“Đổ rác đúng nơi quy định”

GD&TĐ - Càng tự hào bao nhiêu về văn hóa truyền thống, lại càng hổ thẹn về cách mà người Việt xả rác.

Ảnh minh họa/INT.
Ảnh minh họa/INT.

Xả rác bừa bãi, đã là một câu chuyện rất cũ của người Việt. Thế nhưng, khi bàn đến câu chuyện xưa cũ này, lại lộ ra những nghịch lý rất khó giải thích liên quan đến văn hóa.

Người Việt tự hào về lịch sử 4.000 năm, về văn hiến của mọi vùng đất trên dải đất hình chữ S. Người Việt cũng rất điển hình khi chiến thắng mọi kẻ thù, và rất có tình nghĩa trong đối xử với người ngoại quốc, và giữa đồng bào với nhau.

Những tưởng bề dầy lịch sử cùng sự tự hào về văn hóa truyền thống sẽ đem đến một hình ảnh người Việt rất đẹp: Sạch sẽ, tôn trọng cộng đồng, bảo vệ môi trường sống và sẵn sàng đấu tranh với mọi hành động tổn hại đến không gian công cộng.

Nhưng không, đa số người Việt lại thờ ơ với nguyên tắc ứng xử đó. Điều này đã và đang đem lại những hệ quả nặng nề, không chỉ đối với môi trường mà còn trực tiếp làm méo mó văn hoá. Thậm chí nghiêm trọng hơn, nó làm thay đổi quan niệm và cách nhìn nhận của con người về văn hoá ứng xử.

Mới đây, tạp chí Time bình chọn Hà Nội vào top 100 điểm đến tuyệt nhất thế giới năm 2021. Thế nhưng, ngoài những hình ảnh lung linh đèn điện ở những con phố lớn, nhà hàng sang trọng… thì người ta không thấy những đống rác đang bốc mùi.

Rác trở thành nỗi ám ảnh quá lớn không chỉ với người Hà Nội, mà còn với khách quốc tế. Bỏ qua những bất cập trong việc thu gom rác thải mà chính quyền đã ký với đơn vị phụ trách môi trường, mà nhìn vào hành động của mỗi cá nhân.

Ở các bến xe, thùng rác màu xanh lá cây được bày biện dường như chỉ để cho có. Hành khách xả rác mọi vị trí, không quan tâm cái thùng màu xanh là cái gì. Ở bệnh viện, trường học có đỡ hơn nhưng nếu không có bộ phận quét dọn thì rác vẫn tràn lan.

Vừa qua, cư dân mạng bàn tán về hình ảnh một bồn hoa ở hồ điều tiết Xuân Hòa A thuộc thành phố đáng sống – Đà Nẵng. Thay vì bồn hoa sẽ được trồng hoa, thì những người đi hóng mát, những cặp đôi hẹn hò… rủ nhau mang rác đổ vào đây!?.

Tại TPHCM, đảo ngọc Phú Quốc hay bất kỳ khu du lịch nào, hình ảnh rác vẫn là thứ dễ bắt gặp nhất. Rác trở thành vật chứng để chứng minh ý thức và văn hoá sống của mỗi người – thế nhưng, dường như ai cũng cố lờ đi và chấp nhận để rác khoả lấp phần văn hóa.

Với người Hàn, Nhật hay các nước châu Âu thì “đổ rác đúng nơi quy định” mới chỉ là một yêu cầu rất nhỏ. Họ phải phân loại đúng rác, bỏ vào đúng túi, để vào đúng chỗ, để rác đúng giờ. Và tất nhiên, trong xã hội như vậy, kẻ vứt rác bừa bãi là một tên biến thái.

Người Việt vẫn luôn có tinh thần yêu thương và đùm bọc nhau. Thế nhưng, ít ai biết yêu thương và sẻ chia với những người làm nghề quét dọn rác. Bởi vì nếu yêu thương, thì người ta đã không xả rác vô tội vạ.

Đừng để rác “vạch trần” sự tàn nhẫn, và đừng để rác lấp mất phần văn hoá vốn rất tốt đẹp của người Việt.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tên lửa đạn đạo phi hạt nhân mới “Oreshnik” của Nga

'Mục tiêu nóng' đang chờ Oreshnik?

GD&TĐ -Nga được cho là đã biên soạn một danh sách các địa điểm quân sự quan trọng của Kiev sẽ bị nhắm mục tiêu trong giai đoạn tiếp theo của cuộc xung đột.