Điều tra vụ hàng loạt phụ huynh bị lừa ‘con đang cấp cứu’

GD&TĐ - Công an TPHCM cảnh báo phụ huynh khi nhận được thông tin về việc người thân đang bị tai nạn cần bình tĩnh kiểm tra, kiểm chứng thông tin.

Thượng tá Lê Mạnh Hà thông tin tại buổi họp báo.
Thượng tá Lê Mạnh Hà thông tin tại buổi họp báo.

Đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến cáo người dân

Tại buổi Họp báo cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế-xã hội và công tác phòng, chống dịch trên địa bàn TPHCM chiều 9/3, Thượng tá Lê Mạnh Hà - Phó trưởng phòng Tham mưu Công an TPHCM cho biết, những ngày gần đây đơn vị này đã tiếp nhận tin báo, tố giác của người dân về việc bị một số đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt tải sản.

Thủ đoạn các đối tượng là mạo danh giáo viên, nhân viên bệnh viện điện thoại trực tiếp đến phụ huynh thông báo học sinh bị tai nạn đang được nhập viện cấp cứu và yêu cầu bị hại chuyển khoản vào tài khoản đối do đối tượng cung cấp để tạm ứng thanh toán viện phí.

Để chủ động trong công tác phòng ngừa, Công an TPHCM đã phối hợp với các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình tuyên truyền, khuyến cáo những phương thức, thủ đoạn lừa đảo. Đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến cáo đến nhân dân.

Bên cạnh đó, Công an TPHCM cũng yêu cầu Sở GD&ĐT TP chỉ đạo các cơ sở giáo dục tuyên truyền, hướng dẫn học sinh, phụ huynh bình tĩnh, thận trọng trong tiếp nhận, xử lý thông tin liên quan đến thủ đoạn lừa đảo mới của các đối tượng, khuyến cáo phụ huynh liên hệ trực tiếp với giáo viên chủ nhiệm khi cần nắm thông tin tin liên quan đến việc học tập, rèn luyện, sinh hoạt của học sinh tại trường. Cơ sở giáo dục tuyên truyền số điện thoại đường dây nóng của trường đến phụ huynh học sinh để liên hệ khi cần thiết.

Cũng theo Thượng tá Hà, tính đến ngày 9/3, Công an TPHCM đã tiếp nhận 4 tin báo từ báo đài, cơ quan và 3 tố giác của người dân đến Công an phường về việc bị các đối tượng mạo danh giáo viên, nhân viên bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh viện Thống Nhất điện thoại đe dọa trực tiếp đến phụ huynh thông báo học sinh tai nạn đang được nhập viện cấp cứu.

Đối tượng yêu cầu bị hại chuyển khoản vào tài khoản do đối tượng cung cấp để tạm ứng thanh toán viện phí.

“Hiện công an TPHCM đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, công an quận, huyện khẩn trương rà soát, điều tra, truy xét đối tượng để khám phá các vụ việc được phản ánh”, Thượng tá Hà cho hay.

Cũng theo chia sẻ của Thượng tá Lê Mạnh Hà, trước đó (sáng 8/3), Công an huyện Củ Chi tiếp nhận 2 thông tin từ bà T.T.P (sinh năm 1981) và ông N.H.A (sinh năm 1987) trú tại huyện Củ Chi phản ánh bị các đối tượng điện thoại cung cấp thông tin lừa đảo với thủ đoạn như trên, yêu cầu chuyển 100 triệu vào tài khoản do đối tượng cung cấp.

Do được tiếp cận thông tin tuyên truyền từ lực lượng công an địa phương, trên báo đài nên cả hai đã không chuyển tiền cho đối tượng. Công an huyện Củ Chi cũng đang thực hiện các biện pháp nghiệp vụ để xác minh thông tin, truy xét đối tượng.

“Đối tượng lừa đảo qua mạng hoạt động rất tinh vi với nhiều thủ đoạn khác nhau. Để tuyên truyền cho người dân, phòng an ninh mạng và các phòng phòng chống tội phạm công nghệ cao Công an TPHCM đã thành lập trang thông tin trên Facebook địa chỉ: Facebook@anm.catphcm (tên: Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng CNC-Công an TPHCM) để cập nhật các thủ đoạn và tuyên truyền đến người dân”, Thượng tá Hà cho biết.

Ông Hồ Tấn Minh thông tin tại buổi họp báo.

Ông Hồ Tấn Minh thông tin tại buổi họp báo.

Không có việc lộ lọt thông tin từ ngành giáo dục

Ông Hồ Tấn Minh, Chánh VP Sở GD&ĐT TPHCM cho biết, dữ liệu trong công tác chuyển đổi số của ngành giáo dục thực hiện nghiêm ngặt, chặt chẽ theo quy định bảo mật. Dữ liệu quản lý của ngành giáo dục được ban hành bằng quy chế phân công trách nhiệm cụ thể của từng đơn vị và được đăng nhập bằng tài khoản, được ghi nhận dấu vết trên hệ thống nên việc lộ lọt thông tin từ ngành giáo dục là không có.

“Để xác minh việc này thì chúng tôi kiểm chứng lại thông tin từ đâu. Chúng tôi làm việc trực tiếp với phụ huynh học sinh được nhà trường mời vào, thông tin cung cấp không đúng so với thông tin được quản lý. Chẳng hạn, học sinh trường đó nhưng kiểm tra lại thì không có ai tên như vậy và cũng có những thông tin cung cấp em này học ở lớp 7 nhưng thực tế em này đã học lớp 9.

Tuy nhiên phụ huynh khi nghe tin con mình bị tai nạn lại hốt hoảng nên đã thực hiện theo yêu cầu của đối tượng lừa đảo. Có phụ huynh bị lừa đảo đã chuyển tiền 2 lần mới sực nhớ đến giáo viên chủ nhiệm nên đã liên hệ và phát hiện bị lừa mới dừng lại”.

Ngoài những kênh của nhà trường để cung cấp, trao đổi thông tin giữa nhà trường và phụ huynh thì có tình trạng phụ huynh lập các nhóm Zalo, Viber để thông tin với nhau. Chính vì vậy, thông tin của học sinh đăng lên mạng xã hội có thể dẫn đến lộ lọt thông tin, do đó phụ huynh hãy cẩn trọng.

Phụ huynh khi nhận được thông tin liên quan đến học sinh hoặc khi liên hệ những điều cần thiết, nên liên lạc trực tiếp với giáo viên chủ nhiệm hoặc đường dây nóng của nhà trường được đăng công khai trên cổng thông tin điện tử của nhà trường do lãnh đạo trường trực tiếp nghe máy.

Sở GD&ĐT TPHCM đã yêu cầu các cơ sở giáo dục từ mầm non đến trung học phổ thông và các trung tâm phải công khai đường dây nóng để giúp phụ huynh yên tâm có kênh liên lạc.

“Trong thời gian tới, giữa Sở GD&ĐT sẽ phối hợp chặt chẽ với Công an TPHCM cung cấp hết những thông tin đã làm việc với nhà trường và phụ huynh để cơ quan Công an điều tra giải quyết triệt để, ngăn chặn kịp thời hành vi lừa đảo này”, ông Minh cho hay.

“Thông tin cá nhân học sinh có thể lộ lọt qua nhiều hình thức khác nhau như: Lỗ hổng bảo mật, dữ liệu do các đơn vị, doanh nghiệp, cửa hàng thu thập làm lộ lọt, chẳng hạn như việc làm thẻ khách hàng tại khu vui chơi, cửa hàng ăn uống, Trung tâm ngoại ngữ,… do đó cần có quá trình điều tra, xác minh làm rõ. Các cơ quan nhà nước khi quản lý thông tin có quy định chặt chẽ và có quá trình kiểm tra, bảo mật nên tính an toàn bảo mật cao hơn”, Thượng tá Lê Mạnh Hà nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ