Định hướng mô hình đào tạo nghề Công tác xã hội

GD&TĐ -Xây dựng mô hình đào tạo nghề công tác xã hội trong trường học đang hướng đến xây dựng một bộ giáo trình chuẩn từ quốc tế và thực tế tại Việt Nam để giúp can thiệp kịp thời các vấn đề nổi cộm trong trường học hiện nay như bạo lực học đường, trẻ em khuyết tật, tự kỷ, bỏ học…

Định hướng mô hình đào tạo nghề Công tác xã hội

Chuẩn hóa đào tạo và trợ giúp đối tượng yếu thế

Theo ông Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐ-TB&XH): Từ khi triển khai Đề án phát triển nghề Công tác xã hội (CTXH) giai đoạn 2010 - 2020 (Đề án 32) từ chỗ chỉ có 1 trường trung cấp đào tạo nghề CTXH, nay đã có gần 50 trường có đào tạo về lĩnh vực này.

Hằng năm, nghề CTXH đào tạo 2.500 sinh viên hệ dài hạn và 3.500 hệ tại chức. Hiện nay, cả nước có hơn 500 cơ sở chăm sóc người khuyết tật, người già, trẻ em, người nhiễm HIV… và 12.000 xã phường có chức danh nghề CTXH. Các cơ sở y tế và bảo trợ xã hội đã xây dựng hệ thống tiêu chí nghề CTXH. Đây là hành lang pháp lý quan trọng để chuẩn hóa đào tạo và trợ giúp đối tượng yếu thế.

Tuy nhiên, hơn 50.000 cơ sở giáo dục các cấp học từ mẫu giáo đến đại học với nhiều vấn đề như bạo lực học đường, chăm sóc trẻ em khuyết tật, trẻ em bỏ học… thì chưa triển khai nghề CTXH. Điều này đang gây khó khăn cho việc giải quyết những bức xúc hiện nay tại các cơ sở giáo dục. Do đó rất cần khảo sát, đánh giá về nghề CTXH trong trường học để có quy định cụ thể. Đồng thời, giới thiệu những mô hình can thiệp đã triển khai thành công tại một số tỉnh thành như Hà Nội, Quảng Ninh... Bạo lực học đường đang là vấn đề nóng xã hội hiện nay.

Thúc đẩy hoàn thiện hành lang pháp lý

TS Nguyễn Hiệp Thương, Trưởng khoa CTXH, Trường ĐHSP Hà Nội cho biết, hiện việc xây dựng và phát triển lĩnh vực CTXH còn gặp nhiều khó khăn, do chưa nhận được sự quan tâm đúng mức của các cấp, các ngành so với nhu cầu cần có. CTXH trong trường học là một vấn đề còn khá mới mẻ đối với khoa học xã hội ở Việt Nam nói chung và các nhà lãnh đạo cấp cao nói riêng; Công tác nghiên cứu lý luận về CTXH trường học tại Việt Nam còn rất khiêm tốn.

Thực tế, nguồn nhân lực phục vụ cho việc xây dựng và phát triển CTXH trong trường học còn hạn chế cả về số lượng lẫn chất lượng. Điều này trước hết được thể hiện ngay trong việc đào tạo CTXH ở Việt Nam nói chung còn nhiều bất cập do thiếu nhân lực và hạn chế về trình độ. Việc đào tạo cử nhân hoặc cán bộ CTXH chuyên sâu về lĩnh vực trường học còn rất manh mún. Đa số các trường cao đẳng, đại học chưa thiết kế chương trình đào tạo chuyên biệt về lĩnh vực CTXH này, kể cả ở góc độ lý thuyết lẫn thực hành...

Trước những bất cập nêu trên, các chuyên gia khuyến nghị, cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý về nghề CTXH, Bộ LĐ-TB&XH và Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm có hướng dẫn cụ thể tiêu chí nghề CTXH trong trường học. Các bộ, ngành liên quan cần có sự liên kết nhất định để nâng cao chất lượng đào tạo, bảo đảm sau khi ra trường, sinh viên ngành CTXH có năng lực đáp ứng tốt nhu cầu thực tế. Đối với công tác đào tạo đội ngũ cán bộ, nhân viên CTXH, từ góc độ nghiên cứu và trực tiếp tham gia đào tạo, các trường cần xây dựng chiến lược đào tạo, cũng như sơ đồ các cấp đào tạo phù hợp với nhu cầu nguồn nhân lực đầu ra.

Theo số liệu của Bộ LĐ-TB&XH, cả nước có khoảng 25% dân số thuộc diện bảo trợ xã hội, cần được trợ giúp bởi các cán bộ CTXH. Vì thế, một trong những mục tiêu quan trọng của Đề án Phát triển nghề CTXH giai đoạn 2010 - 2020 là Việt Nam cần phát triển mạng lưới dịch vụ xã hội và nhân viên CTXH chuyên nghiệp. Đến năm 2020 cần đào tạo mới và đào tạo lại được 60.000 nhân viên CTXH với các trình độ khác nhau.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.