Do thám – chuyện thường ngày ở Mỹ

Do thám – chuyện thường ngày ở Mỹ

Cựu nhân viên tình báo Edward Snowden, người đã tiết lộ việc NSA nghe lén và xâm nhập thư điện tử của tất cả người dân Mỹ. Snowden bị Mỹ kết án với ba tội danh, trong đó có tội vi phạm điều luật tình báo của Mỹ. Hiện nay, cựu nhân viên tình báo này đã được phép tị nạn tại Nga
Cựu nhân viên tình báo Edward Snowden, người đã tiết lộ việc NSA nghe lén và xâm nhập thư điện tử của tất cả người dân Mỹ. Snowden bị Mỹ kết án với ba tội danh, trong đó có tội vi phạm điều luật tình báo của Mỹ. Hiện nay, cựu nhân viên tình báo này đã được phép tị nạn tại Nga

(GD&TĐ) - Trong lúc câu chuyện về quá trình do thám của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ tiếp tục bị phanh phui, thì không chỉ những người ủng hộ ông Obama mà cả những thành viên đảng Cộng hòa - đối thủ của ông đã nhanh chóng đứng về phía bảo vệ Tổng thống Mỹ.

Ta với mình tuy hai mà một

Chủ tịch Hội đồng tình báo của Hạ nghị viện Mike Rogers cảnh báo rằng những cáo buộc về NSA là không đúng đắn: “Họ chỉ nhìn thấy một vài trong số hàng ngàn mảnh ghép, vậy mà đã vội vã đi đến kết luận”.

Theo lời phát biểu trước một ủy ban Quốc hội Mỹ của Giám đốc Cơ quan tình báo quốc gia James Clapper thì việc theo dõi các cuộc gọi của 35 nhà lãnh đạo thế giới chỉ là công việc theo dõi – điều mà tất cả các nước đều làm, không có gì “đáng làm ầm lên”.

Rõ ràng, trong giai đoạn cuộc chiến âm thầm đang khiến Washington tê liệt, thì hai đảng Cộng hòa và Dân chủ đã dễ dàng đạt được thỏa thuận rằng nên xếp lại một bên vấn đề về các chương trình an ninh quốc gia đang gây ầm ỹ chính trường quốc tế.

Nhưng rõ ràng, những lập luận này đã bỏ qua tầm quan trọng của trách nhiệm giải trình trong các chiến dịch an ninh quốc gia của Mỹ. Dường như quan điểm cho rằng người dân chỉ nên tin là chính phủ Mỹ đã luôn hành động đúng đắn để bảo vệ an ninh quốc gia đã tỏ ra khiếm khuyết. 

Lịch sử do thám của Mỹ

Đây không phải lần đầu tiên vấn đề do thám để “bảo vệ an ninh quốc gia” của Mỹ gây ồn ào trong dư luận. Mỹ đã có một lịch sử lâu dài về việc các cơ quan an ninh quốc gia, đôi khi được sự chấp thuận của Tổng thống, đã lạm dụng quyền hạn và quyền lực của mình để do thám chính công dân Mỹ.

Nhiều người còn nhớ những năm 1960, khi đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đều sử dụng các cơ quan chính phủ để đe dọa và làm phiền các nhà hoạt động xã hội chiến đấu vì quyền công dân và chống chiến tranh Việt Nam.

Với sự chấp thuận của Tổng chưởng lý Robert Kennedy, FBI đã sử dụng biện pháp do thám, ghi âm các cuộc gọi của mục sư Martin Luthere King Jr nhằm tìm ra bằng chứng về vai trò của chủ nghĩa Cộng sản trong phong trào dân quyền.

Mặc dù vậy, những gì họ ghi lại được chỉ là những thông tin cá nhân của người bị theo dõi và quá khứ của những cố vấn hàng đầu - thứ thông tin có thể sử dụng để chống lại chính phong trào này nếu các yêu cầu của nó gây quá nhiều phiền nhiễu. Giám đốc FBI J.Edgar Hoover chính là người đã rò rỉ thông tin cho báo chí và cho các đối thủ của mục sư Luthere King.

Một báo cáo của Quốc hội Mỹ sau này cho thấy, chương trình do thám này đã “làm mất uy tín của tiến sỹ King và vô hiệu hóa ông trong vai trò người lãnh đạo của phong trào dân quyền”. Chính tổng thống Lyndon Johnson và Richard Nixon đã đồng ý cho phép các nhà chức trách đặt máy ghi âm và xâm nhập tư gia các nhà hoạt động phản chiến.

Chính quyền Mỹ khi đó đã tung ra các cảnh báo gây tổn hại cũng như các thông tin tới giới truyền thông và những người ủng hộ chiến tranh nhằm đẩy các nhà hoạt động phản chiến vào thế bất hợp pháp, đồng thời gây hoang mang, mất lòng tin và nhen nhóm sự thù địch khiến các thành viên của phong trào quay lưng lại với nhau.

Những tiết lộ động trời

Những năm 1975 – 1976, trong một phiên điều trần trước Quốc hội, thượng nghị sỹ bang Idaho Frank Church gây sốc với các tiết lộ về các chiến dịch của CIA, đồng thời công khai một báo cáo chi tiết về việc cơ quan này đã bí mật tham gia vào các hoạt động như âm mưu ám sát các nhà lãnh đạo nước ngoài và do thám bất hợp pháp công dân Mỹ để thu thập thông tin tình báo.

Quốc hội Mỹ đã áp đặt quy định mới và thành lập một tòa án theo dõi các hoạt động của CIA, tuy nhiên, các luật này tỏ ra kém vững chắc và trở thành vô dụng sau cuộc tấn công khủng bố 11/9.

Sau nhiều cải cách được thực hiện những năm 1960 và 1970, các cơ quan tình báo Mỹ tiếp tục mở rộng, một phần của bộ máy an ninh quốc gia thường trực của Mỹ được thành lập. Sau cuộc khủng bố 11/9, Mỹ càng đẩy mạnh các hoạt động giám sát do thám hơn nữa. 

Cái khó bó cái khôn

Một số ý kiến cho rằng ngay cả khi các nhân viên NSA “chơi đúng luật” và biết tự điều chỉnh, thì họ vẫn khó kiểm soát được mọi việc, bởi trong thời đại hiện nay, dù NSA có mong muốn hạn chế những thông tin có thể gây tổn hại đến Mỹ và công dân Mỹ, thì ý nguyện này cũng cực kỳ khó thực hiện.

Những câu chuyện về WikiLeaks hay tác động của Edward Snowden cho thấy việc kiểm soát các thông tin mật đang trở nên “bất khả thi”. Một khi có sự rò rỉ, thông tin sẽ lan truyền với tốc độ chóng mặt qua Internet.

Với nỗi ám ảnh rò rỉ thông tin lơ lửng, những biện pháp hiệu quả nhất mà Quốc hội Mỹ có thể thực hiện là kiểm tra các quy định nhằm đảm bảo các nhân viên tình báo quốc gia không tiến hành các hoạt động “rà soát” nhằm vào người dân và các nhà lãnh đạo đồng minh then chốt. 

Những tiết lộ của NSA buộc các cơ quan lập pháp và hành pháp Mỹ phải xem xét kỹ lưỡng và toàn diện về cách điều hành của NSA, cũng như tìm kiếm các biện pháp nhằm ngăn chặn những hoạt động không cần thiết, gây thiệt hại nhiều hơn mang lại lợi ích, hoặc các hoạt động xâm phạm đến quyền tự do của người dân, nhằm tăng cường sự tin tưởng và tự tin trong chính nội bộ NSA, cho phép cơ quan này thực hiện nhiệm vụ của mình nhằm đảm bảo an ninh nước Mỹ.

Kiều Trinh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.