (1,136 triệu tỷ đồng) và vốn đăng ký tăng thêm tăng 62,6% so với cùng kỳ (2,502 triệu tỷ đồng).

Bên cạnh đó, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động cũng đạt mức 48,1 nghìn doanh nghiệp - tăng 48,3%. Cụ thể, số doanh nghiệp hoạt động trở lại đã tăng mạnh ở tất cả 17 lĩnh vực, đặc biệt phải kể đến những lĩnh vực đã từng phải chịu nhiều tác động bởi ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 trong thời gian qua như: Sản xuất phân phối, điện, nước, gas (748 doanh nghiệp - tăng 192,2%); Giáo dục và Đào tạo (1.201 doanh nghiệp - tăng 68,7%); Kinh doanh Bất động sản (1,684 nghìn doanh nghiệp - tăng 61,3%); Bán buôn; Bán lẻ; Sửa chữa ô tô, xe máy (18.063 doanh nghiệp - tăng 58,3%); Dịch vụ lưu trú và ăn uống (2,765 nghìn doanh nghiệp - tăng 51,0%) và Dịch vụ việc làm, du lịch, cho thuê máy móc, thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác (2,701 nghìn doanh nghiệp - tăng 48,6%).

Cũng theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tình hình đăng ký kinh doanh trong 8 tháng đầu năm 2022 có nhiều khởi sắc; với số doanh nghiệp thành lập mới là hơn 101 nghìn doanh nghiệp - tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, tổng số vốn đăng ký là hơn 3,638 triệu tỷ đồng - tăng 36,1% so với cùng kỳ năm 2021; vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp là 11,2 tỷ đồng - giảm 19,3% so với cùng kỳ năm 2021.

Quy mô doanh nghiệp thành lập mới là 90,809 nghìn doanh nghiệp từ 0 - 10 tỷ đồng - chiếm 89,6% và tăng 26,8%. Tổng số lao động được các doanh nghiệp đăng ký là gần 696 nghìn lao động - tăng 16,2% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong tháng 8/2022, các địa phương ghi nhận số doanh nghiệp thành lập mới tăng cao nhất vùng Đông Nam Bộ (5,02 nghìn doanh nghiệp - tăng 397,3%) và vùng Đồng bằng sông Cửu Long (878 doanh nghiệp - tăng 300,9%). Đây vốn là các vùng mà đã từng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ dịch bệnh Covid-19 trong cùng kỳ năm 2021.

Các ngành có sự trở lại nổi trội nhất đó là: Dịch vụ lưu trú và ăn uống (tăng 51,7%), Hoạt động dịch vụ khác (tăng 50,8%), Dịch vụ việc làm, du lịch, cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác (tăng 43,6%), Nghệ thuật, vui chơi và giải trí (tăng 37,0%)...

Cụ thể, doanh nghiệp thành lập mới của ngành dịch vụ là hơn 74,6 nghìn doanh nghiệp - chiếm 73,7% tổng số doanh nghiệp thành lập mới và tăng 28,6% so với cùng kỳ năm 2021. Tiếp theo là nhóm ngành công nghiệp và xây dựng với hơn 25,2 nghìn doanh nghiệp gia nhập thị trường - chiếm 24,9% tổng số doanh nghiệp thành lập mới và tăng 14,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhóm ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản ghi nhận 1.388 doanh nghiệp thành lập mới, không thay đổi so với cùng kỳ năm 2021.

Vẫn lo thiếu hụt lao động

Dù đây là những tín hiệu rất đáng mừng, cho thấy các chính sách của Chính phủ trong thời gian qua đã phát huy hiệu quả cao và tạo niềm tin cũng như nhiều cơ hội cho cộng đồng doanh nghiệp phục hồi, phát triển.

Tuy nhiên, có một tình trạng chung mà các doanh nghiệp quay trở lại hoạt động sau thời gian dài tạm ngừng hiện đang phải đối mặt, đó là những khó khăn trong việc tuyển dụng nhân lực phục vụ cho sản xuất. Cụ thể, để giữ chân và thu hút người lao động quay trở lại làm việc, nhiều doanh nghiệp đã phải có các phương án về hỗ trợ nhà ở, bố trí công việc cũng như thay đổi về lương thưởng và chế độ đãi ngộ.

Nhằm khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động tại các doanh nghiệp, và cũng để tạo điều kiện cho người lao động ngoại tỉnh yên tâm làm việc, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội; cũng như triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình. Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 28/3/2022, quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động…

Nhờ có sự vào cuộc kịp thời của Chính phủ, các ban, ngành, đoàn thể khác trong việc chăm lo đời sống của người lao động đã góp phần đẩy mạnh kết nối thông tin cung – cầu giữa người lao động và doanh nghiệp, hỗ trợ các doanh nghiệp kịp thời tuyển dụng, bố trí và sử dụng nguồn lao động hợp lý.

Việc chăm lo cho người lao động cũng là vấn đề được chính quyền tại các địa phương hết sức quan tâm, nhất là tại các địa phương có tập trung nhiều khu công nghiệp lớn. Nhằm tạo điều kiện và hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tìm kiếm nguồn lao động phục vụ sản xuất – kinh doanh; các sở, ban, ngành tại địa phương đã rất chú trọng tăng cường kết nối cung cầu lao động; kịp thời cung cấp các thông tin về thị trường lao động để hỗ trợ, tư vấn giới thiệu việc làm cho người lao động.

Chính quyền địa phương cũng rất sát sao trong việc thường xuyên thông báo nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp đến với người lao động, tổ chức rà soát, nắm bắt trình độ, tay nghề của người lao động để thông báo, cung cấp cho các doanh nghiệp trên địa bàn có nhu cầu tuyển dụng; tạo điều kiện cho người lao động tiếp cận thông tin thị trường lao động để lựa chọn việc làm phù hợp.

Với những thuận lợi kể trên, cùng với đó là việc ban hành các chính sách đãi ngộ tốt cho người lao động, cũng như thường xuyên đồng hành cùng với chính quyền địa phương trong việc chăm lo cho đời sống, nâng cao thu nhập cho người lao động… các doanh nghiệp sẽ sớm thu hút đủ nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh, nối lại chuỗi sản xuất trong trạng thái bình thường mới, và xây dựng kinh tế – xã hội ngày càng phát triển bền vững.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ