Thua thiệt đủ đường
Tính toán của một DN nội địa trong ngành dệt may có trụ sở đóng tại thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ, với chi phí hiện nay, các DN gia công chỉ lãi bình quân khoảng 2%/doanh thu. Còn nếu chủ động tham gia vào quá trình sản xuất, từ việc mua nguyên liệu cho đến sản phẩm cuối cùng lợi nhuận cũng chỉ có thể đạt 5% doanh thu. Với khoản lợi nhuận ít ỏi trên, rõ ràng các DN nội đang chịu quá nhiều thiệt thòi.
Số liệu được Tổng cục Thống kê công bố mới đây liên quan đến dịch vụ gia công hàng hóa nước ngoài rất đáng để suy ngẫm. Phí gia công hàng dệt may cách đây hơn 2 năm dù chiếm tỷ trọng lớn nhất trong hoạt động gia công, lắp ráp hàng hóa cho nước ngoài, nhưng chỉ đạt hơn 4 tỷ USD, chiếm 48% tổng phí gia công.
Trong khi đó, xuất khẩu dệt may hơn 2 năm gần đây là 28,3 tỷ USD. Các chuyên gia cho rằng, kim ngạch xuất khẩu dệt may rất đáng buồn khi 25 - 30% DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chiếm 60 - 70% doanh số, còn 75% DN Việt Nam chỉ chiếm 30 - 40% doanh số.
Đáng chú ý hơn, có đến 85% DN nội vẫn đang thực hiện theo phương thức gia công cho các công ty ngoại. Chính vì thế, những năm trở lại đây dù kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng ấn tượng, nền kinh tế được đánh giá có mức phát triển khá, song giá trị thực nhận được lại rất thấp do xuất khẩu mạnh nhưng nhập khẩu đầu vào lại chiếm tới 90%.
Chẳng hạn, với nhóm hàng điện thoại và điện tử máy tính, gần như DN nội chỉ thu về được phí gia công, lắp ráp, không cung cấp nguyên liệu phụ trợ sản xuất trong nước cho hoạt động gia công đối với 2 nhóm hàng này.
Tương tự, một DN đóng một chiếc tàu biển cho khách hàng nước ngoài có giá trị khoảng 360 triệu USD, nhưng chi phí nhập khẩu linh kiện, thiết bị… đã chiếm tới 330 triệu USD. Có nghĩa, nếu trừ hết chi phí lợi nhuận thua về chỉ khoảng 7 - 10 triệu USD, tương đương 2 - 3% tổng giá trị hợp đồng.
Thay đổi để tồn tại
Theo bà Nguyễn Thị Ánh Tính - Phó Giám đốc Công ty Cổ phần May Phú Thọ (phường Phong Châu, thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ), nếu không thay đổi phương thức kinh doanh thì cho dù có hội nhập sâu rộng đến mấy các DN nội vẫn mãi chỉ là người “làm nhiều hưởng ít”, còn phần lớn giá trị sau gia công vẫn thuộc về khối DN ngoại, khi đó lợi thế hội nhập sẽ không có nhiều ý nghĩa với.
Có thể thấy, dù vài năm trở lại đây, khối DN trong nước có cải thiện tốc độ tăng trưởng so với khu vực FDI, nhưng chi phối xuất khẩu vẫn chủ yếu chủ yếu do khối ngoại. Ngoài ra, động lực xuất khẩu tăng trưởng mạnh trong thời gian qua vẫn phải dựa vào các DN FDI. Một điều tra khác cũng cho thấy, các DN sản xuất hàng may mặc nội tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu ở công đoạn sản xuất chủ yếu theo phương thức gia công (CMT) chiếm 65%, tự chủ nguyên liệu (FOB) chiếm 30% và tự thiết kế, sản xuất (ODM) chỉ chiếm 5%.
Các chuyên gia cho rằng, xu hướng gia công hóa của các DN nội chắc chắn sẽ không dừng lại, thậm chí còn tăng khi tổng vốn FDI từ đầu năm đến nay đạt mức kỷ lục (10 tháng thu hút gần 28 tỷ USD). Đây là tín hiệu tích cực của nền kinh tế, nhưng cũng sẽ đem lại những hệ lụy không nhỏ đối với các DN trong nước. Trừ khi các DN nội có đủ ý chí, sự khôn ngoan và một kế hoạch cụ thể, nhất quán… mới có thể thoát khỏi “kiếp” gia công.
Bà Tính cho rằng, hiệu suất sinh lời trên vốn kinh doanh của các DN nội còn quá thấp, chỉ bằng 1/5 DN FDI. DN trong nước chủ yếu có quy mô nhỏ và phi chính thức, cản trở tăng năng suất nhờ hiệu quả kinh tế theo quy mô, chuyên môn hóa và đổi mới, sáng tạo.
Hiện, có quá ít DN tư nhân trong nước có quy mô vừa và quy mô lớn, đặc biệt trong các ngành công nghiệp chế tạo. Đến nay, khu vực FDI đã đóng góp trên 50% giá trị công nghiệp chế tạo và khoảng 70% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, sự kết nối giữa họ với các DN nội vẫn chưa diễn ra, nhất là ở một số ngành quan trọng, gây cản trở cho tăng năng xuất thông qua chuyển giao công nghệ và nâng cao trình độ quản lý...