Điều trị ung thư: Dựa vào trí tuệ nhân tạo hay trí tuệ con người

GD&TĐ - Trí tuệ nhân tạo không còn là khái niệm mới và nó được áp dụng ở tất cả mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội. Đặc biệt trong thời đại công nghệ số, trí tuệ nhân tạo đã lan đến ngành y và góp phần không nhỏ vào việc hỗ trợ bác sĩ chẩn đoán, đưa ra phác đồ điều trị cho người bệnh. 

Điều trị ung thư: Dựa vào trí tuệ nhân tạo hay trí tuệ con người

Tuy nhiên, như vậy không có nghĩa trí tuệ nhân tạo hoàn toàn thay thế bác sĩ như lời đồn đoán mà chỉ là công cụ hỗ trợ, là một kênh để bác sĩ tham khảo.

Sản phẩm công nghệ

Trí tuệ nhân tạo được một số bệnh viện ở nước ta áp dụng từ đầu năm 2018. Đây là sản phẩm của công ty IBM và các chuyên gia về ung thư của Hoa Kỳ xây dựng thông qua việc tổng hợp các hồ sơ bệnh án ung thư, các bài viết trên tạp chí y khoa, tài liệu y văn liên quan đến việc phát hiện, điều trị 13 loại bệnh ung thư.

Là một trong số bệnh viện thử nghiệm ứng dụng trên, tại Bệnh viện K có 200 ca bệnh (ung thư vú, phổi) được bác sĩ dùng trí tuệ nhân tạo trong quá trình điều trị cho bệnh nhân. Kết quả cho thấy, phác đồ điều trị của bác sĩ đưa ra cho bệnh nhân với phác đồ được khuyến cáo có sự tương đồng lớn (90%).

Còn tại Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ, từ tháng 2/2018, được sự hỗ trợ của IBM và Five9, bệnh viện cũng đưa trí tuệ nhân tạo vào điều trị cho bệnh nhân ung bướu. Theo bác sĩ Ngô Hữu Hà, Phó GĐ bệnh viện, áp dụng trí tuệ nhân tạo đã mang lại nhiều kiến thức bổ ích cho bác sĩ.

Trung tâm Ung bướu của Bệnh viện đa khoa Phú Thọ mỗi ngày điều trị cho 300 - 500 bệnh nhân nội trú. Nhờ phần mềm trên, nhiều phác đồ điều trị mới được cung cấp cho bác sĩ tham khảo, ứng dụng. Bác sĩ Ngô Hữu Hà cho biết: Trí tuệ nhân tạo là phần mềm hỗ trợ bác sĩ điều trị ung thư dựa trên nền tảng điện toán. Phần mềm trên có khả năng hiểu ngôn ngữ tự nhiên và các dữ liệu phi cấu trúc có khả năng đọc và phân tích nhiều dữ liệu khác nhau để đưa ra gợi ý điều trị cho các bác sĩ, sau khi nghiên cứu sâu.

Bổ ích cho bác sĩ và người bệnh

So sánh phác đồ điều trị cho bệnh nhân được bác sĩ Bệnh viện K đưa ra với phác đồ phần mềm khuyến cáo sau khi phân tích dữ liệu bệnh nhân cho thấy trình độ các bác sĩ tiệm cận với kiến thức được áp dụng ở nhiều nước và được phần mềm tổng hợp lại.

Nhưng với bệnh viện tuyến dưới, việc được tiếp cận với ngân hàng dữ liệu thực sự giải tỏa được cơn khát về trình độ, kinh nghiệm và đội ngũ nhân lực bởi lâu nay, để đưa ra phác đồ điều trị cho bệnh nhân thường mỗi người một ý nên thường phải thành lập hội đồng để ra quyết định. Mỗi lần như vậy mất nhiều thời gian, công sức trong khi người bệnh đang nóng lòng chờ đợi. Bác sĩ Hà cho biết: Ban đầu, các bác sĩ không tránh khỏi ngỡ ngàng bởi không hiểu đây là máy móc hay phác đồ điều trị. Nhưng vừa làm vừa vỡ dần cộng với sự ủng hộ của bệnh nhân đã thu nhận được kết quả ban đầu.

19 bệnh nhân tham gia điều trị bệnh với sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ. Bước đầu cho kết quả khả quan, đó không phải là việc điều trị khỏi bệnh như lời đồn đoán mà là việc thay đổi thái độ của bệnh nhân khi biết mình bị bệnh và tìm được sự hợp tác của họ với bác sĩ. Là một trong những bệnh nhân đầu tiên áp dụng phần mềm này trong quá trình điều trị, bà Đàm Thị Hạnh (Phúc Yên, Vĩnh Phúc) cho biết: Tôi bị ung thư xương, sau khi được bác sĩ thông báo tình hình bệnh cũng như phần mềm hỗ trợ điều trị, tôi đồng ý áp dụng với hy vọng đến đâu hay đến đó nên bác sĩ bảo sao tôi làm vậy. Sau 2 tháng điều trị theo phác đồ mới, tôi thấy sức khỏe khá hơn trước, tinh thần cũng thoải mái hơn.

ThS.BS Trần Xuân Vĩnh, Phó Trưởng đơn vị Phẫu thuật Ung bướu - Hóa trị (Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ) cho biết: Phần lớn bệnh nhân khi nhận kết quả đều rơi vào trạng thái hoang mang, mất phương hướng. Cũng có người suy sụp sức khỏe, tinh thần nhanh hơn cả sự tiến triển của bệnh. Một số khác lại tìm đến bài thuốc dân gian, phương pháp chữa không chính thống thay vì hợp tác với bác sĩ, tin tưởng vào y học hiện đại. Nhưng khi được giới thiệu phần mềm trí tuệ nhân tạo trong điều trị bệnh, có bệnh nhân đã tưng từ chối điều trị nay trở lại viện. Những bệnh nhân khác có sự thay đổi về tinh thần, chủ động hợp tác với bác sĩ. Do vậy, việc điều trị bệnh nhờ thế đạt kết quả tốt hơn. Có lẽ thành công của phần mềm này là việc đem lại cho bệnh nhân niềm tin vào bác sĩ, vào quá trình điều trị. Tiếng lành đồn xa nên nhiều bệnh nhân từ Quảng Ninh, Cần Thơ, Hà Nội gọi điện đến bệnh viện nhờ tư vấn.

Với các bác sĩ, phần mềm này cũng thực sự hữu ích. Nó giúp bác sĩ tuyến dưới tự tin hơn khi đưa ra phác đồ điều trị. Hơn nữa, việc sử dụng hệ thống này là cách để bác sĩ tự trau dồi kiến thức trong thực hành lâm sàng và điều trị ung thư dựa trên bằng chứng khoa học, nghiên cứu được thế giới công nhận. Bác sĩ Ngô Hữu Hà, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bên trong căn hầm tái hiện hoạt động in ấn tài liệu, truyền đơn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn trong những năm kháng chiến.

Hầm in tài liệu bí mật giữa lòng Sài Gòn

GD&TĐ - Nằm trong con hẻm nhỏ ở đường Ngô Gia Tự, Quận 10, TPHCM, cơ sở in ấn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn năm 1954 là nơi in cả nghìn ấn bản phục vụ cách mạng.