Công tử Bạc Liêu - Hắc công tử
Công tử Bạc Liêu - Trần Trinh Huy (1900 - 1974) là con thứ 3 của ông hội đồng Trần Trinh Trạch, một điền chủ giàu nhất Bạc Liêu. Ông Trạch có 7 người con gồm 3 trai, 4 gái. Cả 3 con trai đều là những tay ăn chơi khét tiếng nhưng nổi trội nhất vẫn là cậu ba Huy.
Đến Bạc Liêu gặp những người lớn tuổi, bạn có thể nghe được những giai thoại về Công tử Bạc Liêu.
Chuyện kể, sau khi được cha giao quản lý điền sản, mỗi khi đi thăm ruộng cậu ba Huy mặc veston thắt cravatte ngồi trên chiếc Ford vedette. Ở những khu vực phải di chuyển bằng đường thủy, cậu ba dùng ca nô.
Thời bấy giờ các phương tiện trên sông đều chèo tay. Chiếc ca nô của cậu ba Huy đi thăm ruộng chạy bằng máy là một hình ảnh hiếm hoi ở vùng quê Bạc Liêu.
Mỗi khi chơi thể thao, cậu ba Huy sử dụng chiếc Peugeot loại thể thao. Xe này ở miền Nam thời bấy giờ ngoài cậu ba ra chỉ còn một người nữa sử dụng là vua Bảo Đại.
Xe Citroen của Công tử Bạc Liêu (hiện trưng bày tại nhà lưu niệm Công tử Bạc Liêu). Ảnh: Trần Chánh Nghĩa |
Tương truyền, trên đời này cậu ba không chịu lép vế hơn bất cứ ai kể cả vua chúa. Vì thế hễ vua Bảo Đại có gì là cậu ba Huy có nấy, kể cả máy bay.
Máy bay của vua Bảo Đại được mua bằng công quỹ. Chỉ có Công tử Bạc Liêu là người Việt Nam duy nhất thời ấy sở hữu máy bay tư nhân. Cậu thường tự lái máy bay để đi thăm đồng ruộng.
Chuyện ăn chơi và khả năng chịu chi của Hắc công tử cũng khiến người ta trầm trồ.
Nghe kể lại, vì say mê nhan sắc và giọng hát của cô ca sĩ trẻ trong nhà hàng, Hắc công tử đã chi 100.000đ (tương đương với nửa kg vàng) chỉ để mời nữ ca sỹ một ly rượu.
Có lần, cậu ba Huy lên Sài Gòn chơi, cậu gọi một chiếc xe kéo để dạo một vòng thành phố. Chiếc xe vừa được kéo đi, cậu nhìn lại thấy còn khoảng hơn 20 chiếc chờ khách.
Không do dự, cậu gọi hết các xe đó lại, mỗi xe chở cho cậu một thứ. Thế là một đoàn xe kéo dài thườn thượt mà trên mỗi xe chỉ chở một món đồ như cặp kính, cây gậy, chiếc nón... Những người phu xe mừng rỡ nhận được khoản tiền hậu hĩnh từ những chuyến đi như thế.
Tuy vậy, cậu ba không ở lâu một nơi nào. Cậu thường xuyên di chuyển khi thì Vũng Tàu, lúc lên Đà Lạt hoặc trở về Cần Thơ.
Cậu luôn chìm đắm trong những cuộc truy hoan suốt sáng thâu đêm. Những chai rượu champagne đắt tiền nhập từ Pháp, những món ăn cầu kỳ lạ miệng đều được bày biện trong những tiệc rượu có cậu tham dự.
Phòng khách bên trong nhà Công tử Bạc Liêu. Ảnh: Trần Chánh Nghĩa. |
Sau những cuộc nhậu nhẹt ngút trời như thế, cờ bạc là thú vui không thể thiếu với Công tử Bạc Liêu.
Cậu từng đánh bạc với quốc trưởng Bảo Đại, với Bảy Viễn - một tay giang hồ trùm sòng bạc Đại Thế Giới. Trong những lần đánh bạc, có lần cậu thua đến 30.000đ. Thời điểm này lúa chỉ có 1,7đ/giạ và lương của Thống đốc Nam kỳ cũng chỉ 3000đ/tháng.
Hắc công tử (trái) và Bạch công tử (phải),. |
Bạch công tử - tay chơi bậc nhất trời Nam
Ông là Lê Công Phước hay còn gọi là George Phước (1901- 1950).
Là con trai thứ 4 của Đốc phủ Lê Công Sủng, Bạch công tử sinh ra tại làng Điều Hòa, tổng Thuận Trị, quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (nay thuộc phường 3 TP. Mỹ Tho).
Mức giàu có của đốc phủ Sủng đứng vào hàng nhất nhì của khu vực Mỹ Tho - Gò Công lúc bấy giờ.
Trên đất Pháp, thay vì chuyên tâm học tập, George Phước lao vào ăn chơi trụy lạc.
Ông Sáu Hiệp - con của ông Nguyễn Hoàng Phi (từng là tài xế cho cậu Phước) kể: Tại Paris hoa lệ, cậu tư nhanh chóng kết thân với giới quý tộc ở Pháp.
Tỏ ra là một ‘tay chơi’ thời thượng và đẳng cấp, George Phước thuê hẳn một phòng đặc biệt tại khách sạn ở trung tâm Paris để ở dài hạn.
Mỗi ngày, cậu tư mặc một bộ quần áo khác nhau được may từ loại vải đắt tiền nhất ở Pháp lúc bấy giờ để không phải ‘đụng hàng’. Phong cách ăn mặc của công tử cũng đậm chất quý tộc với chiếc nón Flécher, tay cầm ba-ton bằng gỗ mun bịt vàng, điếu xì – gà và khoác lên mình chiếc áo choàng bằng da thú vào mùa đông.
Tối đến, cậu lại cùng những người bạn Việt tại Pháp và giới quý tộc đến nhà hàng Table des Mandarins danh tiếng ăn nhậu, rồi cùng nhau lả lướt trên từng bước nhảy đầm…
Khi trở về Việt Nam, Lê Công Phước phải lòng cô đào Phùng Há. Để có thể chiếm trọn trái tim của người đẹp, Bạch công tử đã bỏ tiền thành lập gánh hát Huỳnh Kỳ mà Phùng Há làm đào chính, đi lưu diễn khắp miền lục tỉnh.
Thời ấy, phương tiện đi lại giữa miền đất khắp bốn bề sông nước chủ yếu là bằng xuồng ghe. Nhưng Bạch công tử đã cho người đóng chiếc ghe bầu loại lớn giống như chiếc du thuyền, di chuyển bằng động cơ nhập từ Pháp về, cao hai tầng, có phòng ngủ riêng của từng người, gian ăn uống, khu câu cá giải trí, nhà vệ sinh. Ở trên "du thuyền" còn được lắp đèn điện sáng cả một vùng mỗi lần chiếc ghe đi qua.
Tuy vậy, sau những cuộc chơi hoang phí vô độ, gia tài của mẹ cha để lại sớm vơi dần rồi đi đến chỗ khánh tận.
Khi chưa được 50 tuổi cậu tư Phước phải sớm lìa đời vì ma túy. Thi hài Bạch công tử được một người quen đem về an táng trên miếng đất vốn là của ông nay đã đổi chủ.
Mộ Bạch công tử thứ 2 từ ngoài vào. Trên bia chỉ vỏn vẹn mấy chữ: "Bạch công tử, George Lê Công Phước", không ngày sinh ngày mất và tên người lập mộ. |
"Đệ nhất công tử" Tây đô - Dương Văn Quản
Theo gia phả của dòng họ Dương còn lưu truyền lại tại huyện Bình Thủy (TP. Cần Thơ), Dương Văn Quản (cậu Ba Quản) là trưởng nam của ông bà Dương Lập Cang và Trần Thị Thảo.
Người trong ảnh được đánh dấu mũi tên là công tử Quản. Ảnh chụp từ gia phả họ Dương. |
Sinh thời, công tử Dương Văn Quản (hay còn gọi là Ba Quản) rất đẹp trai, lại có tiếng là giàu có. Ông được cha để lại cho khối tài sản khổng lồ cùng với ngôi nhà to lớn nhất Cần Thơ lúc bấy giờ. Đất nhà ông Ba Quản cũng rất rộng, từ H.Trà Nóc (TP.Cần Thơ) cho đến cuối H.Phụng Hiệp (tỉnh Hậu Giang).
Có nhiều tiền, nhà rộng lại sở hữu hàng trăm mẫu đất, công tử Quản thích là bán vài miếng để sắm sửa. Khi đó, ô tô là một món hàng vô cùng xa xỉ, ở miền Tây rất ít người có, nhưng công tử Quản cũng mua được một chiếc "xịn".
Trong những cuộc vui chơi, thách thức lẫn nhau của giới nhà giàu Tây Đô, không một ai vượt qua được vị thiếu gia họ Dương. Cho đến khi công tử Tây Đô gặp Hắc công tử Trần Trinh Huy.
Cầu Cái Răng nơi ngày xưa 2 công tử đối đầu. Ảnh: Trần Chánh Nghĩa. |
Bà Nguyễn Thị Hồng Hoa, cháu đời thứ 3 của công tử Quản từng kể, công tử Tây Đô và Hắc công tử thỏa thuận sẽ đánh bài, mỗi ván cược hàng trăm đồng bạc, nếu ai hết tiền trước thì sẽ thua và phải cúi đầu nhường đường cho kẻ thắng.
Cuộc giao đấu kéo dài quá trưa mà 2 vị công tử vẫn còn hàng bao tải tiền bên mình. Sốt ruột, 2 bên thay đổi thể lệ là đếm tiền xem ai có nhiều hơn. Vậy là 2 vị công tử cho người về nhà, mang hết số tiền đang có ra... đếm.
Kết quả là công tử Ba Quản thua thảm bại bởi tuy giàu có nhưng "chưa là gì" so với vị thiếu gia có tới hàng chục tấn vàng họ Trần.
Từ đó, hai công tử hiểu nhau hơn, kết tình bằng hữu thân thiết hơn. Hai gia tộc họ Trần và họ Dương cũng gần gũi hơn cho đến ngày công tử Quản qua đời (1960), thì mối giao hảo này cũng phai nhạt dần...