Doanh nghiệp startup làm gì để vượt qua chông gai?

GD&TĐ - Các chuyên gia đến từ lĩnh vực kinh tế, khởi nghiệp, pháp lý cùng chia sẻ những góc nhìn khác nhau về cách thức mà một doanh nghiệp startup vượt qua “nỗi đau”, cũng như quan điểm nên chấp nhận hay né tránh thất bại khi khởi nghiệp.

Startup luôn cần nguồn vốn để phát triển
Startup luôn cần nguồn vốn để phát triển

Con đường khởi nghiệp gặp nhiều chông gai

Chị Phạm Lan Khanh, Tổng giám đốc FreelancerViet, là CEO từng 100 lần bị từ chối gọi vốn, nhận định rằng, vấn đề trước mắt mà các startup Việt Nam gặp phải là không có tiền và không tìm thấy nhà đầu tư mạo hiểm. “Mang danh là nhà đầu tư mạo hiểm, chứ thực sự các quỹ đầu tư đều rất an toàn. Họ luôn quan sát và đánh giá kỹ lưỡng tiềm năng thị trường cũng như sức khỏe của một startup trước khi quyết định bỏ vốn ra. Ở Việt Nam, rất thiếu những nhà đầu tư thiên thần sẵn sàng bỏ vốn thông qua việc xem xét, đánh giá một sản phẩm khởi nghiệp bằng kinh nghiệm, cảm tính”, chị Khanh chia sẻ.

Trong thực tế, hoạt động marketing ồ ạt có thể dễ dàng giết chết doanh nghiệp khởi nghiệp nếu như họ không chứng minh được tính ưu việt của sản phẩm trên thị trường. Ngoài cách thức đốt tiền như các “ông lớn” Grab, GoViet, theo chuyên gia kinh tế Bùi Quang Tín, hoạt động marketing của startup chỉ cần thực hiện một cách đơn giản là duy trì các buổi chia sẻ thông tin với cộng đồng, doanh nghiệp, báo chí. Đó là con đường nhanh nhất để tiếp cận khách hàng.

Anh Lâm Hữu Khánh Phương, nhà sáng lập vườn ươm khởi nghiệp Uni Incubator, lại đem đến một góc nhìn khác về vấn đề nhân sự. Các startup đang rất đau đầu khi giải bài toán “giữ người”. Có một nghịch lý là sinh viên mới ra trường, thiếu kinh nghiệm, kiến thức và cần việc làm, bên cạnh đó, doanh nghiệp startup tài chính ít, tổ chức chưa được củng cố, không thể chi trả mức lương quá cao và cần đào tạo lại những nhân sự “như tờ giấy trắng”. Sau khi tốn công sức và thời gian đào tạo, nhân sự này nói lời chào tạm biệt để đi tìm bến đỗ tốt hơn.

SharkTank là một trong các chương trình hiếm hoi để kết nối startup với nhà đầu tư
SharkTank là một trong các chương trình hiếm hoi để kết nối startup với nhà đầu tư 

Việc cần làm ngay

Chị Phạm Lan Khanh khẳng định những trục trặc hệ thống của các startup có nguyên nhân từ việc không quan tâm đến xây dựng văn hóa doanh nghiệp ngay từ khi quy mô còn nhỏ. “Lúc doanh nghiệp đã trưởng thành, việc xây dựng lại văn hóa rất khó, cho dù có bổ sung thêm bao nhiêu nhân viên mới cũng không thay đổi được. Bản thân người làm chủ phải tạo động lực ngay từ ban đầu”, chị Khanh nói.

Đi sâu vào bài toán quản trị, các chuyên gia khuyến cáo những người đang gầy dựng startup phải ngồi vạch ra chiến lược, chứ không nên mải miết chạy theo sự vụ kinh doanh. Xây dựng ngay hệ thống quản trị tri thức, chuyển dữ liệu công ty vào nơi có thể kiểm soát, làm cho ai cũng có thể tiếp cận và khai thác dữ liệu nội bộ nhưng dữ liệu này không phụ thuộc vào bất kỳ ai. Theo chuyên gia kinh tế Bùi Quang Tín, các startup mãi lo khởi nghiệp và quên mất nhiều vấn đề pháp lý quan trọng như lựa chọn hình thức công ty, nguyên tắc góp vốn, sở hữu trí tuệ…

Một “ca” điển hình về rắc rối liên quan đến sở hữu trí tuệ mà ông Tín chia sẻ là trường hợp của cà phê Trung Nguyên. “Trung Nguyên từng đăng ký sở hữu trí tuệ nhãn hiệu cà phê chồn ở Việt Nam. Trong quá trình tìm kiếm đối tác phân phối cà phê trên đất Mỹ, doanh nghiệp startup này quên rằng việc đăng ký sở hữu trí tuệ chỉ có giá trị ở Việt Nam chứ không được công nhận ở Mỹ. Kết quả là Trung Nguyên vướng vào vụ kiện thương mại liên quan đến sở hữu trí tuệ với đối tác, phải mất 150.000 USD mới lấy lại nhãn hiệu về”, TS Bùi Quang Tín kể.

Chị Phạm Lan Khanh đặt vấn đề rằng, nếu xác định startup, ai cũng cần tìm kiếm một nhà đầu tư, vậy nhà đầu tư chọn dự án dựa trên điều gì? Không hẳn vì ý tưởng sản phẩm hay, có thể mang nhiều tiền cho họ. Nhiều người xuống tiền là vì thấy được đam mê, nhiệt huyết ở các nhà sáng lập - tiền đề tạo nên thành công cho startup. Vì thế, bạn phải luôn có một bản giới thiệu về dự án trong tay hoặc bất cứ lúc nào cũng có thể nói ra được tất cả mọi thứ về startup của mình. Đó là lý do vì sao có khái niệm “kêu gọi đầu tư trong thang máy”, chỉ trong một phút bạn phải làm sao thuyết phục được nhà đầu tư và khiến họ tiếp tục nói chuyện với mình khi bước ra khỏi thang máy.

 

Chấp nhận hay né tránh thất bại?

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng khuyến cáo người làm startup nên nhìn nhận thực tế là tỉ lệ thành công trên 5 năm của doanh nghiệp startup là rất thấp, dưới 1%. Bởi vậy, các startup đừng quá mù quáng nghe theo lời khuyên “hãy thất bại đi”. Mỗi lần thất bại là rất đau đớn và thất bại nhiều lần sẽ lãng phí tuổi trẻ. “Trừ một vài trường hợp cá biệt như Bill Gates nghỉ học ĐH và khởi nghiệp thành công, còn lại những tấm gương thành công khác đều trải qua sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng. Không nên mất thời gian đi tin vào những câu chuyện thất bại. Trước khi muốn kiếm tiền phải hiểu rõ về mô hình doanh nghiệp, phải nghiên cứu kỹ pháp luật”, ông Dũng nói.

Chị Phạm Lan Khanh bày tỏ quan điểm ngược lại khi xem chuyện thất bại là rất bình thường. Trong khởi nghiệp, có một thuật ngữ là fail-fast, nghĩa là thất bại nhanh đi. Sự thất bại vốn dĩ không thể tránh khỏi, kể cả các mô hình đang thành công như Tiki, Shopee, Lazada. Thực tế, 100% doanh nghiệp khởi nghiệp thì có đến 90 - 95% thất bại. Đừng nói là không nên học theo sự thất bại mà muốn học cũng không được vì thất bại khởi nghiệp là con đường riêng của mỗi cá nhân, không ai có thể dạy ai bài học thất bại. “Tôi đã chứng kiến nhiều founder (nhà sáng lập) từng startup đến lần thứ năm mới thành công. Tất nhiên, không có ai làm bất kỳ chuyện gì để mong muốn thất bại. Tôi không khuyến khích thất bại nhưng cũng không khuyến khích nỗi sợ hãi sự thất bại”, chị Khanh chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.