Ngoài Nhật Bản, thị trường Mỹ và châu Âu cũng đem lại doanh thu khá lớn cho FPT Software.
Ông Tiến chia sẻ, trong số các khách hàng của đơn vị này, có tới 43 tập đoàn lớn nằm trong danh sách của Fortunes Global 500. Trong đó, có nhiều tập đoàn “khủng” trong các lĩnh vực như máy bay, y tế, viễn thông…
Ngoài phần mềm, phía FPT Software cũng đang hợp tác với các tập đoàn lớn trong các lĩnh vực như điện toán đám mây (Cloud), Internet vạn vật (IoT)..
Thực tế con số mà FPT Software đưa ra rất ý nghĩa, khẳng định trí tuệ của người Việt trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Bởi lẽ, một số tập đoàn công nghệ tại Việt Nam có sản phẩm xuất khẩu rất lớn, song để đạt những con số đó, họ phải bỏ ra rất nhiều tiền để nhập linh kiện… Còn theo ông Tiến, trong mỗi 1 USD phần mềm xuất khẩu thì công sức của người Việt đóng góp 84 - 86%.
Trước đó, FPT Software đã tuyên bố đạt doanh thu kỷ lục trong lĩnh vực phần mềm tại Việt Nam với 100 triệu USD trong năm 2013. Ông Hoàng Nam Tiến, khi đó đã nói với phóng viên VietnamPlus sẽ “phình to” gấp đôi vào 2016, nghĩa là, FPT Software đạt 200 triệu USD doanh thu. Đến nay, mục tiêu này đã đạt được.
Một năm sau đó, đơn vị này đã đạt được doanh thu 2.900 tỷ đồng (tương đương 138 triệu USD) và tới 2015, FPT Software đã đạt 181 triệu USD...
Vào đầu năm 2015, lãnh đạo FPT Software cũng mạnh dạn đặt mục tiêu 1 tỷ USD doanh thu và 30.000 nhân sự, tham gia vào những sân chơi lớn nhất của các công ty dịch vụ phần mềm toàn cầu vào năm 2020.
Vào cuối tháng Mười vừa qua, Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) chính thức công bố danh sách và ra mắt ấn phẩm đặc biệt “50 doanh nghiệp công nghệ thông tin hàng đầu Việt Nam 2016”. Theo đó, FPT Software dẫn đầu trong lĩnh vực xuất khẩu phần mềm.