(GD&TĐ) - Mặt trái của nền kinh tế thị trường và sự mở cửa, hội nhập kinh tế khu vực và thế giới đã và đang tạo ra không ít tác động tiêu cực đối với việc giữ gìn, phát huy những phẩm chất, đạo đức tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam.
Trong bối cảnh đó, năm 2010, Thủ tướng đã phê duyệt Đề án Tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đạo hóa đất nước giai đoạn 2010 – 2015.
Trong đó, Bộ GD&ĐT được giao trọng trách thực hiện, triển khai Tiểu đề án 2 với nội dung tuyên truyền, giáo dục phẩm chất, đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong trường học.
Đây là một Đề án có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần tạo tiền đề xây dựng và hình thành phẩm chất, đạo đức tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam. Các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đều đồng tình với việc nghiên cứu để có định hướng tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức truyền thống cần được tiếp tục duy trì, phát huy.
Trong thời gian qua, Ban Điều hành Tiểu đề án 2 của Bộ GD&ĐT đã bám sát với văn bản hướng dẫn của Ban Điều hành Đề án 343 của Trung ương, theo kế hoạch đề ra, triển khai các hoạt động trong Tiểu đề án 2, bước đầu tạo chuyển biến nhận thức đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và học sinh sinh viên.
Những giải pháp để thực hiện công tác giáo dục phẩm chất đạo đức cho đoàn viên sinh viên, phát huy từ vai trò của Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên cũng được ngành Giáo dục đưa ra cùng những chỉ đạo sát sao.
Phát huy sức mạnh tập thể
Giáo dục phẩm chất đạo đức cho đoàn viên sinh viên là một quá trình lâu dài , phức tạp, diễn ra ở nhiều môi trường khác nhau, có liên quan đến nhiều mối quan hệ phức tạp và chịu sự tác động của nhiều lực lượng trong và ngoài nhà trường chứ không phải theo tính thời vụ và phong trào.
Vì vậy, đề đạt được kết quả tốt trong công tác giáo dục phẩm chất đạo đức trong các nhà trường rất cần sự chỉ đạo cụ thể, sâu sát của Đảng ủy, Ban giám hiệu đối với Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên; sự phối hợp chặt chẽ với các phòng, ban, khoa chức năng, giáo viên chủ nhiệm...
Đồng thời phát huy sức mạnh tập thể của các chi đoàn cán bộ giảng dạy và các tổ chức chính trị - xã hội khác trong trường; sự phối hợp chặt chẽ với các lực lượng trong và ngoài nhà trường tham gia công tác giáo dục phẩm chất đạo đức cho đoàn viên, sinh viên nữ.
Chấn chỉnh hoạt động các chi đoàn, chi hội
Hiện nay, sinh hoạt chi đoàn, chi hội sinh viên là khâu yếu của công tác đoàn trong các trường ĐH, CĐ. Mặc dù việc tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ chi đoàn, chi hội được tổ chức thường xuyên, đều đặn theo năm học, song nhiều chi đoàn, chi hội hoạt động còn chiếu lệ, non kém về nghiệp vụ, đơn điệu về hình thức.
Có chi đoàn, chi hội trong một năm học không tổ chức sinh hoạt, hồ sơ, sổ sách không ghi chép, quản lý đoàn viên lỏng lẻo nhưng vấn có báo cáo và được Đoàn thanh niên, Hội sinh viên trường khen thưởng.
Bộ GD&ĐT nhấn mạnh, hoạt động của chi đoàn, chi hội sinh viên có tác động và ảnh hưởng trực tiếp đến công tác giáo dục phẩm chất đạo đức cho đoàn viên, sinh viên nữ. Từ đó, yêu cầu Đoàn, Hội củng cố, chấn chỉnh hoạt động của chi đoàn, chi hội.
Tăng cường việc cử cán bộ Đoàn, Hội kiểm tra xây dựng và thực hiện kế hoạch của chi đoàn, chi hội về giáo dục phẩm chất đạo đức và nhân rộng điển hình. Đoàn, Hội cũng cần đề xuất với lãnh đạo nhà trường có chế độ ưu tiên, khen thưởng cho cán bộ Đoàn, Hội có thành tích học tập và công tác Đoàn, Hội xuất sắc.
Ngoại khóa: Tránh “đầu voi, đuôi chuột”
Theo yêu cầu của Bộ GD&ĐT, Đoàn, Hội phối hợp giáo dục chính trị tư tưởng cho đoàn viên, sinh viên với giáo dục phẩm chất đạo đức thông qua các hoạt động ngoại khóa, qua hoạt động các câu lạc bộ trong nhà trường.
Lưu ý, khi xây dựng chương trình hoạt động cho các câu lạc bộ cần cụ thể, có tính khả thi, kế thừa, tránh hiện tượng “đầu voi, đuôi chuột”, có nghĩa là có công nhận nhưng không hoạt động; hoặc hoạt động trong một thời gian ngắn rồi tan rã.
Bên cạnh đó, thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa về các chủ đề: Giáo dục phòng chống tội phạm, an toàn giao thông học đường, phòng chống ma túy – HIV/AIDS...; đồng thời tập trung xây dựng các ban tư vấn giới tính, sức khỏe sinh sản, giới thiệu việc làm...
Để đấu tranh ngăn ngừa, phòng chống các loại tội phạm, đặc biệt là tội phạm trong trường học, cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa các đoàn thể. Đoàn, Hội cần quản lý chặt chẽ đoàn viên, sinh viên; phát động phong trào sinh viên tích cực đấu tranh chống tội phạm; thiết lập đường dây nóng, hòm thư góp ý trong nhà trường nhằm phát hiện và ngăn chặn các loại tội phạm mà người phạm tội và nguời bị hại đều là đoàn viên, sinh viên.
Nêu cao tinh thần tình nguyện vì cộng đồng
Giáo dục phẩm chất đạo đức cho đoàn viên sinh viên cũng có thể thông qua các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, đồng thời nêu cao tinh thần tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng. Đoàn, Hội cần xây dựng các chương trình hoạt động cụ thể, phù hợp với đặc thù tại đơn vị mình.
Phải triển khai nhiều hoạt động đủ sức cuốn hút để đoàn viên sinh viên thực hiện tốt hơn phong trào tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng; bảo vệ tổ quốc, giữ gìn an ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội; xây dựng lớp đoàn viên sinh viên giàu lòng yêu nước, có lối sống đẹp.
Phát triển phẩm chất yêu nước lên tầm cao
Đoàn, Hội trong các trường ĐH, CĐ cần chủ động giao lưu, hợp tác quốc tế (tùy điều kiện). Đây là một yêu cầu tất yếu để xây dựng và phát triển văn hóa, phát triển những phẩm chất yêu nước của con người Việt Nam hiện đại cho sinh viên.
Đoàn, Hội cần hướng cho sinh viên tìm hiểu, nghiên cứu những phẩm chất tốt đẹp, tiến bộ, nhân văn của các dân tộc khác. Qua đó, tiếp thu có chọn lọc các giá trị yêu nước, học tập những kinh nghiệm tốt về giáo dục phẩm chất yêu nước chân chính của các dân tộc trên thế giới. Đồng thời, cần làm tốt việc giới thiệu văn hóa, phẩm chất yêu nước của con người Việt Nam, của phụ nữ Việt Nam với thế giới.
Các hoạt động của Đoàn, Hội các cấp trong trường ĐH, CĐ nhằm tuyên truyền về hoạt động quốc tế, đặc biệt về tình đoàn kết, hữu nghị, mối quan hệ hợp tác giữa phụ nữ Việt Nam với phụ nữ các nước trong khối Asean, khu vực châu Á và phụ nữ trên thế giới.
Mở rộng giao lưu văn hóa, tiếp thu tinh hoa phẩm chất yêu nước của nhân loại phải gắn liền với việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, phẩm chất yêu nước của dân tộc, phát triển phẩm chất yêu nước Việt Nam lên tầm cao mới để góp phần bảo vệ, giữ gìn và làm phong phú cho nền văn hóa nhân loại.
Hải Bình