Tổng kinh phí có thể không dừng lại ở 90 tỷ USD
Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Phú Đông (đoàn Bắc Ninh), tổng kinh phí cho Đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có thể không dừng lại ở 90 tỷ USD.
Chúng ta huy động vốn bằng cách nào? Có thể huy động bằng đấu giá đất; huy động nguồn lực kinh tế ngoài quốc doanh; ngân sách nhà nước; nguồn vốn FDI, ODA…
ĐBQH Nguyễn Phú Đông (Bắc Ninh) (bên phải): "Chính phủ nên tính toán kỹ lưỡng hơn nữa để bản quy hoạch có tính khả thi cao" (ảnh: gdtd.vn). |
“Khi quy hoạch, chúng ta phải biết rõ nguồn vốn của chúng ta lấy từ đâu, vay bao nhiêu, nội lực có bao nhiêu… Đồ án quy hoạch cứ nói chung chung thì rất khó cho Quốc hội. Cùng đó, chúng ta cũng phải biết tỷ lệ sử dụng vốn hàng năm là bao nhiêu, tiến độ thực hiện như thế nào… Từ nay đến năm 2050 là khoảng thời gian rất dài…” – đại biểu Đông băn khoăn.
Đồng quan điểm đó, đại biểu Nguyễn Thị Quốc Khánh băn khoăn, đây là dự án quá đồ sộ, nếu chúng ta vay ODA cũng phải trả. Phải phân kỳ như thế nào chứ thế này rất dàn trải. Nếu chuyển khu hành chính về Ba Vì thì đến năm nào? Cần phân kỳ rõ ràng, họp báo để thông tin cụ thể.
ĐBQH Nguyễn Thị Quốc Khánh (Hà Nội): "Cần phân kỳ đầu tư rõ ràng, và họp báo công khai" (ảnh: gdtd.vn). |
Theo Quy hoạch, dự kiến tổng vốn đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật từ 2010 đến 2050 khoảng 90 tỷ USD. Khung hạ tầng chiếm từ 40% đến 50% tổng vốn, như vậy đến năm 2030, có từ 20 đến 30 tỷ USD đầu tư vào xây dựng khung hạ tầng.
Giai đoạn 2010 - 2020: 30,7 tỷ USD; Giai đoạn 2020 - 2030: 28,9 tỷ USD; Đến năm 2050: thêm 29,9 tỷ USD.
Quy hoạch mới có kế thừa các quy hoạch trước đây?
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Phú Đông nhận định: “Tôi cũng có băn khoăn là bản quy hoạch này mới bắt đầu xây dựng từ tháng 12/2008, vậy thì các dự án được phê duyệt trước đó tính như thế nào? Bản quy hoạch này có phá vỡ, có mâu thuẫn với các quy hoạch trước đó hay không? có gì kế thừa hay không? Tôi tin rằng, quy hoạch này sẽ phá vỡ nhiều quy hoạch, nhiều đề án, bởi mỗi đề án đều có tầm nhìn 10 – 20 năm…
Cùng đó, nếu chuyển khu hành chính đi nơi khác thì trụ sở cũ sẽ giải quyết như thế nào? Tầm nhìn của bản quy hoạch tới 2050, vậy từ nay tới lúc đó, các trụ sở ở chỗ cũ có tiếp tục xây mới hay không, hay phải đợi đến 2050 để chuyển đến trụ sở mới? Tôi thấy có rất nhiều trụ sở mới xây, nếu phải phá đi thì sẽ lãnh phí rất lớn. Từ đó có thể thấy chắc chắn tổng vốn đầu tư không chỉ dừng lại ở 90 tỷ USD, chưa nói đến sẽ phá vỡ các cấu trúc phố cổ, văn hóa…
Về vấn đề này, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Quốc Khánh (đoàn Hà Nội) cho biết, Chính phủ vừa trình Quốc hội báo cáo về “sốt” đất vừa rồi ở Hà Nội, nhưng chúng tôi muốn biết, các đồ án quy hoạch cũ của Hà Nội như thế nào? Chúng ta bàn về quy hoạch Hà Nội, nhưng tôi muốn xem lại các quy hoạch cũ để đối chiếu lại không có. Chúng tôi cần quy hoạch cũ để chúng tôi có đủ thông tin xem xét, đi đến quyết định là rất quan trọng. Bởi các quy hoạch cũ, bao nhiêu tiền của nhân dân đã đổ vào đấy, chúng tôi phải xem quy hoạch mới có tính kế thừa không?
Bản quy hoạch này cũng còn nhiều vấn đề chưa rõ, ví dụ, vấn đề giãn dân, đưa các doanh nghiệp ô nhiễm, trường học ra ngoài thì phải thay bằng cây xanh, công trình công cộng, chứ đưa luôn cơ sở dịch vụ vào đây thay thế thì “tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa”. Nên chăng, cần có quan điểm đổi mới: muốn giãn dân, đưa trường học, doanh nghiệp về nơi quy hoạch, thì phải có quy chế là thay vào đó là công trình công cộng, cây xanh.
Chuyển trung tâm hành chính về Ba Vì có hợp lý?
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Thuận (đoàn Quảng Nam) cho rằng, nhìn chung, tôi tán thành cơ bản định hướng, bởi bản quy hoạch này không khác gì bản quy hoạch vùng Chính phủ đã xây dựng trước đây. Bản quy hoạch này, tôi không tán thành 2 điểm:
Một là, xây dựng trục Thăng Long; hai là chuyển khu hành chính Quốc gia về Ba Vì. Không tán thành xây dựng trục Thăng Long vì cách đó vài km chúng ta đã có cao tốc Láng – Hòa Lạc. Không tán thành chuyển khu hành chính Quốc gia về Ba Vì bởi, ai dám chắc Hà Nội và Hà Tây mãi mãi là một…Cùng đó, kinh nghiệm của thế giới thấy rằng, khu hành chính, chính trị tách xa nhau thì sẽ rất tốn kém, rất phức tạp. Tôi nghĩ, chúng ta hãy nhìn ra ngoài để quyết định có nên hay không. Theo tôi, Mỹ Đình vẫn là đất Thăng Long xưa, vì vậy, khu hành chính Quốc gia nên chuyển về Mỹ Đình. Về 5 khu đô thị vệ tinh thì tôi tán thành.
ĐBQH Nguyễn Văn Thuận (Quảng Nam): "Tôi cũng rất lo lắng về vấn đề quản lý quy hoạch" (ảnh: gdtd.vn) |
Ông Nguyễn Văn Thuận cho biết thêm, tôi cũng rất lo lắng về vấn đề quản lý quy hoạch. Trước đây, trường đại học Bách Khoa, trường đại học Ngoại ngữ, Kinh tế Quốc dân rất đẹp, quy hoạch đâu ra đấy, vậy mà đến nay các trường này đã bị “xẻ thịt”, trường học đã thành nhà, thành phố, thành phường…
Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Loan (đoàn Hà Nội) cho rằng, quy hoạch Thủ đô được rất nhiều người quan tâm. Khi chúng ta đang bàn về quy hoạch này thì ở ngoài thị trường nhà đất đã cực kỳ sôi động. Rất lạ là bản quy hoạch lại tập trung ở trục Thăng Long. Qua đây, chúng ta cũng thấy được lý do tại sao đất ở khu vực Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Thanh Oai lại sốt như thế.
ĐBQH Phạm Thị Loan (Hà Nội): "Rất lạ là bản quy hoạch lại tập trung ở trục Thăng Long" (ảnh: gdtd.vn). |
“Tôi thấy, quy hoạch này chưa đạt ý đồ. Thứ nhất, chưa thể hiện rõ những vướng mắc, bức xúc của Thủ đô cũ. Cũng chưa thể hiện được phương pháp giải quyết, ví dụ ngập úng, môi trường, giao thông, nhà siêu mỏng, siêu méo… Tôi thấy, đồ án quy hoạch Thủ đo này mới chỉ mới 30%, còn lại 70% vẫn như cũ... Những chỗ chưa quy hoạch được thì bản đồ án coi đó là vành đại xanh, nhưng thực tế là đất ở đây được để nguyên không đụng chạm, không quy hoạch” – đại biểu Loan bức xúc.
“Quyết định vấn đề này là đại biểu Quốc hội phải chịu trách nhiệm trước dân, trước con cháu của chúng ta sau này… Theo tôi, Chính phủ nên tính toán kỹ lưỡng hơn nữa để bản quy hoạch có tính khả thi cao. Khi Quốc hội đã cho ý kiến thì Quốc hội cũng phải giám sát chặt chẽ nhằm khắc phục tính tùy tiện, tự ý thay đổi quy hoạch, thay đổi trong thực hiện…” – đại biểu Quốc hội Nguyễn Phú Đông chia sẻ.
Quanh Anh