Vừa ngó đến sảo rau của chị hàng rong bên đường, nó đã reo vui: “Tuyệt diệu chưa kìa, vừa có thể làm gia vị vừa có thể thành bình hoa đẹp”.
Chưa kịp để cho mấy bà, mấy chị kế bên lao xao tỏ tường, nó đã sà xuống và nâng bó tía tô lên cao mà ngắm nghía những bông hoa tim tím nhỏ xíu chen nhau xếp hàng chạy dài từ dưới lên trên cái ngọn cong cong vươn cao như vòi voi.
Thực ra, loại rau gia vị này rất đỗi thân quen trong mỗi bữa cơm thường ngày. Ngày thơ bé, mẹ vẫn dặn ra vườn hái mấy ngọn tía tô tra vào nồi canh suông để “dậy mùi”. Có thể vị canh bàng bạc nhưng cái hương từ tía tô tỏa ra vẫn luôn hấp dẫn biết nhường nào để đám trẻ sớm hoàn thành những bát cơm nhạt vị.
Ngày cuối tuần rảnh rang mò được mớ ốc ở ao, ngòi thể nào mẹ cũng “mở tiệc”: Ốc nấu chuối đậu (vắng thịt ba chỉ). Hay hôm nào bá Hến nhà bên trẩy cà tím mang sang cho, mẹ sẽ bung cả xoong. Và đương nhiên khi đó gia vị cho những món ăn đó không thể thiếu tía tô được. Riêng nó hay chị bị cảm, mẹ sẽ nấu bát cháo trắng tra hành hoa cùng tía tô và hối ăn nhiều để đổ mồ hôi, đánh bay mệt mỏi, sớm mai vẫn có thể đến trường.
Sau này, nó còn được thưởng thức món gỏi cá quấn lá tía tô ở nhà hàng Nhật Bản trên phố. Dù khá e ngại với thực phẩm tươi sống nhưng bởi tin cậy với lá tía tô mà nó mạnh dạn thưởng thức. Cũng là một “trải nghiệm” thật mới mẻ, thú vị trong cái hương vị dân dã nhưng thật mạnh mẽ trên bàn tiệc sang trọng.
Tía tô thân thuộc đến thế đó nhưng chưa khi nào nó được bắt gặp những bông hoa tim tím bé xinh ấy. Thực ra, cuối năm về quê, thấy nó tiếc những cây tía tô phơi góc sân, mẹ có nhắc đôi ba lần rằng, hết Đông, sang Xuân là cây non mọc khắp vườn. Vì sao à, vì hoa đơm quả cho hạt lan xa.
Nhớ về chuyện đó, nó cười quê một mình. Không chỉ nhanh tay hái lá rửa sạch chuẩn bị cho bữa cháo chân giò sớm mai, nó còn ngắt từng cành cắm vào cốc thủy tinh, đặt ngay bàn làm việc theo hướng nắng xiên để ngắm nhìn và thư giãn tưởng như đang ở giữa vườn xa…