Doanh nghiệp nhỏ và vừa loay hoay tìm... vốn

GD&TĐ - Hiện số doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa đang chiếm hơn 97% tổng số DN cả nước, thường xuyên đóng góp hơn 40% - 50% GDP, giải quyết hàng triệu việc làm cũng như góp phần giải quyết vấn đề an sinh xã hội. 

Doanh nghiệp nhỏ và vừa loay hoay tìm... vốn

Nhưng, DN nhỏ và vừa luôn thiếu vốn, lạc hậu về công nghệ và năng lực quản trị, thường xuyên chịu lép vế trong cạnh tranh. Để tồn tại và duy trì, không ít DN nhỏ và vừa đã phải sáp nhập hoặc chuyển sang gia công cho các DN khác...

Vốn - bài toán muôn thuở

Bản thân tên gọi của DN nhỏ và vừa đã nói lên tính chất đặc trưng của loại hình DN này. Thực tế, phần lớn DN nhỏ và vừa hình thành dựa trên yếu tố tự phát, từ kinh nghiệm của cá nhân và gia đình, sử dụng vốn tự có và vốn vay từ gia đình, bạn bè để khởi nghiệp. Khi bước vào hoạt động thì hầu hết các đơn vị đều dựa vào nguồn vốn vay ngân hàng. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng vay được vốn. Đây là vấn đề nan giải, tồn tại đã lâu mà chưa thể giải quyết khi DN luôn thiếu tài sản thế chấp, còn ngân hàng không muốn nhận phần rủi ro về mình.

Mặt khác, các chủ DN cũng hạn chế về trình độ, nhất là về kiến thức pháp luật, ngoại ngữ và quản lý. Hiện, mới có khoảng 30% DN có bộ phận pháp lý chuyên nghiệp và hoạt động có hiệu quả. Trong khi đó, bối cảnh hội nhập ngày càng tạo sức ép với DN, nhiều đơn vị lúng túng trước việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu, gặp khó khăn khi phải đối diện, xử lý tranh chấp với DN nước ngoài. Thực tế, đã có hàng chục vụ kiện bán phá giá của DN “ngoại” đối với DN “nội”, nhưng DN “nội” mới chỉ tiến hành được 4 vụ kiện tự vệ thương mại với DN quốc tế. Về công nghệ, nhìn chung lạc hậu hơn DN các nước trong khu vực từ 15 đến 25 năm nên sản phẩm làm ra rất khó cạnh tranh trên thị trường khi hội nhập. Việc người tiêu dùng sử dụng hàng hóa Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc... đang tràn vào ngày một nhiều trên thị trường nước ta là minh chứng cho thực tế này.

Theo đại diện của Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP Hà Nội, hiện sức ép hội nhập càng bộc lộ những yếu kém của DN, nhất là các yếu tố chủ quan. Một số đơn vị chưa làm tốt yêu cầu liên kết. Cơ quan chức năng cũng chưa đáp ứng tốt nhu cầu DN. Có quá nhiều văn bản các bộ, ngành, quy định về quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu; hay việc quản lý, kiểm tra chuyên ngành quy định chồng chéo nhau, một mặt hàng vừa phải chứng nhận hợp quy, vừa phải kiểm tra từng lô hàng mỗi khi nhập khẩu. Cùng một mặt hàng nhưng lần nào cũng phải xin giấy phép, kiểm tra chất lượng…

Chuyển động từ các đầu tàu kinh tế

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), năm 2016 là khởi đầu một nhiệm kỳ Chính phủ mới, gắn liền với kiến tạo và quyết tâm hỗ trợ DN thiết thực, hiệu quả; từng bước xác lập môi trường đầu tư - kinh doanh hữu hiệu, nâng cao sức cạnh tranh cho nền kinh tế. Cũng trong năm nay, nền kinh tế liên tục đối mặt với nhiều khó khăn, với các yếu tố bất lợi cả về chủ quan, khách quan. Tình hình hoạt động của DN nhỏ và vừa đặt ra yêu cầu hiện thực hóa mục tiêu hỗ trợ từ cấp điều hành vĩ mô đến từng địa phương, các bộ, ngành...

Hà Nội đang khẳng định vị thế là địa phương đi đầu cả nước trong hỗ trợ DN, được Chính phủ cũng như các tỉnh, thành phố bạn ghi nhận với những biện pháp chủ động và đồng bộ. Lãnh đạo thành phố duy trì các cuộc họp định kỳ với cộng đồng DN, Hiệp hội DN để nắm bắt thực tiễn, sẵn sàng vào cuộc, giải quyết các vướng mắc. Hà Nội nhấn mạnh mục tiêu cải thiện chất lượng, sức cạnh tranh của môi trường kinh doanh và trên thực tế đã được cộng đồng nhà đầu tư đánh giá nằm trong tốp 3 địa phương đáng triển khai dự án đầu tư nhất cả nước...

Cùng với Hà Nội, TPHCM và nhiều địa phương khác trong cả nước cũng triển khai hàng loạt các biện pháp nhằm tháo gỡ kịp thời các “nút thắt” tạo điều kiện cho các DN nhỏ và vừa phát triển. Đặc biệt, hiện cơ quan chức năng đã hoàn tất việc xây dựng dự thảo Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa. Bộ KH&ĐT đã tổ chức một số cuộc họp tham vấn, lấy ý kiến các cơ quan quản lý, DN để hoàn thiện, tiến tới trình cấp có thẩm quyền thông qua. Cộng đồng DN mong đợi sự ra đời của Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa như một bước tiến quan trọng, xác lập DN nhỏ và vừa là đối tượng riêng của một luật cụ thể.

Theo Tổng cục Thống kê, cả nước có hơn 48.000 DN phá sản và chờ phá sản trong 8 tháng của năm 2016 - bằng 65% số DN thành lập mới từ đầu năm đến nay. Số DN nhỏ và vừa phá sản, chờ phá sản (7.480 DN) tăng theo hai con số trong mấy năm qua, cho thấy khu vực này đang chịu ảnh hưởng lớn nhất từ các “cú sốc” về gia nhập thị trường, khả năng cạnh tranh và đặc biệt là tiếp cận vốn, chính sách còn hạn chế, ngặt nghèo...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.