Doanh nghiệp được hỗ trợ tín dụng ứng phó đại dịch Covid-19

Doanh nghiệp được hỗ trợ tín dụng ứng phó đại dịch Covid-19

Đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường đã ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế. Thông tư số 01 được ban hành nhằm kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vay vốn do thiệt hại bởi dịch Covid-19 theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 14/2/2020 về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2020.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) triển khai các biện pháp cấp bách trên cơ sở gói hỗ trợ tín dụng được Thủ tướng giao khoảng 25.000 tỷ đồng.

Chủ động, tìm lối thoát cho doanh nghiệp khó khăn

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành Kinh tế (NHNN), ảnh hưởng của dịch bệnh dẫn đến khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn từ đó gia tăng tỷ lệ nợ quá hạn, nợ xấu.

Cập nhật đến ngày 4/3/2020, có 23 tổ chức tín dụng báo cáo NHNN, ước tính có khoảng 926 ngàn tỷ đồng dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, chiếm khoảng 14,27% trên tổng dư nợ của 23 tổ chức tín dụng này, và chiếm khoảng 11,3% dư nợ cho vay toàn hệ thống.

Trong đó, một số ngành có khả năng ảnh hưởng lớn như: nông, lâm nghiệp và thủy sản, doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu, dịch vụ lưu trú, ăn uống, thực phẩm, đồ uống, vận tải, dệt may, da giầy, điện tử, điện lạnh, dầu khí, du lịch, giáo dục.

Nội dung thông tư đảm bảo cơ sở pháp lý hướng dẫn các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ cho doanh nghiệp, người dân vay vốn bị thiệt hại do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Quan điểm xây dựng Thông tư là tạo điều kiện tối đa về thẩm quyền trách nhiệm để các tổ chức tín dụng phối hợp cùng với khách hàng vay vốn xem xét quyết định mức độ thời gian, hỗ trợ doanh nghiệp tái cơ cấu các khoản vay, các khó khăn do tác động của dịch bệnh.

Đồng thời, Thông tư mới cũng sẽ làm rõ trách nhiệm của các tổ chức tín dụng và khách hàng vay vốn khi thực hiện chính sách hỗ trợ này, đảm bảo đúng đối tượng, tính khách quan và không được lợi dụng.

Linh hoạt với những gói giải pháp

Hưởng ứng tích cực chỉ đạo của Chính phủ, NHNN, các Ngân hàng thương mại chủ động đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, cam kết cho vay tới lãi suất giảm từ 0,5-1% so với mặt bằng lãi suất chung.

Nhiều gói giải pháp được các Ngân hàng thương mại đưa ra như: Xây dựng và triển khai gói hỗ trợ tín dụng ưu đãi lãi suất, với tổng giá trị gói tín dụng khoảng 285.000 tỷ đồng trong đó có gói tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, các ngành lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch.

Tiếp tục xem xét giảm lãi suất đối với dư nợ hiện hữu với mức lãi suất giảm từ 1-3%. Giảm lãi suất cho vay mới, với mức giảm từ 0,5-1,5%/năm. Tiếp tục xem xét không tính lãi phạt, giảm phí dịch vụ ngân hàng.

Cụ thể, tại Ngân hàng Vietcombank, mức giảm miễn lãi là 1-1,5% đối với khoản vay bằng VND và 0,5% đối với khoản dư nợ ngoại tệ. Doanh nghiệp được giãn nợ, cơ cấu lại thời hạn trả nợ. Ngân hàng cơ cấu lại thời gian trả nợ mà không bị chuyển nhóm nợ nên có thể tiếp tục cho vay mới với doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch.

Cũng theo ông Nguyễn Quốc Hùng, báo cáo của các ngân hàng thương mại cho thấy, đến nay, bước đầu đã xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng với tổng dư nợ khoảng 21.753 tỷ đồng; đã miễn giảm lãi cho khoảng 8.000 khách hàng số tiền trên 350 tỷ đồng, trong đó đang xem xét miễn giảm lãi vay cho 34.350 khách hàng với dư nợ là 185.000 tỷ đồng;

Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện hồ sơ mới, cho vay mới cho khoảng 5.493 khách hàng với doanh số cho vay dự kiến khoảng 24.000 tỷ đồng; tạm thời chưa chuyển nhóm nợ, xem xét giảm lãi suất, cho vay mới. Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại cũng miễn, giảm phí thanh toán, phí giao dịch.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ