Doanh nghiệp Nhà nước: Ì ạch tái cơ cấu

GD&TĐ - Trong báo cáo“Tóm tắt thẩm tra đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch tái cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 – 2020 của Ủy ban Kinh tế về kết quả thực hiện Nghị quyết số 24/2016/QH14 (NQ 24)” cho thấy, nhóm mục tiêu thứ 5 về cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), phát triển doanh nghiệp và hợp tác xã khó đạt được kế hoạch đề ra vào năm 2020…

Mặc dù có tên trong danh sách thoái vốn, song nhiều doanh nghiệp vẫn viện đủ mọi lý do để trì hoãn hoặc xin lùi thời gian thực hiện
Mặc dù có tên trong danh sách thoái vốn, song nhiều doanh nghiệp vẫn viện đủ mọi lý do để trì hoãn hoặc xin lùi thời gian thực hiện

Nợ chồng chất

Ủy ban Kinh tế đánh giá, cơ cấu lại DNNN góp phần tăng khoản thu ngân sách, nhưng tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn đến nay vẫn ì ạch và khó về đích như kế hoạch đề ra (tính đến tháng 7/2018 các Bộ, ngành, địa phương mới thực hiện thoái vốn tại 30/316 doanh nghiệp), lượng vốn nắm giữ lớn nhưng hiệu quả kinh doanh còn hạn chế, quản trị doanh nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu. Ngoài ra, việc sử dụng vốn thu được từ cổ phần hóa, thoái vốn từ DNNN chậm triển khai làm tồn đọng vốn, trong khi Chính phủ vẫn phải phát hành trái phiếu để phục vụ đầu tư…

Theo báo cáo kinh tế vĩ mô quý III/2018 của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), tính đến tháng 8/2018, phương án cổ phần hóa 19 DNNN (tăng 86,2% so với cùng kỳ năm 2017) đã được phê duyệt. Tuy nhiên, tiến độ còn chậm (19/85 DNNN) do đây là những doanh nghiệp có quy mô lớn, số vốn Nhà nước thu về nhiều. Quá trình thoái vốn chậm, kinh doanh của nhiều DNNN ngày càng thua lỗ dẫn tới khối nợ ngày càng “phình to”. Theo báo cáo của Bộ Tài chính gửi tới các đại biểu Quốc hội về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn Nhà nước tại doanh nghiệp năm 2017, tổng tài sản của các DNNN là hơn 3 triệu tỷ đồng, tăng 3% so với năm 2016.

Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) vừa có văn bản yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, Tổng Công ty Nhà nước trước ngày 31/12/2018 phải hoàn thành phê duyệt hoặc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cơ cấu tại các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực quản lý theo đúng quy định tại Quyết dịnh 707/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó nêu rõ tiến độ, cơ quan tổ chức thực hiện, người chịu trách nhiệm. Đồng thời, gắn kết quả việc thực hiện sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả của DNNN với việc đánh giá trách nhiệm của người đứng đầu; tiếp tục đổi mới công tác bố trí, bổ nhiệm, miễn nhiệm đối với người đứng đầu DNNN… 

Tuy nhiên, theo báo cáo hợp nhất của các tập đoàn, tổng công ty, số nợ phải trả của các DNNN lên tới 1,5 triệu tỷ đồng, tăng 1,3% so với thực hiện năm 2016. Số nợ này chiếm 56,5% tổng nguồn vốn của các tập đoàn, tổng công ty. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu bình quân năm 2016 là 1,25 lần, cao hơn mức 1,22 lần hồi năm 2015. Trong đó, 20 tập đoàn, tổng công ty có tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ đầu tư hơn 3 lần, thậm chí lên đến hàng chục lần. Cụ thể, Tổng Công ty XNK tổng hợp Vạn Xuân có hệ số nợ lên tới 45,56 lần; Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển đường cao tốc Việt Nam 8,07 lần; Tổng Công ty Xăng dầu Quân đội 7,88%. Ngoài ra, một số tổng công ty có số nợ vay ngân hàng rất lớn như: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) nợ 146.580 tỷ đồng; Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nợ trên 132.000 tỷ đồng; Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam (TKV) nợ 48.700 tỷ đồng… Ngoài vay các ngân hàng trong nước, các DNNN còn vay từ các tổ chức tài chính nước ngoài khoảng 616.000 tỷ đồng.

Cùng với việc nợ chồng chất, nhiều DNNN còn tiếp tục kinh doanh thua lỗ. Cụ thể, Tập đoàn Hóa chất lỗ lũy kế trên 1.967 tỷ đồng; Tập đoàn Viễn thông quân đội 5.589 tỷ đồng; Tổng Công ty Cà phê Việt Nam 44,67 tỷ đồng… Điều này cho thấy, hiệu quả sản xuất kinh doanh và đóng góp của một số DNNN còn hạn chế, chưa tương xứng với nguồn lực Nhà nước đầu tư, một số dự án DNNN còn thua lỗ, thất thoát vốn lớn. Ngoài ra, việc thực hiện cơ chế xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi xảy ra sai phạm, cũng như việc xử lý các hành vi vi phạm về giám sát, đánh giá chưa đầy đủ, nghiêm túc…

Hiện, mới chỉ có khoảng 10% doanh nghiệp thực hiện chủ trương thoái vốn của Thủ tướng Chính phủ chặng đường 2017 - 2018
  • Hiện, mới chỉ có khoảng 10% doanh nghiệp thực hiện chủ trương thoái vốn của Thủ tướng Chính phủ chặng đường 2017 - 2018

Xử lý trách nhiệm người đứng đầu chưa nghiêm

Trước tình trạng trên, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, thất thoát vốn của DNNN là do kinh doanh không hiệu quả, mua đắt, bán rẻ, định giá tài sản thấp. Kinh doanh không hiệu quả là do trình độ quản lý kém, DNNN đã đầu tư vào rất nhiều hoạt động không có hiệu quả nhằm thu lợi cá nhân, dù doanh nghiệp lỗ nhưng không ai chịu trách nhiệm.

Theo bà Lan, nguyên nhân chính là do hệ thống quản lý chồng chéo, chưa rõ ràng. Năng lực quản trị của đại diện quản lý sở hữu, điều hành doanh nghiệp chưa cao, hoạt động thanh tra, kiểm tra… chưa hiệu quả. Đặc biệt, việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra vi phạm chưa nghiêm.

“Sau một thời gian chuẩn bị, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp đã hoàn tất về mặt chức năng, nhiệm vụ và bước đầu hoàn thiện bộ máy nhân sự. Tuy nhiên, thách thức vẫn hiện hữu, đặc biệt là minh chứng tính chuyên nghiệp của bộ máy này trong việc quản lý vốn – qua những chuyển biến nhanh và thực tế trong giai đoạn đầu” – bà Lan cho biết.

Nói về vấn đề tài cơ cấu DNNN, ông Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, kết quả tái cơ cấu DNNN đang mới chỉ là bước đầu, đòi hỏi cần phải tiếp tục quan tâm thực hiện các biện pháp nhằm tránh thất thoát vốn Nhà nước, nâng cao tính công khai minh bạch trong quá trình thực hiện và phát triển doanh nghiệp sau cổ phần hóa. Việc thoái vốn cần phải thực hiện thận trọng, đảm bảo tính đúng, tính đủ giá trị vốn của Nhà nước trong doanh nghiệp và có kế hoạch cụ thể sử dụng nguồn vốn thu được từ thoái vốn, trong đó ưu tiên vào các công trình trọng điểm của quốc gia để tạo động lực phát triển và sức lan tỏa cho nền kinh tế…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ