(GD&TD)-Ngày 29/11, Công ty cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam (VietNam Report) kết hợp với Báo điện tử VietNamNet công bố bảng xếp hạng VNR500 - TOP 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam 2011.
Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam là doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam về doanh thu trong BXH (ảnh MH) |
Bảng xếp hạng VNR500 được xây dựng dựa trên cở sở dữ liệu của VietNam Report và kết quả nghiên cứu số liệu điều tra mới nhất về các doanh nghiệp trên toàn quốc. Số liệu điều tra được cập nhật đến hết ngày 31/12/2010. Thứ hạng doanh nghiệp được sắp xếp dựa trên tiêu chí doanh thu.
Các doanh nghiệp có vốn Nhà nước chi phối tiếp tục chiếm tỷ lệ cao trong Bảng xếp hạng VNR500 năm 2011 với tỷ lệ 41,6%.
Ngoài số lượng lớn trong Bảng xếp hạng VNR500 năm 2011, các Tập đoàn và Tổng công ty Nhà nước cũng chiếm vị trí chi phối áp đảo trong Top 10 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam, với sự góp mặt của 4 Tập đoàn kinh tế Nhà nước và 2 Tổng công ty Nhà nước.
Các doanh nghiệp khối tư nhân và FDI chiếm tỷ lệ lần lượt là 37,4% và 21%. Điểm đáng lưu ý là khối tư nhân đang dần khẳng định được vị thế của mình trong nền kinh tế khi tỷ lệ doanh nghiệp khối tư nhân có mặt trong Bảng xếp hạng lần lượt tăng đều qua các năm (24% năm 2008, 30% năm 2009, 31,2% năm 2010 và 37,4% năm 2011).
Về cơ cấu ngành nghề, BXH VNR500 năm 2011 tiếp tục cho thấy một số ngành trọng điểm vẫn duy trì được vị thế ưu thế của mình, như các ngành Khoáng sản - Xăng dầu (chiếm tỷ lệ 15%), ngành Ngân hàng - Tài chính (9,8%), Thực phẩm - Đồ uống (8,2%), Viễn thông (6%), Điện (6,8%). Đáng chú ý có ngành Viễn thông với sự góp mặt của 2 doanh nghiệp trong ngành trong Top 10 của BXH năm 2011.
Các doanh nghiệp có vốn Nhà nước chi phối tiếp tục chiếm tỷ lệ cao trong Bảng xếp hạng VNR500 năm 2011 với tỷ lệ 41,6%. |
Các doanh nghiệp trong VNR500 năm 2011 ngày càng chứng tỏ được sức mạnh đáng kể của mình với Top 30 doanh nghiệp đầu tiên đủ điều kiện gia nhập nhóm câu lạc bộ doanh thu 1 tỷ USD với mức doanh thu trung bình của nhóm đạt 3,2 tỷ USD (tăng so với mức 2,7 tỷ USD trong Bảng xếp hạng năm 2010). Và rất đáng ghi nhận khi các doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam đang ngày càng thu hẹp khoảng cách với các doanh nghiệp trên toàn cầu khi Top 50 doanh nghiệp đầu tiên trong Bảng xếp hạng năm 2011 đủ tiêu chí về doanh thu để có thể đứng trong Bảng Xếp hạng Forbes 2000 về top 2000 doanh nghiệp lớn nhất toàn cầu.
Về địa bàn, chủ yếu các doanh nghiệp lớn trong BXH năm 2011 vẫn tập trung ở hai trung tâm kinh tế lớn là Hà Nội và TP.HCM. Số lượng DN nằm trong hai địa bàn này gần xấp xỉ nhau (với 25,8% cho TP.HCM và 21,8% cho Hà Nội). Các địa bàn khác chiếm tỷ lệ không đáng kể (dưới 6%).
Năm năm qua, cùng với những hoạt động tích cực của Ban tổ chức và các thành viên Câu lạc bộ VNR500 với sự tư vấn và tham dự của các giáo sư hàng đầu thế giới đến từ Trường Kinh doanh Harvard, Hoa Kỳ (HBS) như GS.John Quelch - Nguyên Phó Hiệu trưởng HBS, GS.Thomas Patterson - giám đốc Trung tâm Shorenstein, HBS, GS. Robert S. Kaplan, GS.Joseph Nye, GS.Stephen Walt... Bảng xếp hạng VNR500 và Câu lạc bộ VNR500 đã từng bước trở thành những giá trị đẳng cấp quốc tế, được cộng đồng kinh doanh trong nước và quốc tế ghi nhận.
Sau hơn 7 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, các doanh nghiệp tư nhân và hộ kinh doanh cá thể phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng, vị trí và vai trò ngày càng tăng, góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội. Tỷ trọng thu ngân sách từ khu vực KTTN tăng từ 6% (năm 2002) lên trên 11% (năm 2008). Năm 2010, khu vực kinh tế ngoài nhà nước đóng góp vào GDP 46,97%, trong đó có phần đóng góp quan trọng của KTTN; giải quyết trên 5 triệu việc làm mới, bình quân 800.000 lao động/năm, chiếm 50% số lao động tăng thêm của cả nước. Giai đoạn 2000-2010, cả nước có 330.490 doanh nghiệp đăng ký hoạt động, gần 4 triệu hộ kinh doanh cá thể. Trong 3 năm gần đây, số doanh nghiệp thành lập mới tăng gấp 1,5 lần về số lượng và gấp 5 lần về số vốn đăng ký so với giai đoạn 2000-2005. Sự phát triển KTTN là nhân tố không thể thiếu để nền kinh tế phát triển bền vững. Ở TPHCM, đầu tàu kinh tế của cả nước, hiện có trên 128.000 doanh nghiệp tư nhân, chiếm tới 80% số lượng doanh nghiệp trên địa bàn, về vốn chiếm khoảng 53%. Lực lượng này có vai trò hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế TPHCM những năm qua. Năng lực KTTN trong nền kinh tế đã được nâng lên đáng kể. Tổng vốn đăng ký giai đoạn 2000-2008 là 2.110 tỷ đồng, lớn hơn cả vốn FDI cùng kỳ, vốn đăng ký bình quân tăng 61,5%. Cơ cấu về ngành nghề, sản phẩm và quy mô vốn đầu tư của KTTN cũng có nhiều thay đổi. Một số doanh nghiệp của tư nhân đã phát triển thành tập đoàn kinh tế, tạo dựng được thương hiệu cả trong nước và quốc tế. |
Ngọc Lan