Lưu ý khi tiếp xúc
Điều đầu tiên, PGS Tôn Nữ Vân Anh khuyến nghị tới các bậc cha mẹ là nên hạn chế để trẻ đến những nơi đông người trong trường hợp không cần thiết, tránh việc tiếp xúc trực tiếp với người có dấu hiệu viêm đường hô hấp cấp tính (sốt, ho, khó thở). Trong trường hợp phải đi đến các nơi tập trung đông người hoặc khi ở trường học phải đeo khẩu trang y tế đúng cách, giữ khoảng cách khi tiếp xúc.
Người lớn cần đặc biệt lưu ý, những hành động như ôm ấp, hôn có thể khiến trẻ dính phải các giọt bắn nước bọt từ người mang mầm bệnh, dù họ chưa có biểu hiện phát bệnh như ho, sốt. Bởi vậy, cha mẹ cần hạn chế cho trẻ tiếp nhận những hành động đó. Tốt nhất, trong thời gian phòng dịch, cha mẹ cố gắng sắp xếp thời gian vui chơi và học tập cùng trẻ tại nhà.
Vấn đề giữ vệ sinh
Theo PGS Tôn Nữ Vân Anh, để giảm bớt nguy cơ lây nhiễm và chăm sóc trẻ tốt hơn, cha mẹ cần bảo đảm vệ sinh sạch sẽ môi trường xung quanh nơi sinh sống. Tăng cường thông khí khu vực nhà ở bằng cách mở cửa ra vào và cửa sổ, bật điều hòa ở nhiệt độ thích hợp.
Nơi sinh hoạt của trẻ phải được tiệt trùng, lau chùi thường xuyên. Bên cạnh đó, cha mẹ có thể hạn chế nguy cơ nhiễm bệnh do tiếp xúc bề mặt bằng cách vệ sinh các vật dụng, đồ chơi của bé, những vị trí nhiều người chạm vào như tay nắm cửa bằng chất cồn hoặc dung dịch kháng khuẩn để loại bỏ tối đa các loại virus, vi khuẩn bám vào.
Cùng với đó, giữ vệ sinh cá nhân cũng là một biện pháp quan trọng để chăm sóc trẻ em hiệu quả. Cha mẹ cần rửa tay cho bé thường xuyên. Đối với những trẻ lớn hơn, ba mẹ cần làm gương và xây dựng cho bé thói quen rửa tay sau khi ra ngoài chơi hoặc đi từ ngoài về, trước và sau khi ăn. Có thể cho trẻ súc miệng bằng nước muối hoặc các loại nước súc miệng chuyên dùng để làm sạch cổ họng.
Chế độ dinh dưỡng hợp lý
Một trong những biện pháp phòng dịch được các chuyên gia y tế đặc biệt chú trọng, đó là tăng cường thể lực để đẩy lùi nguy cơ nhiễm bệnh. Theo đó, để tăng sức đề kháng cho trẻ, giúp trẻ khỏe mạnh hơn, ba mẹ cần hướng dẫn trẻ về chế độ dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý và lối sống lành mạnh như uống đủ nước, bổ sung các thực phẩm giàu protein. Tăng các thực phẩm giàu kẽm như tôm, cua, gan động vật, thịt bò, các loại ngũ cốc không chỉ cung cấp đầy đủ chất kẽm cho cơ thể mà còn giúp tăng sức đề kháng, giúp trẻ chống lại những virus gây bệnh. Bổ sung các loại rau củ, hoa quả chứa nhiều vitamin C, E giúp tăng cường hệ miễn dịch, giúp nhuận tràng, tránh táo bón ở trẻ.
“Sức đề kháng tốt là then chốt để bảo vệ cơ thể mỗi người khỏi tác động của môi trường và nguy cơ bệnh tật. Cùng với việc áp dụng chế độ dinh dưỡng hợp lý, cha mẹ cũng cần tập cho trẻ một lối sống lành mạnh như: Đảm bảo ngủ đủ giấc, đúng giờ, rèn luyện cơ thể thường xuyên, tắm nắng để hấp thụ vitamin D”, PGS Tôn Nữ Vân Anh nhấn mạnh.
Ghi nhớ những điều cần làm ở trường
Sau thời gian dài nghỉ học để phòng dịch tại nhà, khi đi học lại, trẻ sẽ tiếp xúc nhiều với những khu vực đông người cũng như các vật dụng công cộng. Do đó, cha mẹ cần tăng cường nhắc nhở con về những biện pháp tự bảo vệ, duy trì các thói quen phòng dịch mọi lúc mọi nơi.
PGS Tôn Nữ Vân Anh nhận định, tình hình dịch Covid-19 trên thế giới vẫn đang diễn biến rất phức tạp. Tại Việt Nam, mặc dù tình hình đang được Chính phủ và ngành Y tế kiểm soát rất tốt song chúng ta không khi nào được lơ là, chủ quan. Cha mẹ vẫn cần duy trì những biện pháp như: Vệ sinh môi trường xung quanh, vật dụng, đồ chơi của trẻ; cung cấp cho trẻ một chế độ dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý...
Thêm vào đó, cha mẹ cần tập cho trẻ ý thức vệ sinh, sát khuẩn tay thường xuyên vì trẻ thường có thói quen cầm nắm đồ vật, đưa tay lên mắt, mũi, miệng, là con đường xâm nhập của virus vào cơ thể. Cần nhắc nhở trẻ rửa tay khi đến lớp, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, chạm vào các vật dụng công cộng, lúc về nhà, sau khi chơi đồ chơi và đeo khẩu trang. Việc thường xuyên đeo khẩu trang trên đường đi học, trong giờ ra chơi, cha mẹ cần khích lệ, động viên và hướng dẫn trẻ sử dụng khẩu trang đúng cách.
Theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, cha mẹ cần kiểm tra thân nhiệt cho trẻ trước khi đến lớp. Nếu trẻ có bất kỳ biểu hiện không bình thường nào về sức khỏe, cha mẹ không nên cho con đến trường để tránh lây lan cho các học sinh khác. Cha mẹ cũng cần phối kết hợp với giáo viên chủ nhiệm để theo dõi tình trạng sức khỏe của con. Trong trường hợp trẻ có bất kỳ biểu hiện bất thường nào về sức khỏe, giáo viên chủ nhiệm cần báo ngay cho các lãnh đạo nhà trường để có biện pháp xử lý kịp thời.