Theo Health, nghiên cứu mới của Đại học Pittsburhg, Mỹ, cho thấy tốc độ đi bộ nhanh hay chậm phản ánh khá chính xác tuổi thọ của con người.
Nhóm nhà khoa học đã theo dõi thói quen sinh hoạt của hơn 35.000 tình nguyện viên ở độ tuổi trên 65. Họ được chia làm 2 nhóm đồng đều đủ lứa tuổi.
Ở nhóm đi bộ nhanh nhất (từ 1,4 m/s trở lên) có đến 92% sống được hơn 10 năm tiếp theo. Nhóm đi bộ chậm nhất (dưới 0,4 m/s) chỉ có 35% sống thọ hơn 10 năm tiếp theo.
Dữ liệu phân tích trung bình cho thấy tốc độ đi bộ nhanh hơn 0,1 m/s sẽ làm giảm 12% nguy cơ tử vong.
Tiến sĩ Stephannie tham gia nghiên cứu cho rằng tốc độ đi bộ phản ánh sức khỏe của con người. Hoạt động đi lại liên quan đến rất nhiều bộ phận trên cơ thể như tim, phổi, cơ thịt, khớp, xương, não…
Tốc độ đi là một trong những căn cứ quan trọng giúp bác sĩ chẩn đoán thể trạng của bệnh nhân. Người đi chậm được dự báo có thể gặp phải một số vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe, cần áp dụng các biện pháp cải thiện huyết áp, ăn uống và vận động.
Tiến sĩ Stephannie khuyên người cao tuổi mỗi năm nên tự kiểm tra tốc độ đi bộ một lần bằng cách vẽ một đường thẳng dài 4 m trên nền nhà.
Đi bộ từ điểm đầu đến điểm cuối theo dáng đi bình thường. Ghi chép lại thời gian hoàn tất quãng đường rồi chia cho 4 sẽ ra kết quả tốc độ đi.
Hãy so sánh kết quả của năm trước và năm sau, nếu chênh lệch quá nhiều thì nên đến gặp bác sĩ để được kiểm tra sức khỏe và tư vấn.
Chuyên gia cũng khuyên những người trẻ tuổi tránh ngồi lâu trong thời gian dài ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe và tuổi thọ. Sau mỗi lần ngồi khoảng một tiếng đồng hồ nên đứng dậy vận động ít nhất 2 phút sẽ giúp giảm 33% nguy cơ tử vong, thậm chí giảm 41% tỷ lệ tử vong ở người mắc bệnh thận mãn tính.
Trước đó, một nghiên cứu của Trường Đại học Utah, Mỹ, khẳng định thói quen ngồi lâu khiến mọi người dễ tăng cân, đồng thời gây ra các bệnh về thận.
Tốt nhất nên nên vận động nhẹ khoảng 2 phút sau mỗi giờ ngồi một chỗ thì sẽ không để lại hệ lụy nào. Nhân viên văn phòng thuộc nhóm đối tượng có nguy cơ cao nhất nên cần chú ý vấn đề này.