Định hướng trong đổi mới và hiện đại hóa SGK phổ thông

Định hướng trong đổi mới và hiện đại hóa SGK phổ thông
(GD&TĐ) - Sáng nay (30/10), hội thảo quốc tế “Đổi mới và hiện đại hóa chương trình và SGK theo định hướng phát triển bền vững” do NXB Giáo dục Việt Nam tổ chức diễn ra tại Hà Nội với sự tham gia của các chuyên gia giáo dục trong nước và quốc tế.
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển phát biểu tại Hội thảo
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển phát biểu tại Hội thảo

 Ông Vũ  Ngọc Hoàng - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương  và Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển đến dự hội thảo.

Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận 4 nội dung chính: Những định hướng trong đổi mới và hiện đại hóa SGK phổ thông; xây dựng, phát triển, sử dụng SGK điện tử; xây dựng, phát triển mô hình SGK mới và hiện đại; đánh giá và sử dụng SGK trong nhà trường phổ thông hiện đại.
GS.TS Vũ Văn Hùng – Phó Tổng giám đốc, kiêm Tổng biên tập NXB Giáo dục Việt Nam - cho biết: Theo Đề án Đổi mới chương trình, SGK phổ thông sau năm 2015, các định hướng xây dựng chương trình, SGK mới là tiếp cận theo hướng phát triển năng lực và phẩm chất người học, đẩy mạnh đổi mới phương pháp và hình thức tổ chức giáo dục theo hướng phát triển năng lực cho học sinh; đổi mới đánh giá kết quả giáo dục theo yêu cầu phát triển năng lực, điều chỉnh hài hòa, cân đối giữa “dạy chữ” và “dạy người” và từng bước “dạy nghề”. Nội dung giáo dục mang tính cơ bản, hiện đại, thực tiễn giúp hình thành và phát triển các năng lực học tập và phẩm chất học sinh.
Đi sâu về vấn đề này, một số tham luận tại hội thảo đã đề cập đến những xu hướng chính của việc đổi mới và hiện đại hóa chương trình, SGK trong thời đại số và toàn cầu hóa; thiết kế và biên soạn SKG theo định hướng phát triển bền vững; quan niệm về đổi mới và hiện đại hóa SGK ở Việt Nam sau năm 2015…
Cũng theo GS.TS Vũ Văn Hùng, ở các nước phát triển, để có một bộ SKG tốt, việc nghiên cứu mô hình SKG phù hợp với các yêu cầu của chương trình, điều kiện thực tế của đất nước là rất quan trọng. Điều đó giúp tác giả có một tầm nhìn, định hướng chung, góp phần làm nên bộ SKG nhất quán và đáp ứng đúng yêu cầu của chương trình.
Hiện nay, NXB Giáo dục Việt Nam là đơn vị đầu tiên trong cả nước nghiên cứu về vấn đề này và đã thu được một số kết quả nhất định. Kết quả này cũng được các nhà nghiên cứu trình bày trong hội thảo…
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển khẳng định: SGK là một trong những yếu tố quyết định nhất đến chất lượng giáo dục, cùng với chương trình giáo dục, đội ngũ giáo viên và hệ thống tổ chức giáo dục.
Việt Nam đang ở  bước khởi đầu của quá trình đổi mới chương trình giáo dục nói chung, chương trình giáo dục phổ thông nói riêng theo yêu cầu chuyển từ chương trình tiếp cận nội dung sang tiếp cận năng lực người học; từ mục đích truyền thụ kiến thức, kỹ năng cho học sinh sang phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực người học…
Vì vậy, SGK phải có cấu trúc, nội dung, cách tiếp cận và hình thức trình bày đáp ứng tốt nhất sự sáng tạo, chủ động của giáo viên, học sinh trong quá trình dạy học, phù hợp với các đặc điểm về điều kiện giáo dục của cả nước cũng như các vùng miền khác nhau, đáp ứng tốt nhất mục đích và chuẩn của chương trình giáo dục.
SGK phải vừa là nơi cung cấp nội dung dạy học, vừa là nơi khởi đầu, kích thích sự tìm tòi kiến thức từ các nguồn khác nhau, gắn với cuộc sống, sự kiện từ quê hương, đất nước. SGK phải tạo cơ hội cho việc áp dụng các phương pháp dạy học tích cực theo phương châm lấy quá trình học tập của học sinh làm trung tâm và khơi gợi hứng thú, khát vọng học tập suốt đời, vận dụng kiến thức, kỹ năng vào giải quyết các vấn đề trong cuộc sống và trong học tập của các em.
Thứ trưởng nhấn mạnh: Cùng với việc xác định các đặc điểm phải có, các yêu cầu đối với SGK, chúng ta cần phải xây dựng một hệ thống tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá SKG để làm căn cứ xuất phát cho các tác giả SGK; đồng thời, phải làm công cụ cho việc đánh giá, thẩm định SGK, giúp Bộ GD&ĐT trong việc phê duyệt, cho phép sử dụng SGK trong dạy học.
Hội thảo sẽ diễn ra trong 2 ngày 30 và 31/10.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ