Doanh nghiệp 'đặt hàng' sinh viên trường nghề

GD&TĐ - Trong khi nhiều cử nhân loay hoay tìm việc, sinh viên trường nghề ở Hà Tĩnh đã được tuyển dụng ngay tại sân trường nhờ mô hình đào tạo gắn kết với doanh nghiệp.

Đại diện doanh nghiệp và nhà trường chúc mừng các sinh viên được tuyển làm việc ngay sau khi tốt nghiệp. Ảnh: B.T
Đại diện doanh nghiệp và nhà trường chúc mừng các sinh viên được tuyển làm việc ngay sau khi tốt nghiệp. Ảnh: B.T

Phối hợp hai bên cùng thắng

Giữa lúc thị trường lao động đầy biến động, không ít cử nhân đại học vẫn loay hoay tìm việc thì ở Hà Tĩnh, hàng trăm sinh viên trường nghề lại có thể bắt tay nhà tuyển dụng khi chưa rời khỏi sân trường. Không phải may mắn, đó là kết quả của chiến lược đào tạo được tính toán kỹ lưỡng, với sự đồng hành dài hơi giữa trường nghề và doanh nghiệp.

Tại Trường Cao đẳng Công nghệ Hà Tĩnh, khái niệm “học xong rồi tìm việc” gần như không tồn tại. Ngay khi vừa hoàn thành chương trình học, sinh viên đã được doanh nghiệp đến tận trường phỏng vấn, tuyển dụng tại chỗ. Những đơn vị như Formosa Hà Tĩnh, Hyundai Hà Tĩnh hay Vinfast… vốn là các “ông lớn” công nghiệp tại miền Trung đều về trường, không chỉ tuyển dụng, mà còn đặt hàng đào tạo.

Việc tuyển dụng diễn ra ngay tại trường giúp rút ngắn thời gian tuyển chọn, giảm chi phí đi lại, ăn ở cho sinh viên phần lớn xuất thân từ nông thôn, gia đình lao động. Quan trọng hơn, sinh viên không phải “bơi trong vô định” sau tốt nghiệp, mà được kết nối trực tiếp với các vị trí cụ thể, đúng ngành học, nhu cầu.

doanh-nghiep-dat-hang-sinh-vien-truong-nghe-1.jpg
Doanh nghiệp tổ chức tuyển dụng tại chỗ tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên. Ảnh: B.T

Ông Nguyễn Bá Đồng, đại diện Formosa Hà Tĩnh, thẳng thắn: “Chúng tôi cần người làm được việc, có thể bắt tay ngay vào dây chuyền. Các em từ Trường Cao đẳng Công nghệ Hà Tĩnh không chỉ có kỹ năng nghề tốt, mà còn nghiêm túc, kỷ luật, đó là điều doanh nghiệp trân trọng nhất”.

Không ngẫu nhiên mà những sinh viên như Phan Quốc Hoa (ngành Công nghệ ô tô) hay Võ Đình Mạnh (ngành Điện công nghiệp), Trường Cao đẳng Công nghệ Hà Tĩnh có thể đi thẳng vào doanh nghiệp lớn như Hyundai hay Formosa. Trong suốt quá trình học, các em không chỉ học lý thuyết, mà còn được thực hành trong môi trường mô phỏng thực tế, đến doanh nghiệp thực tập, làm quen với dây chuyền sản xuất và văn hóa công sở.

Vừa được doanh nghiệp tại địa phương tuyển dụng trong đợt tổng kết khóa học vào giữa tháng 7/2025, Phan Quốc Hoa vui mừng nói: “Nhóm bạn em đã thực tập tại Huyndai Hà Tĩnh, sau tốt nghiệp em và 3 bạn được Huyndai Hà Tĩnh tiếp nhận vào làm việc tại công ty. Việc doanh nghiệp kết nối với nhà trường để tuyển dụng giúp chúng em gặp nhiều thuận lợi”.

doanh-nghiep-dat-hang-sinh-vien-truong-nghe-2.jpg
Các doanh nghiệp dự lễ bế giảng khóa học tại Trường Cao đẳng Công nghệ ở Hà Tĩnh để phối hợp tuyển dụng. Ảnh: B.T

Doanh nghiệp hết cảnh “ngồi chờ” nhân lực

Thị trường lao động đang thay đổi nhanh. Với các ngành công nghiệp kỹ thuật cao như ô tô điện, cơ điện tử, điện công nghiệp… việc “chờ” nhân lực từ các trường đại học truyền thống đã không còn là lựa chọn tối ưu với doanh nghiệp. Quá trình đào tạo ở đó dài, chi phí cao, trong khi chưa chắc sinh viên sau tốt nghiệp đáp ứng được yêu cầu thực tế.

Ngược lại, việc bắt tay ngay từ khâu đào tạo, doanh nghiệp có thể chủ động “đặt hàng” từ ngành nghề, kỹ năng cho đến số lượng. Với họ, đây là cách để tự tạo ra nhân lực “vừa vặn” với chính mình, thay vì bị động tuyển dụng.

Ông Nguyễn Trọng Tấn - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ Hà Tĩnh cho biết, hiện Formosa Hà Tĩnh đã đặt 12 lớp đào tạo kỹ thuật điện, cơ khí tại trường ngay trong năm 2025.

Ngoài ra, có 11/19 sinh viên lớp Cơ điện tử học chương trình chuyển giao Học viện Chisholm Úc đang làm việc tại Úc, 46 sinh viên học theo chương trình hợp tác đào tạo song hành với Công ty TNHH sản xuất và kinh doanh Vinfast, 45 sinh viên đang làm cho Vinfast, trong đó 3 sinh viên cử sang Mỹ cập nhật phần mềm xe điện…

Mô hình này không chỉ giúp doanh nghiệp chủ động nguồn lao động, mà còn góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp ở người trẻ, giữ chân người lao động tại địa phương, giảm bớt tình trạng “ly hương” do thiếu việc làm phù hợp.

Không ít người vẫn mặc định học nghề là lựa chọn thứ yếu, dành cho những ai “không đủ điểm” vào đại học, tuy nhiên hiện nay thực tế đã thay đổi. Như chia sẻ của em Nguyễn Đình Hoàng (sinh viên Trường Cao đẳng Việt - Đức Hà Tĩnh): “Học ở một trường nghề ngay gần nhà, chi phí rẻ, học phí thấp, thời gian học ngắn mà ra trường có việc làm ổn định, mức lương cạnh tranh”.

Ở góc độ kinh tế - xã hội, mô hình đào tạo liên kết với doanh nghiệp ở Hà Tĩnh đang góp phần giải được bài toán việc làm gắn với phát triển vùng, góp phần tái cấu trúc lại thị trường lao động đang thiên lệch về bằng cấp mà thiếu kỹ năng.

Ông Nguyễn Trọng Tấn - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ Hà Tĩnh, chia sẻ: “Chúng tôi không đào tạo để các em có tấm bằng mà đào tạo để làm được việc. Do đó, nhà trường luôn chủ động cập nhật chương trình đào tạo, thiết bị thực hành và thiết lập mạng lưới liên kết doanh nghiệp ngày càng rộng mở. Không ít sinh viên còn được cử đi thực tập tại các cơ sở ở nước ngoài, như Úc hay Mỹ, nhờ vào các chương trình chuyển giao hoặc hợp tác đào tạo đặc thù”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ