Khi từ “ly hôn” được dùng làm vũ khí
Vợ chồng chị Hoàng Xuân (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cả mấy tháng nay không có bữa cơm gia đình. Hai vợ chồng cứ như mặt trăng với mặt trời, không ai thèm nhìn mặt ai. Nguyên nhân vì anh chồng quá nhiều lần lỗi hẹn với các bữa cơm gia đình mà vợ đã dành hết tình cảm và công phu để chuẩn bị.
Nghe chồng nói về ăn cơm, chị lại đi chợ để nấu những món ngon nhất. Thế nhưng, đã bao nhiêu lần chị mòn mỏi đợi chồng bên mâm cơm nguội lạnh và anh luôn về nhà vào lúc nửa đêm với nồng nặc mùi bia rượu và vài câu giải thích rất chung chung cho qua chuyện.
Rồi chị tình cờ vào facebook chồng và phát hiện những lần chồng thông báo có việc đột xuất, đi gặp khách hàng, trực cơ quan đều là để “check in” tại những địa điểm ăn nhậu.
Ngay đêm đó, vợ chồng chị chiến tranh lạnh. Chị thất vọng và chỉ nói một câu: “Nếu anh không thay đổi thì rất có thể chúng ta sẽ ly hôn”. Nhiều lần sau đó, ngựa vẫn quen đường cũ và đề nghị ly hôn lại được thốt ra: anh làm đơn đi, tôi không thể chịu nổi anh nữa rồi. Kèm theo lời dọa là gian bếp lạnh tanh, chị quyết không nấu cơm cho anh ăn nữa.
Trường hợp của vợ chồng chị Xuân không phải cá biệt, dù rất ghét thói nhậu nhẹt tụ tập bạn bè của chồng nhưng chị vẫn rất thương anh vì bản tính phóng khoáng, hiền lành lại chịu đựng vợ, chẳng qua là vì anh cả nể bạn bè nên dễ lôi kéo vì những cuộc vui.
Những lúc như thế, anh tìm mọi cách để nói dối vợ. Lúc đầu nghe lời hù dọa ly dị của vợ, anh rất sợ và hối lỗi nhưng vài ngày sau thì đâu lại vào đấy hết. Mọi lời đe dọa cứ lặp đi lặp lại hằng ngày và anh nghe mãi đến nhàm tai. Dần dần anh cảm thấy rất “nhờn”.
Thế nhưng, cũng có những bà vợ muốn đem vấn đề ly hôn ra dọa và ngay lập tức sau đó chồng đã thay đổi.
Chuyện vợ chồng chị Huế, (quận Thanh Xuân, Hà Nội) là trường hợp như thế. Vợ chồng chị có một cuộc sống khá hạnh phúc nhưng chồng chị lại lười làm việc nhà, cứ đi làm về là anh chỉ nằm xem phim, còn lại mặc kệ chuyện dọn dẹp, nấu ăn, chăm con cho vợ, nghiễm nhiên cho rằng đó là việc của đàn bà.
Chị Huế rất tức giận và yêu cầu chồng phải thay đổi nếu không chị sẽ viết đơn ly dị. Sau khi anh Tuyến, chồng chị Huế nghe lời hù dọa của chị thì lập tức thay đổi ngay. Từ đó trở đi, anh chăm chỉ làm việc nhà giúp vợ, cuộc sống gia đình anh chị kể từ đó cũng dễ chịu hơn hẳn.
"Dọa" sao cho hiệu quả?
Xung đột vợ chồng là việc khó tránh khỏi. Những lúc căng thẳng cũng khó tránh những câu không hay về nhau, thậm chí có cả những câu buông bỏ, bất cần. Nhiều cặp vợ chồng có xu hướng lạm dụng lời hù dọa ly hôn. Câu đó được xem như liều thuốc bất đắc dĩ cuối cùng để mong cứu vớt hạnh phúc.
Tuy nhiên, trường hợp chị Xuân sử dụng thuốc quá liều thành ra nhờn thuốc còn chị Hiền thì sử dụng sai thuốc nên đã vẽ đường cho hươu chạy.
Hù dọa sao cho hiệu quả là việc cực khó, việc này không có một mẫu chung cho tất cả gia đình. Tuy nhiên, một người phụ nữ nhạy bén sẽ có cách hành xử đúng đắn nhất, để trị các tật xấu của chồng. Bên cạnh đó, muốn giữ hạnh phúc gia đình, người vợ cần là người hiểu rõ chồng mình và tìm cách ngăn ngừa, hạn chế những thói hư tật xấu của chồng một cách thường xuyên.
Theo các chuyên gia tâm lý, vợ chồng không nên dọa nhau bởi dù đàn ông có "yếu bóng vía" hay thỉnh thoảng nghe lời vợ thì những lời hù dọa chỉ có tác dụng khi các chị em ở thế thượng phong. Đàn ông thường rất ghét sự hăm dọa, nhất lại là đưa hạnh phúc gia đình ra để đùa bỡn.
Hôn nhân là mối quan hệ được xây dựng dựa trên tình yêu và sự bình đẳng, tự nguyện của cả hai người. Đó là sự gắn kết thiêng liêng nên không phải bạn có thể phá vỡ bất kể lúc nào bạn muốn. Hãy kéo chồng về phía mình thay vì hù dọa và xua đuổi. Đừng để những lời của mình trở nên mất trọng lượng, nhàm chán.
Chồng bạn sẽ sẵn sàng làm vui lòng bạn một cách tự nguyện, không miễn cưỡng, gượng ép. Vợ chồng sẽ càng khăng khít, thông cảm và hiểu nhau hơn. Chiêu "lạt mềm buộc chặt" chưa bao giờ cũ và thừa trong quan hệ vợ chồng, từ xưa đến nay.