(GD&TĐ) - Theo TS Phạm Thị Phương Thái - Trưởng khoa Văn - Xã hội, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu - đào tạo ngôn ngữ, văn hóa (ĐH Khoa học, ĐH Thái Nguyên) - nhân cách, đạo đức của sinh viên được hình thành thông qua cách ứng xử giữa thầy - trò trên lớp, vào giờ ngoại khóa, trong giao tiếp hàng ngày.
Quan niệm về chữ hiếu có sự thay đổi
Nhiều người cho rằng giới trẻ ngày nay vô tâm, vô tình với cha mẹ và thầy cô, theo TS, nhận định trên có phù hợp?
TS Phạm Thị Phương Thái. Ảnh: V. Hải |
Cuộc sống hiện đại khiến nhiều giá trị văn hóa thay đổi, quan niệm của mọi người về đạo hiếu, về sự quan tâm của mình tới cha mẹ, người thân cũng khác. Xưa, người ta quan niệm báo hiếu là phải ở bên cha mẹ, hàng ngày dâng cơm, dâng nước, chăm sóc khi cha mẹ ốm đau. Nay, xã hội thay đổi nên nhiều người, nhiều gia đình cho rằng người con có hiếu là phải học hành thành đạt, có địa vị trong xã hội, kiếm nhiều tiền để giúp đỡ lại bố mẹ. Với quan niệm trên nên thời gian dành cho cha mẹ, gia đình dường như cũng hạn chế do các bạn trẻ phải tập trung vào học tập, hoạt động ngoài xã hội…
Theo tôi, quan niệm trên đúng nhưng chưa đủ. Chúng ta không thể đổ lỗi cho cuộc sống hiện đại mà lơ là các mối quan hệ gia đình, thầy trò, bè bạn. Để cân bằng các mối quan hệ, cần sự cân đối, điều chỉnh từ hai phía. Cha mẹ nên sắp xếp thời gian hợp lý để buổi tối phải có bữa cơm quây quần, các thành viên cùng tham gia, tạo bầu không khí ấm cúng. Đây cũng là dịp để cha mẹ nắm bắt tâm tư, tình cảm của con cái, quan tâm uốn nắn những hành vi lệch chuẩn của trẻ. Thầy cô, ngoài việc truyền thụ kiến thức cũng nên là người bạn đồng hành với học trò của mình. Với các bạn trẻ, theo suy nghĩ của cá nhân tôi, thể hiện tình cảm quan tâm tới cha mẹ, thầy cô có thể từ những việc làm dung dị không nhất thiết phải là hành động lớn lao. Chỉ cần một cử chỉ nhỏ thể hiện tình yêu thương, một lời hỏi thăm vào dịp lễ Tết hay khi ốm đau… cũng đủ làm cha mẹ, thầy cô ấm lòng.
Để SV tôn trọng, người thầy phải xây dựng hình ảnh của mình như thế nào, thưa bà?
Có lẽ một trong những lý do khiến SV Trường ĐH Khoa học trọng thị các thầy cô do các em chủ yếu là người miền núi, tình cảm các em với thầy cô bộc lộ chân thành. Tuy nhiên, để được các em tôn trọng, tin yêu, bản thân mỗi thầy cô cũng thực sự tận tâm với học trò của mình, đặc biệt là thầy cô giáo trẻ. Ở trên lớp là người thầy nghiêm túc nhưng ngoài giờ học, thầy cô là bạn, giúp SV không chỉ trao đổi về vấn đề học thuật mà còn là tình cảm, tháo gỡ những vướng mắc trong cuộc sống.
GD đạo đức: Không chỉ dạy trên lớp
Thầy cô là người truyền tri thức, là bạn đồng hành với SV. Ảnh: V. Hải |
Cuộc sống thay đổi mỗi ngày, quan hệ xã hội mỗi thời mỗi khác, vậy gia đình, nhà trường có vai trò như thế nào trong việc định hướng nhân cách cho các em?
Gia đình, nhà trường có vai trò vô cùng quan trọng đối với việc hình thành nhân cách,đạo đức của các em SV hiện nay. Với SV Trường ĐH Khoa học, đa phần ở tỉnh xa nên vai trò của nhà trường, xã hội là vô cùng quan trọng. Để quản lý, rèn luyện SV, nhà trường thường xuyên tổ chức các hoạt động có tính chất GD, định hướng, thậm chí điều chỉnh suy nghĩ về nhận thức, đạo đức. Một trong số đó là phối hợp với Hội Phật giáo tỉnh tổ chức lễ Vu lan báo hiếu. Phật giáo chú ý đến 4 ơn (ơn với Tổ quốc - quốc gia, công đức sinh thành của cha mẹ, thầy cô, ơn những người lân cận, trong cộng đồng), trong đó nhấn mạnh lòng hiếu thảo của con cái với cha mẹ. Chúng tôi mong muốn qua một nghi thức của nhà chùa giúp các em thấm nhuần hơn lời của đức Phật dạy, cũng là mong muốn của các bậc sinh thành, thầy cô, xã hội.
Với những sinh viên đến từ nhiều địa phương khác nhau, kinh nghiệm của trường trong việc rèn luyện kỹ năng sống, hành vi đạo đức cho các em?
Trong trường, đặc biệt là trong khoa có ngành Công tác xã hội nên chúng tôi thường xuyên tổ chức các hoạt động từ thiện. Việc tham gia chuẩn bị chương trình Trung thu, 1/6 không chỉ mang đến niềm vui cho trẻ khuyết tật, mồ côi, người già không nơi nương tựa, các em còn nhận lại được những giá trị đạo đức, giá trị cuộc sống. Đây là dịp để các em nhận thức được những gì các em được hưởng ngày hôm nay là may mắn, từ đó nhận ra giá trị mình đang sống.
Nhà trường cũng thường xuyên tổ chức cho SV đi thực tế ở khu vực miền núi. Càng vào vùng hẻo lánh, xa xôi, cuộc sống của bà con cực khổ, ngoài làm chuyên môn nghiên cứu về văn hóa, văn học thì còn có hiệu ứng rất tốt, đó là khi các em được sống cùng đồng bào, cùng lên nương, làm ruộng, tự các em sẽ so sánh cuộc sống các em đang được thụ hưởng với cuộc sống của bà con. Mỗi chuyến đi đó, tự các em nhận thấy bài học về đạo đức…
Đặc biệt, năm học 2013-2014, nhà trường đưa môn GD pháp luật vào giảng dạy ở tất cả ngành học. Như vậy, SV được làm quen với khái niệm về pháp luật đại cương, kiến thức về luật pháp, trong đó chú trọng đến việc dạy về nghi lễ, quy tắc làm con người, bổn phận của người con trong gia đình, của học trò với thầy cô, giữa học trò với học trò và học trò với mọi người xung quanh…
La Giang (Thực hiện)