Mới tuần trước, khán giả truyền hình đã lao xao trong những cảm xúc nuối tiếc ấy khi hay tin chương trình "Như chưa hề có cuộc chia ly" phải dừng phát sóng. Nguyên do cũng lại vì kinh phí tài trợ cho chương trình đã hết từ hồi đầu năm nay.
Thế rồi, ngày đầu tiên của tuần mới được mở ra, khán giả yêu mến chương trình như vỡ òa trong biết bao cảm xúc khi nhận tin được... "đoàn tụ" với... "Như chưa hề có cuộc chia ly". Tất nhiên, để có được cuộc "đoàn tụ" này, chương trình cần những tấm lòng yêu mến và là "bà đỡ" dưỡng nuôi để tiếp tục lan tỏa những giá trị tốt đẹp của cuộc sống đến với bao người. "Bà đỡ" ấy không phải ai khác mà chính là ca sĩ Hà Anh Tuấn và Viet Vision cùng một số cá nhân có tấm lòng thơm thảo khác. Với sự giúp sức lên đến 3 tỷ đồng cho chương trình, "Như chưa hề có cuộc chia ly" có thể tiếp tục "đoàn tụ" với khán giả, tiếp tục những cuộc kiếm tìm (từ 6 tháng đến một năm) và tiếp tục đem đến những cuộc đoàn tụ đẹp như trong mơ của biết bao gia đình, cha mẹ, con cái, anh em...
"Như chưa hề có cuộc chia ly" không phải là "show", mà là một câu chuyện văn hóa đại diện cho bản sắc hướng thiện của người Việt Nam (...) Những xúc cảm được tạo ra từ chương trình không đơn thuần là sự rung động, mà đã trở thành nguồn cảm hứng sống biết ơn, đóng góp và yêu nước", ca sĩ Hà Anh Tuấn đã bày tỏ nguyên cớ nghĩa cử của mình như thế. Thật là một cách nghĩ, cách làm không chỉ xuất phát từ cảm xúc nghệ sĩ mà còn mang đầy sứ mệnh thiêng liêng – sứ mệnh "sống biết ơn, đóng góp và yêu nước" của tuổi trẻ hôm nay.
Thế nhưng, giữa niềm vui ấy, hẳn rằng không ít người không khỏi chạnh lòng khi nhìn lại trước đó đã có không ít chương trình truyền hình nhân văn, hướng thiện như "Lục lạc vàng", "Ngôi nhà mơ ước" "Trở về từ ký ức"... đã bị "khai tử" để thế vào đó là những game show vô bổ, kém chất lượng, dùng nhiều chiêu trò... được "nở rộ". Nguyên do vẫn đều vì những chương trình nhân ái đó không thu được nhiều lợi nhuận tiền bạc mà chỉ đem về những mến yêu cùng sẻ chia, tương thân tương ái – những giá trị dường như chưa được các nhà đài coi là mục tiêu số một của một chương trình truyền hình.
Thế nên, may mà "Như chưa hề có cuộc chia ly" vẫn còn có thể "đoàn tụ" với khán giả khi có được những người trẻ lựa chọn cần phải góp sức giữ gìn. Nhưng liệu rằng sự "tiếp sức" này có thể "bền vững" được bao lâu nếu như họ đơn thương độc mã? Thiết nghĩ, vẫn rất cần những chính sách đặc thù từ Nhà nước để bảo hộ cho những chương trình truyền hình mang ý nghĩa nhân văn đặc biệt được duy trì để góp phần truyền lửa nhân ái... đến khán giả hôm nay.