Định hình văn hóa từ áo dài

GD&TĐ - Những năm qua, việc đưa hoa văn, họa tiết truyền thống và hình ảnh di sản văn hóa lên tà áo dài trở thành trào lưu trong giới thiết kế thời trang.

Dự kiến đến năm 2025, Thừa Thiên Huế sẽ hình thành bộ cơ sở dữ liệu, hình ảnh áo dài Huế qua các thời kỳ.
Dự kiến đến năm 2025, Thừa Thiên Huế sẽ hình thành bộ cơ sở dữ liệu, hình ảnh áo dài Huế qua các thời kỳ.

Bức tranh phong phú của văn hóa Việt Nam đã trở thành nguồn cảm hứng cho các nhà thiết kế, sáng tạo mẫu áo dài mang những câu chuyện về truyền thống và đương đại đầy ấn tượng.

Kết nối truyền thống và hiện đại

Dù đến nay, áo dài Việt Nam vẫn chưa được công nhận trong danh mục di sản văn hóa, chưa có tính pháp lý để vinh danh như một di sản chính thức, nhưng xung quanh tà áo dài, sự sáng tạo luôn được các nhà thực hành nghệ thuật chú trọng với thông điệp “áo dài là một di sản chứa đựng tất cả các di sản khác”.

Ngày 20/1, Câu lạc bộ Thời trang Đại học Kiến trúc Hà Nội (HAU Fashion Club) phối hợp với Trịnh Fashion sẽ tổ chức một sự kiện trình diễn thời trang đặc biệt chủ đề “Vân vân & Mây mây”. Đây không chỉ là một show trình diễn thời trang đơn thuần, mà còn là màn tái hiện một hành trình sáng tạo kết nối truyền thống với hiện đại.

Lấy truyền thống làm nền tảng chủ đạo cho mọi sáng tạo, trong thời gian qua, các sinh viên của HAU Fashion Club dưới sự chỉ đạo của Khoa Thiết kế mỹ thuật và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội đã hoàn thành nhiều bộ sưu tập với các thiết kế độc đáo để tôn vinh bản sắc Việt thông qua tà áo dài truyền thống.

Theo ThS Nguyễn Trí Dũng, Phó Trưởng khoa Thiết kế mỹ thuật, Trưởng bộ môn Thiết kế thời trang, các sinh viên thời trang được hướng dẫn thiết kế theo hướng nghệ thuật, trình diễn và ứng dụng. Những thiết kế được lấy ý tưởng từ văn hóa truyền thống không chỉ giúp sinh viên khám phá bản thân về sự sáng tạo trong chuyên ngành, mà còn góp phần tạo ra sự say mê đối với những chủ đề mang đậm tính truyền thống.

Trong năm 2023, HAU Fashion Clubđã trình diễn show tốt nghiệp thời trang mang tên “New Gene” với 16 bộ sưu tập với hơn 70 thiết kế độc đáo. Ở mỗi thiết kế, các hình ảnh, hoa văn, họa tiết truyền thống của đồng bào các dân tộc được đưa lên áo dài, làm nổi bật hình ảnh một đất nước có nền văn hóa đa dạng và đặc sắc.

Với kỹ thuật Mix-match kết hợp việc xử lý bề mặt chất liệu vải dựa trên vải thổ cẩm - loại vải truyền thống của Hà Giang, thông qua lăng kính thời trang, các nhà thiết kế trẻ muốn gửi gắm niềm tự hào với vẻ đẹp của quê hương, đất nước, mong muốn gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống và nâng cao giá trị, ước vọng của phụ nữ và trẻ em vùng cao.

Đặc biệt, các giảng viên và sinh viên Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội đã đưa kết cấu trang phục hát bội - màu sắc sân khấu lên tà áo dài, kết hợp với việc sử dụng kỹ thuật in, thêu và đính kết thủ công làm nổi bật sự lộng lẫy của loại hình nghệ thuật cổ truyền. Bên cạnh đó, thông điệp lịch sử cũng được tái hiện trên tà áo dài truyền thống khi kết hợp những ảnh hưởng thời trang những năm đầu thế kỷ 20.

Tiếp nối những thành công ấy, các sinh viên của HAU Fashion Club tiếp tục đồng hành cùng Trịnh Fashion khám phá các giá trị văn hóa truyền thống trong show trình diễn đặc biệt sắp tới mang tên “Vân vân & Mây mây”.

Đại diện HAU Fashion Clubcho biết, bức tranh phong phú của văn hóa truyền thống Việt Nam đã trở thành nguồn cảm hứng cho các nhà thiết kế sáng tạo những bộ trang phục gợi lên giá trị văn hóa dân gian như áo dài, áo chần bông, hát bội, múa lân, múa rối nước, tranh Đông Hồ… mang những câu chuyện ấn tượng.

Di sản văn hóa phi vật thể 'đờn ca tài tử' được khắc họa trên một mẫu áo dài của nhà thiết kế Đỗ Trịnh Hoài Nam.

Di sản văn hóa phi vật thể 'đờn ca tài tử' được khắc họa trên một mẫu áo dài của nhà thiết kế Đỗ Trịnh Hoài Nam.

Định hình văn hóa từ bản sắc

Trong những năm qua, việc đưa hoa văn, họa tiết truyền thống và hình ảnh di sản văn hóa lên tà áo dài đã trở thành trào lưu trong giới thiết kế thời trang. Không chỉ vậy, áo dài cũng là nguồn cảm hứng sáng tạo bất tận đối với thơ ca - nhạc - họa và đặc biệt là điện ảnh.

Thời gian gần đây, thời trang áo dài được xem như một lĩnh vực đặc biệt thuộc về các ngành công nghiệp văn hóa. Việc kết hợp áo dài với các ngành nghề khác như mỹ thuật, đồ họa, nghệ thuật biểu diễn, thiết kế sáng tạo, du lịch… đã khiến áo dài trở thành phương tiện chuyển tải hoàn hảo để quảng bá văn hóa dân tộc.

Trong các hình ảnh của tour du lịch Huế, Hội An (Quảng Nam) hình ảnh áo dài được khai thác một cách tối đa. Đặc biệt, nhiều du khách nước ngoài cũng mua cho mình một bộ áo dài phù hợp và diện trong suốt hành trình khám phá đất nước Việt Nam.

Họ tự chụp, check in hình ảnh áo dài và đưa lên mạng xã hội. Theo cách nào đó, hình ảnh áo dài cứ thế lan tỏa đến với bạn bè khắp thế giới. Nếu như trước kia, thế giới đã quen với hình ảnh của Hán phục, Hàn phục, Hòa phục (Nhật phục) thì nay Việt phục chính là tà áo dài thướt tha.

Điều đặc biệt nhất, áo dài không chỉ là niềm kiêu hãnh của người Việt, mà trên tà áo dài - những di sản văn hóa như Hoàng thành Thăng Long, Hoàng thành Huế, chùa Một Cột, hồ Hoàn Kiếm hay hình ảnh “cây đa, bến nước, sân đình” được in lên như thêm một biểu tượng của văn hóa truyền thống hiển hiện trong nét thời trang đương đại.

Nghệ nhân Ưu tú - nhà thiết kế Lan Hươngđược biết đến là một trong những người khai thác mạnh mẽ nhất về hình ảnh văn hóa trên tà áo dài. Từ những năm 2016, chị đã đưa hình ảnh cổng làng và tranh Đông Hồ lên bộ sưu tập để trình diễn tại Festival Áo dài Hà Nội.

Từ đó đến nay, nhiều hình ảnh di sản đặc sắc của Việt Nam được chị tích hợp trong các bộ sưu tập, nhằm quảng bá hơn nữa hình ảnh đất nước.

“Nhìn áo dài, người nước ngoài nhận biết ngay đó là bản sắc của Việt Nam. Khi hình ảnh các di sản được chọn lọc và đưa lên tà áo dài, vẻ đẹp không chỉ tăng lên mà khách quốc tế cũng thêm một hiểu biết về di sản của đất nước.

Ngày nay, với sự lan tỏa mạnh mẽ của mạng xã hội, việc tà ào dài mang hồn cốt di sản không chỉ định hình được văn hóa, mà còn thúc đẩy công cuộc phát triển ngành công nghiệp văn hóa”, nhà thiết kế Lan Hương cho hay.

Nhằm khẳng định giá trị, vị trí của áo dài trong dòng chảy văn hóa, trong năm 2023 tỉnh Thừa Thiên Huế đã hiện thực hóa các nội dung trong Đề án “Huế - Kinh đô Áo dài”. Dự kiến đến năm 2025, tỉnh này sẽ hình thành bộ cơ sở dữ liệu, hình ảnh áo dài Huế qua các thời kỳ. Đến năm 2030, sẽ hình thành bảo tàng, trung tâm trưng bày, trình diễn, may đo áo dài Huế, ban hành chính sách hỗ trợ phát triển áo dài. Đặc biệt, hoàn thiện hồ sơ “Nghề may đo áo dài và tập quán sử dụng áo dài truyền thống Huế” đệ trình UNESCO xem xét, ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ